Nội dung chính
Sảy thai là điều không may diễn ra trong quá trình mang thai của phụ nữ. Sảy thai thường gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của người mẹ, trong đó phổ biến nhất là triệu chứng đau bụng dưới sau khi sảy thai. Liệu đây có phải là dấu hiệu đáng lo ngại? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây các bạn nhé!
Đau bụng dưới sau khi sảy thai có đáng lo ngại?
1. Nguyên nhân dẫn đến đau bụng dưới sau khi sảy thai
Tình trạng đau bụng dưới sau khi sảy thai chủ yếu xuất phát từ các cơn co thắt tử cung. Sau khi thai nhi bị đẩy ra ngoài, chuỗi các hiện tượng xảy ra trong tử cung sẽ hình thành nên các cơn co bóp. Ở một số người, cường độ co bóp tử cung cao dẫn đến cảm giác đau bụng dưới dữ dội, thậm chí cơn đau còn lan sang vùng lưng khiên người mẹ luôn thấy khó chịu, mệt mỏi.
Tùy theo cơ địa mỗi người, cơn đau bụng dưới sau khi sảy thai có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Trong đó, nguyên nhân cơn đau chủ yếu đến từ:
1.1 Tử cung co bóp để tống dịch nhầy ra ngoài
Sau khi sảy thai, trong tử cung người mẹ thường sót lại một số dịch nhầy mỏng. Ở giai đoạn này, tử cung sẽ tăng co bóp nhằm tống dịch thừa ra ngoài. Cơn đau do nguyên nhân này thường không kéo dài lâu, chỉ từ 1 đến 3 ngày. Mức độ đau cũng không dữ dội, thường người mẹ chỉ cảm thấy đau râm ran ở vùng bụng dưới. Đây là hiện tượng bình thường sau sảy thai, các bà mẹ không cần quá lo ngại.
Có thể bạn cũng quan tâm: Cục thịt sảy thai ra máu như thế nào?
1.2 Nhiễm trùng tử cung sau khi sảy thai
Nếu người mẹ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng dưới dữ dội, mức độ cơn đau tăng dần theo ngày và kéo dài, âm đạo ra nhiều máu kèm mùi hôi thì rất có thể đã bị nhiễm trùng tử cung sau sảy thai.
Hiện tượng nhiễm trùng này thường xuất hiện ở những bà mẹ sử dụng các thủ thuật xâm lấn để lấy thai ra ngoài. Bên cạnh các triệu chứng kể trên, người mẹ thường có các biểu hiện bị nhiễm trùng như sốt, người xanh xao, hơi thở hôi, mệt mỏi nhiều,...
Trong trường hợp này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị vì tình trạng nhiễm trùng tử cung có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng huyết,...
1.3 Bị sót nhau thai
Trong trường hợp sảy thai tự nhiên nhưng tử cung chưa tống hết các mô thai ra ngoài, những phần nhau thai bị sót lại có thể gây nên cơn co thắt tử cung khiến người mẹ bị đau bụng dưới âm ỉ kéo dài.
Trong trường hợp này, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được can thiệp bằng thủ thuật nạo sạch nhau thai. Bên cạnh đó, bác sĩ thường kết hợp sử dụng oxytocin để giúp tử cung nhanh hồi phục, hạn chế chảy máu.
Các bà mẹ cần lưu ý, nên lựa chọn các cơ sở y tế đảm bảo uy tín để thăm khám và điều trị vì những thủ thuật này nếu không được thực hiện đúng cách sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới sau khi sảy thai
2. Triệu chứng đau bụng dưới sau khi sảy thai có đáng lo ngại?
Tùy theo cơ địa mỗi người, triệu chứng đau bụng dưới sau khi sảy thai có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần kết hợp với cơn đau râm ran cho đến dữ dội. Thời gian và cường độ đau phần nào phản ánh mức độ đáng lo ngại của triệu chứng này.
Nếu người mẹ chỉ bị đau bụng, đau lưng sau sảy thai, cơn đau ở mức âm ỉ kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Cường độ đau giảm dần theo thời gian và không đi kèm các triệu chứng bất thường khác như sốt, ra máu ồ ạt ở âm đạo,... thì các mẹ không cần quá lo lắng vì đây là những dấu hiệu thường gặp sau sảy thai. Chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung nhiều thực phẩm dinh dưỡng thì sức khỏe người mẹ sẽ nhanh chóng hồi phục.
Trong trường hợp các cơn đau bụng dưới có xu hướng ngày càng dữ dội, thời gian đau kéo dài từ 1 đến 2 tuần nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, kết hợp xuất hiện máu đục loãng ở âm đạo thì tình trạng này có thể gây nguy hiểm. Đây là dấu hiệu cho thấy tử cung có nguy cơ bị viêm nhiễm, người mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
3. Những cách giúp hồi phục sức khỏe, hạn chế đau bụng dưới sau khi sảy thai
Những liệu pháp chăm sóc cho người mẹ sau sảy thai không chỉ giúp họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe mà còn hạn chế các triệu chứng thường gặp như đau bụng dưới. Một số phương pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà như:
Chườm ấm ở vùng bụng: Sử dụng túi ấm để chườm ở vùng bụng giúp các mẹ giảm cơn đau bụng dưới sau khi sảy thai. Bên cạnh đó, liệu pháp này giúp tăng lưu thông khí huyết, làm tử cung nhanh hồi phục.
Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng: Các thực phẩm giàu sắt, acid folic như thịt bò, cá, rau xanh, đậu phụ,... rất tốt cho phụ nữ sau sảy thai. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý sau khi sảy thai sẽ giúp các bà mẹ nhanh chóng phục hồi thể chất của mình.
Uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước giúp tăng quá trình đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Các mẹ nên sử dụng nước ấm hoặc các loại trà từ thảo mộc để góp phần hạn chế cơn đau bụng dưới sau khi sảy thai.
Tránh quan hệ tình dục: Việc quan hệ tình dục trong thời gian sau sảy thai là rất nguy hiểm. Ở giai đoạn này, niêm mạc tử cung bị mỏng và chưa hồi phục hoàn toàn, dó đó quan hệ tình dục có thể làm tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung, dẫn đến các cơn đau bụng dưới dữ dội.
Giải tỏa về mặt tinh thần: Bà mẹ sau sảy thai thường trải qua những cảm xúc tiêu cực, do đó sự động viên, chia sẻ để giải tỏa tinh thần cho đối tượng này là vô cùng quan trọng. Người thân, bạn bè nên dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc để người mẹ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng hồi phục tinh thần.
Chườm nóng giúp giảm đau bụng dưới sau khi sảy thai
Đau bụng dưới sau khi sảy thai có thể là dấu hiệu không đáng lo ngại, nhưng nếu đi kèm các triệu chứng bất thường khác thì có thể báo hiệu cho những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, người mẹ cần được theo dõi và chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Hy vọng rằng, bài viết hôm nay của Papaya Insurtech đã giúp bạn trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho thai phụ bị đau bụng dưới sau khi sảy thai.