Nội dung chính
Đột quỵ là tình trạng bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến tế bào não gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho cơ thể. Nắm rõ những dấu hiệu đột quỵ sẽ giúp bạn kịp thời xử lý, sơ cứu cho người bệnh giúp giảm tỷ lệ thương tật cho bệnh nhân sau đột quỵ.
Tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng đột quỵ
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ, cụ thể như sau:
- Yếu tố tuổi tác, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh đột quỵ càng lớn.
- Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ.
- Người có tiền sử bị đột quỵ có khả năng cao sẽ bị đột quỵ lần tiếp theo.
- Người tiểu đường, mắc bệnh tim mạch, thừa cân béo phì.
- Người có lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia…
2. Các dấu hiệu đột quỵ bạn cần biết
Những dấu hiệu đột quỵ sẽ xuất hiện và biến mất nhanh chóng nhưng có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Cụ thể những dấu hiệu phổ biến của bệnh lý này phải kể đến như sau:
2.1. Đau đầu dữ đội
Hiện tượng đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, chóng mặt là một trong những dấu hiệu sớm của cơn đột quỵ. Tình trạng đau đầu tuỳ sức khoẻ bệnh nhân mà sẽ có mức độ đau khác nhau. Nếu tình trạng đau kéo dài, đau một bên dữ dội bạn cần cẩn trọng và cân nhắc đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng đột quỵ.
2.2. Tê yếu nửa người
Người bệnh bỗng nhiên cảm thấy một nửa cơ thể cùng mình bị yếu, khó dơ tay hay dơ chân lên như bình thường. Điều này khiến cơ thể đứng ngồi không vững gây cảm giác mệt mỏi, đau nhức. Đây là dấu hiệu đột quỵ thường thấy ở đa số các bệnh nhân.
2.3. Giảm thị lực bất ngờ
Khi bị đột quỵ, thị lực của người bệnh sẽ giảm đột ngột, một mắt hoặc cả hai mắt bị mờ dần và giảm tầm nhìn nghiêm trọng. Tuy nhiên, biểu hiện này đa số không rõ ràng và người bên cạnh thường khó có thể nhận ra.
2.4. Nói ngọng
Người mắc đột quỵ thường đột nhiên nói ngọng một cách bất thường do môi lưỡi tê cứng, miệng khó mở. Khi người bệnh phải gắng sức mới có thể nói được hoặc không biết mình đang nói gì thì đây chắc chắn là dấu hiệu của cơn đột quỵ nguy hiểm.
Đột quỵ dẫn đến tê liệt cơ tay chân, khó đi lại
2.5. Đi đứng khó khăn
Trong trường hợp cơ chân tay vẫn khoẻ những người bệnh lại cảm thấy khó khăn khi đi lại thì nguyên nhân có thể do những biến chứng của đột quỵ. Sự phối hợp giữa chân tay và các cơ khác không nhịp nhàng dẫn đến những công việc thường ngày như cầm thìa đũa, cầm bút viết, đi lại đều gặp khó khăn.
2.6. Rối loạn nhận thức và ngôn ngữ
Rối loạn nhận thức và ngôn ngữ là một trong những dấu hiệu thường gặp của bệnh đột quỵ. Người bệnh sẽ gặp một số biểu hiện tiêu biểu như rối loạn trí nhớ, giảm nhận thức mọi vật xung quanh, giảm khả năng ngôn ngữ… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
2.7. Dấu hiệu liệt mặt
Người bị đột quỵ thường xuất hiện tình trạng mặt có dấu hiệu không cân xứng, nhân chung lệch sang một bên, miệng méo hay nếp mũi má bị mất. Khi người bệnh cử động gương mặt, dấu hiệu méo miệng và những đường nét không cân xứng càng hiện rõ.
Bệnh đột quỵ gây liệt mặt, liệt nửa người
Ngoài tìm hiểu các dấu hiệu đột quỵ, người bệnh còn thường băn khoăn đến những câu hỏi sau:
3. Các biến chứng của đột quỵ là gì?
Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm dẫn đến nhiều biến chứng phải kể đến như:
- Rối loạn khả năng nhai nuốt dẫn đến thường xuyên bị sặc thức ăn, khó uống nước.
- Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn nhận thức và khả năng ngôn ngữ hạn chế.
- Viêm phổi, xẹp phổi.
- Liệt nửa người, liệt cơ mặt.
- Nhiễm trùng tiết niệu
4. Xử lý đột quỵ như thế nào đúng cách?
Khi phát hiện ra các dấu hiệu đột quỵ, người nhà cần gọi xe cấp cứu ngay trước khi bình tĩnh xử lý tình huống. Theo nghiên cứu, người bị đột quỵ sẽ bị phá vỡ 2 triệu tế bào thần kinh trong một phút nên việc tận dụng từng giây từng phút là rất quan trọng khi sơ cứu người đột quỵ.
Trong khi đợi xe cấp cứu, bạn cần sơ cứu người bệnh theo những bước sau:
- Để phần đầu và lưng người bệnh nằm nghiêng 45 độ tránh sặc đường thở.
- Nớt bớt phần cổ áo và kiểm tra hô hấp của người bệnh.
- Trong trường hợp bệnh nhân ngừng tim cần thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
- Dùng khăn tay quấn vào ngón tay để lấy đờm dãi trong miệng người bệnh.
- Ghi lại thời điểm bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ.
- Mang theo các đơn thuốc bệnh nhân đang dùng khi đến bệnh viện cấp cứu.
5. Cách phòng tránh bệnh đột quỵ?
Để phòng tránh bệnh đột quỵ, bạn cần hiểu được nguyên nhân gây bệnh và áp dụng các biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh như sau:
- Kiểm soát huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm soát đường huyết, lượng cholesterol trong máu.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia ảnh hưởng đến sức khoẻ.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ rau xanh, củ quả và các chất béo lành mạnh, hạn chế dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp.
- Tập luyện, vận động thường xuyên tùy theo cơ địa, sức khỏe người bệnh.
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh bệnh béo phì.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Bài viết trên là những chia sẻ về các dấu hiệu đột quỵ và những thông tin xoay quanh vấn đề này. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức hữu ích giúp bạn có thể phòng tránh bệnh lý nguy hiểm này tránh những biến chứng xấu xảy ra.