Quay lạiQuay lại

Viêm phế quản phổi là gì? Triệu chứng và cách phòng bệnh

23/1/2023

Share

Nội dung chính

1. Viêm phế quản phổi là gì? 
2. Triệu chứng viêm phế quản phổi ở người lớn và trẻ em
3. Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
4. Cách phòng tránh bị viêm phế quản phổi
4.1 Tiêm phòng đầy đủ
4.2 Duy trì thói quen sống sạch sẽ
4.3 Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi
4.4 Xây dựng lối sống lành mạnh
4.5 Thăm khám sức khỏe
5. Giải đáp thắc mắc về viêm phế quản phổi
5.1 Viêm phế quản phổi có phải là viêm phổi không?
5.2 Đã có thuốc đặc trị viêm phế quản phổi chưa?
5.3 Viêm phế quản phổi có lây không?

Viêm phế quản phổi là tổn thương cấp thường do virus khởi phát, sau bội nhiễm do vi khuẩn hoặc cả hai. Bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người mắc. Nguy hiểm hơn là nếu không điều trị kịp thời thì có nguy cơ tử vong cao. Vậy hãy để Papaya giúp bạn có được những kiến thức hữu ích về bệnh lý này cũng như cách xử lý khi gặp phải.

1. Viêm phế quản phổi là gì? 

Trong cấu trúc của cơ quan hệ hô hấp, phế quản là hệ thống đường dẫn khí, kết nối từ khí quản đến phế nang (hay còn gọi là nhu mô phổi). Đường dẫn khí này sẽ tách thành các ống khí nhỏ (tiểu phế quản) tạo nên phổi. Cuối các tiểu phế quản là những phế nang hay túi khí nhỏ.

Từ đây, viêm phế quản phổi chính là tình trạng viêm khu trú thành từng mảng ở các hai vùng là phế quản và phế nang phổi. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các thùy phổi tại một hoặc toàn bộ trong cùng một lúc, gây suy yếu chức năng phổi.

Bệnh lý này diễn biến nhanh và phân theo 4 giai đoạn: ủ bệnh - khởi phát - toàn phát - hồi phục. Nguyên nhân chính gây ra viêm phế quản phổi là do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus, nấm. Bệnh có thể điều trị khỏi nhanh sau 1 - 2 tuần nếu phát hiện sớm, nhưng cũng gây tử vong và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản phổi cần được thăm khám và điều trị sớm (Nguồn: Canva)

Viêm phế quản phổi cần được thăm khám và điều trị sớm (Nguồn: Canva)

2. Triệu chứng viêm phế quản phổi ở người lớn và trẻ em

Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ em và người lớn thường khác nhau. Trong đó trẻ nhỏ và người cao tuổi là đối tượng thường xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý đang nặng hay nhẹ mà người bị bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng điển hình của viêm phế quản phổi gồm có:

  • Ho, xuất hiện các cơn ho dai dẳng, ho dài không ngớt.
  • Trong họng có thể xuất hiện dịch nhầy là đờm có màu trắng hoặc vàng.
  • Sốt từ 38 độ C trở lên, một số trường hợp người có sức đề kháng tốt hay viêm phế quản phổi ở trẻ em sốt sẽ là biểu hiện duy nhất.
  • Khó thở, đau tức ngực, thở gấp ngay cả khi đi đứng nhẹ nhàng.
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, có những cơn ớn lạnh đến rùng mình.
  • Đau cơ, đau đầu, có thể gây mất nhận thức ở người cao tuổi.
Ho dai dẳng là triệu chứng của viêm phế quản phổi (Nguồn: Canva)

Ho dai dẳng là triệu chứng của viêm phế quản phổi (Nguồn: Canva)

3. Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?

Viêm phế quản phổi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm ở cả hai khu vực là phế quản và phổi do đó mức độ tăng lên so với bệnh lý viêm đường hô hấp thông thường. Bệnh còn thường gặp ở người có hệ miễn dịch suy yếu nên càng nguy hiểm hơn nếu không được phát hiện kịp thời. Cụ thể các biến chứng có thể gặp phải ở người bị viêm phế quản phổi gồm:

  • Suy hô hấp: Bệnh nhân bị suy hô hấp có thể cần hỗ trợ bằng máy thở. 
  • Áp xe phổi: Xuất hiện các túi mủ hay ổ áp xe bên trong phổi.
  • Nhiễm trùng huyết: Viêm phế quản phổi có thể lan truyền vào máu gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan khác, dẫn đến suy đa tạng.
  • Các biến chứng khác: Suy thận, suy tim, sảy thai, sinh non ở phụ nữ đang mang thai,...

4. Cách phòng tránh bị viêm phế quản phổi

Trẻ em và người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý đường hô hấp nói chung và viêm phế quản phổi nói riêng. Ngoài ra còn có những yếu tố rủi ro khác như môi trường, thời tiết, lối sống, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. 

Dựa vào nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây bệnh mà sẽ có những phương án phòng tránh viêm phế quản phổi phù hợp. Cụ thể bạn cần cố gắng thực hiện những điều sau:

4.1 Tiêm phòng đầy đủ

Để phòng bệnh hiệu quả nhất, bạn cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các mũi có thể giúp ngăn ngừa viêm phế quản, viêm phổi. Các mũi tiêm bạn nên tham khảo như: vắc xin phế cầu khuẩn, vắc xin cúm, vắc xin não mô cầu, vắc xin ngừa vi khuẩn Hib.

Tiêm phòng đầy đủ giúp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp (Nguồn: Canva)

Tiêm phòng đầy đủ giúp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp (Nguồn: Canva)

4.2 Duy trì thói quen sống sạch sẽ

Bạn cần chú ý hai vấn đề quan trọng nhất trong đời sống đó chính là rửa tay thường xuyên và giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Sau mỗi lần tiếp xúc gần với người bị bệnh hay khi ho, hắt hơi, đi vệ sinh và trước khi ăn bạn cần rửa tay sạch với xà phòng. Đối với nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi cần làm sạch thường xuyên để tránh tình trạng vi khuẩn bám trên bề mặt.

4.3 Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi

Người bị bệnh hay đang cần phòng bệnh viêm phế quản phổi đều phải chú ý bổ sung cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất. Đối với trẻ nhỏ, cần tích cực cho bú mẹ để giúp miễn dịch từ mẹ truyền sang được cho con. Khi lựa chọn thực phẩm, nên ưu tiên các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin A, vitamin C, kẽm để tăng cường sức đề kháng

4.4 Xây dựng lối sống lành mạnh

Môi trường ô nhiễm bởi khói bụi, hóa chất và khói thuốc lá yếu tố chính có ảnh hưởng lớn đến bệnh lý viêm phế quản phổi. Do đó, bạn nên tránh tiếp xúc với những môi trường bị ô nhiễm, nếu bắt buộc phải hoạt động tại đây thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Đồng thời bạn cần tránh hút thuốc và hít khói thuốc lá trực tiếp. 

Bỏ hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi (Nguồn: Canva)

Bỏ hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi (Nguồn: Canva)

4.5 Thăm khám sức khỏe

Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe tại nhà hàng ngày, bạn cũng cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi phát hiện các triệu chứng viêm phế quản phổi. Việc theo dõi sát sao sức khỏe sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm, hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng, hạn chế biến chứng. Cùng với đó, tuân thủ đúng phác đồ điều trị viêm phế quản phổi được bác sĩ đưa ra, uống đúng thuốc, uống đủ liều. 

5. Giải đáp thắc mắc về viêm phế quản phổi

5.1 Viêm phế quản phổi có phải là viêm phổi không?

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các túi khí (phế nang), trong khi viêm phế quản phổi xảy ra ở cả khu vực ống phế quản. Tuy nhiên, hiện nay người ta có thể gọi viêm phế quản phổi thay thế cho bệnh viêm phổi bởi các triệu chứng, phương án điều trị tương đối giống nhau. 

5.2 Đã có thuốc đặc trị viêm phế quản phổi chưa?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho viêm phế quản phổi, vậy nên khi điều trị bệnh sẽ áp dụng nguyên tắc điều trị triệu chứng và nguyên nhân. Trường hợp bệnh nhân bị viêm do vi khuẩn sẽ sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, ngược lại nếu nguyên nhân do virus thì kháng sinh lúc này sẽ không có tác dụng. 

5.3 Viêm phế quản phổi có lây không?

Viêm phế quản phổi có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp có chứa nguồn gây bệnh. Vậy nên nếu bạn bị bệnh, cần lấy tay che miệng, quay đi khu vực khác mỗi khi muốn ho và xử lý rác thải có chứa đờm, dịch của bệnh nhân đúng quy định. 

Tóm lại viêm phế quản phổi là bệnh lý nguy hiểm khi có tình trạng viêm ở cả khu vực túi khí và phế quản. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như phương án phòng bệnh. 

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan