Quay lạiQuay lại

Bé bị viêm phế quản phải chăm sóc như thế nào?

4/3/2023

Share

Nội dung chính

1. Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng
2. Triệu chứng trẻ bị viêm phế quản
2.1 Giai đoạn đầu
2.2 Giai đoạn 2
3. Lập kế hoạch chăm sóc bé bị viêm phế quản phổi
3.1 Chế độ ăn uống
Bé bị viêm phế quản nên ăn gì?
Bé bị viêm phế quản cần kiêng những thực phẩm này
Cách chế biến thức ăn cho trẻ
3.2 Những lưu ý khi chăm sóc trẻ
Vệ sinh cho trẻ
Giữ ấm cho trẻ
Giữ môi trường an toàn cho sức khỏe của trẻ
4. Bé bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi?

Bé bị viêm phế quản thực tế không quá nguy hiểm, có thể dễ dàng điều trị khỏi nếu biết cách chăm sóc đúng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường có qua thời điểm vàng, khiến bé có nguy cơ chuyển biến sang viêm phổi hay viêm phế quản mạn tính. Vậy nên, bài viết dưới đây Papaya sẽ giúp cha mẹ biết cách nắm bắt đúng thời điểm và bí quyết chăm sóc cho trẻ nhanh khỏi bệnh. 

1. Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng

Viêm phế quản là bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp dưới với những biểu hiện của niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm. Đối với viêm phế quản ở trẻ em thì chủ yếu là ở dạng cấp tính. Thời gian điều trị để bệnh thường kéo dài vài tuần và nếu chăm sóc tốt có thể khỏi dứt điểm. 

Nguyên nhân gây viêm phế quản chính ở trẻ là do virus (Nguồn: Canva)

Nguyên nhân gây viêm phế quản chính ở trẻ là do virus (Nguồn: Canva)

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này gồm có:

  • Do cơ thể trẻ bị vi khuẩn, vi rút hoặc một số loại nấm xâm nhập gây viêm nhiễm.
  • Trẻ tiếp xúc với các chất độc hại: khói thuốc lá, bụi bẩn
  • Thời tiết trở lạnh, thay đổi thất thường.
  • Do trẻ bị mắc một số bệnh lý về dạ dày, gây trào ngược dẫn đến viêm phế quản.

2. Triệu chứng trẻ bị viêm phế quản

Khi bé bị viêm phế quản sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Theo từng giai đoạn viêm phế quản cấp, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. 

2.1 Giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu khi cơ thể bắt đầu bị viêm phế quản cấp còn được gọi là giai đoạn viêm khô, diễn ra từ 3 - 4 ngày. Các triệu chứng xuất hiện khi trẻ bị viêm phế quản gồm có: 

  • Sốt từ 38  - 40 độ C. 
  • Mệt mỏi, đau cơ, đau đầu.
  • Cảm nhận vùng sau xương ức nóng ran.
  • Khó thở nhẹ, nghe thấy tiếng rít mỗi khi hít thở.
  • Ho khan, ho dai dẳng, ho nhiều về đêm.
  • Nghe phổi có ran ngáy, ran rít.

2.2 Giai đoạn 2

Sau giai đoạn viêm khô sẽ chuyển biến sang giai đoạn xuất tiết với diễn biến trong vòng 6 - 8 ngày. Ở thời điểm này, một số triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ có thể bắt đầu giảm, tuy nhiên các cơn ho có kèm theo đờm nhầy hoặc đờm mủ.

Trẻ bị viêm phế quản thường ho nhiều có thể kèm thêm đờm (Nguồn: Canva)

Trẻ bị viêm phế quản thường ho nhiều có thể kèm thêm đờm (Nguồn: Canva)

3. Lập kế hoạch chăm sóc bé bị viêm phế quản phổi

Trẻ em từ 6 tháng -  3 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý viêm phế quản cấp. Hơn nữa, với sức đề kháng còn non nớt, nếu không được chăm sóc cẩn thận, đúng cách, nguy cơ biến chứng và chuyển biến nặng sẽ cực kỳ cao. Dưới đây sẽ là những chú ý quan trọng mà phụ huynh cần biết để giúp trẻ nhanh khỏi. 

3.1 Chế độ ăn uống

Theo viện Dinh Dưỡng Quốc Gia đã khuyến cáo về chế độ chăm sóc bé bị viêm phế quản cần đảm bảo đủ dinh dưỡng. Lúc này, cơ thể trẻ đang bị suy kiệt, yếu ớt, mất nước nhưng lại có hệ tiêu hóa nhạy cảm, cùng với tình trạng chán ăn. Do vậy, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp đặc biệt quan trọng. 

Bé bị viêm phế quản nên ăn gì?

  • Các thực phẩm giàu chất đạm, dễ tiêu hóa như: Tôm, cá.
  • Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như: Cá hồi, cá thu, ngũ cốc,...
  • Các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin, chất xơ như: Chanh, cam, bưởi, ổi, rau cải, súp lơ.
  • Tích cực cho trẻ uống thật nhiều nước, kết hợp bổ sung oresol để bù điện giải khi trẻ bị tiêu chảy, sốt cao.
Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ nhanh khỏi (Nguồn: Canva)

Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ nhanh khỏi (Nguồn: Canva)

Bé bị viêm phế quản cần kiêng những thực phẩm này

  • Những thực phẩm có nguy cơ làm tăng các triệu chứng viêm phế quản như các loại thịt đỏ.
  • Thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu: Đồ uống có ga, các sản phẩm từ sữa nhiều chất béo như pho mát, các loại đậu,...
  • Thực phẩm nhiều đường: Bánh ngọt, hoa quả nhiều đường như nho, mía..

Cách chế biến thức ăn cho trẻ

Hệ tiêu hóa của trẻ trong thời điểm bị viêm phế quản nhạy cảm hơn bình thường do đó, phụ huynh nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Mỗi bữa chỉ nên cho trẻ ăn một lượng nhỏ, không ép trẻ ăn khiến trẻ nôn trớ. Khi chế biến cần đảm bảo thực phẩm chín mềm, ưu tiên các món súp, cháo chứa nhiều nước cho trẻ dễ tiêu. 

3.2 Những lưu ý khi chăm sóc trẻ

Bên cạnh chế độ ăn uống thì việc chăm sóc trẻ sẽ cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục cũng như hạn chế các biến chứng. Cụ thể có những điều quan trọng mà phụ huynh cần đặc biệt chú ý như sau:

Vệ sinh cho trẻ

Khi trẻ bị viêm phế quản, phụ huynh nên vệ sinh mũi họng cho trẻ, nhất là khi trẻ xuất hiện đờm. Việc loại bỏ hết đờm trong mũi họng sẽ hạn chế tình trạng viêm nhiễm lây lan, đồng thời giúp lưu thông đường thở, cho trẻ dễ chịu hơn. Phụ huynh có thể đưa trẻ để các cơ sở y tế để được hỗ trợ vệ sinh hàng ngày, nhằm đảm bảo thực hiện đúng thao tác.

Vệ sinh mũi đúng cách để loại bỏ đờm cho trẻ (Nguồn: Canva)

Vệ sinh mũi đúng cách để loại bỏ đờm cho trẻ (Nguồn: Canva)

Giữ ấm cho trẻ

Nhiễm lạnh là một yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ bị viêm phổi khi bị viêm phế quản. Không ít cha mẹ thắc mắc trẻ bị viêm phế quản có được tắm không? Theo bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm này cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho bé, nhất là vùng cổ họng. Có thể cho tắm nếu trẻ không mệt mỏi, sốt, tuy nhiên chỉ nên tắm bằng nước ấm và không ngâm mình trong nước. Tốt nhất, giai đoạn này phụ huynh nên sử dụng khăn ấm, nhẹ nhàng vệ sinh những khu vực khe kẽ, dễ sản sinh vi khuẩn như bẹn, nách, kẽ tay, kẽ đùi,...

Giữ môi trường an toàn cho sức khỏe của trẻ

  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ, thay nệm, chăn, ga thường xuyên.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc môi trường có khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo.
  • Chủ động cách ly trẻ khỏi những người đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp để hạn chế lây nhiễm.

4. Bé bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi?

Bé bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Thông thường, bệnh có thể khỏi mà không cần dùng kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh không phải do vi khuẩn. Thời gian để trẻ hồi phục là 1 - 2 tuần, tuy nhiên triệu chứng ho có thể kéo dài lâu hơn.  

Để hạn chế việc tái nhiễm khi trẻ mắc viêm phế quản, phụ huynh cần điều trị bệnh dứt điểm. Trường hợp phải dùng thuốc điều trị, không được tự ý dừng thuốc ngay cả khi trẻ có dấu hiệu giảm bệnh. Đồng thời, cho trẻ đi tiêm vắc xin phế cầu, vắc xin Haemophilus Influenzae đầy đủ. 

Trên đây là những thông tin về bệnh lý và cách chăm sóc bé bị viêm phế quản. Cha mẹ hãy chú ý quan sát và cho bé đi thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh. Hy vọng bài viết hôm nay, Papaya đã giúp bạn cập nhật thêm nhiều điều hữu ích. 

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan