Nội dung chính
Chế độ thai sản của giáo viên cũng như chế độ thai sản của lao động nữ đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa nắm rõ về quyền lợi thai sản của mình sẽ bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Do đó, nếu bạn chưa hiểu rõ về điều này hãy cùng Papaya tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Giáo viên cũng được hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con như người lao động nữ bình thường.
I. Điều kiện hưởng chế độ thai sản của giáo viên
Để hưởng chế độ thai sản, giáo viên nữ chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (Căn cứ trên điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Trường hợp, giáo viên nữ đã đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trở lên, mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai dưới chỉ định từ cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì cần phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Ngoài ra, khi vợ sinh con, giáo viên nam cũng được hưởng thai sản nếu đang đóng BHXH. Tùy vào từng trường hợp cụ thể liên quan đến vấn đề sinh sản của người vợ mà giáo viên nam sẽ được hưởng chế độ thai sản đi kèm.
II. Thời gian hưởng chế độ thai sản của giáo viên là bao lâu?
Thời gian nghỉ thai sản của giáo viên và thời gian nghỉ hè là hai kỳ nghỉ độc lập với nhau.
Về thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ, theo Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy, thời gian hưởng chế độ thai sản của giáo viên cũng là 06 tháng. Nếu bạn sinh đôi hoặc sinh ba, cứ mỗi con sẽ được tăng thêm 1 tháng nghỉ thai sản. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý về thời gian bắt đầu lao động nữ nghỉ hưởng thai sản không được trước thời điểm sinh quá 02 tháng.
Đôi khi, thời điểm sinh của giáo viên nữ rơi vào hè thì thời gian nghỉ thai sản của giáo viên được tính như thế nào?
Theo đó, dựa trên quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT về thời gian nghỉ hè của giáo viên hàng năm là 02 tháng.
Vì thời gian nghỉ hè và nghỉ thai sản là hai chế độ độc lập nhau, nên để tránh mất quyền lợi của mình, giáo viên có thể xin phép thầy hiệu trưởng để dời thời gian nghỉ hè của mình vào thời điểm trước hoặc sau khi nghỉ sinh. Hoặc nếu không thể dời thời gian nghỉ hè, giáo viên có thể thỏa thuận để nhận một khoản trợ cấp cho thời gian này với hiệu trưởng.
III. Mức hưởng chế độ thai sản của giáo viên
Trợ cấp và phụ cấp khi thai sản của giáo viên sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả.
Khi nghỉ thai sản, doanh nghiệp sẽ không trả lương cho người lao động. Thay vào đó trong khoản thời gian này, giáo viên sẽ nhận được một khoản trợ cấp và phụ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Cụ thể mức hưởng chế độ thai sản của giáo viên như sau:
- Chế độ phụ cấp đứng lớp trong thời gian mang thai: tùy vào từng trình độ giảng dạy, các ngành khác nhau mà giáo viên có thể nhận phụ cấp đứng lớp từ 25% - 50% trên mức lương được nhận.
- Trợ cấp thai sản một lần: Mức trợ cấp này sẽ bằng 02 lần mức lương cơ sở (Mức lương cơ sở hiện nay được tính là 1,49 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, mức trợ cấp này được tính riêng cho từng con, nếu sinh đôi sẽ tính gấp 2, sinh ba sẽ tính gấp 3…
- Tiền thai sản mỗi tháng nghỉ khi sinh con: Trong thời gian nghỉ thai sản, người giáo viên nữ được hưởng 100% mức bình quân tiền lương của 06 tháng trước khi nghỉ thai sản. Nếu chưa đóng đủ 06 tháng BHXH thì mức hưởng được tính bằng bình quân tiền lương của các tháng đã đóng BHXH.
- Tiền trợ cấp dưỡng sức mỗi ngày: Trong trường hợp giáo viên nữ quay trở lại làm việc sau thai sản, trong 30 ngày đầu sức khỏe vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, giáo viên có thể được nghỉ dưỡng sức trong khoảng từ 5 - 10 ngày. Mức tiền trợ cấp dưỡng sức mỗi ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở.
IV. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với giáo viên
Trên cơ sở điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014, để nhận đầy đủ mức hưởng chế độ thai sản đối với giáo viên khi sinh con bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai.
Thời gian giải quyết hồ sơ nhận chế độ thai sản đối với giáo viên được quy định như sau:
- Trong vòng 45 ngày kể từ ngày đi làm trở lại, giáo viên cần chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ cho nhà trường.
- Sau đó, trong 10 ngày kế tiếp kể từ khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị phải nộp cho cơ quan BHXH.
- Thời gian chi trả tiền thai sản của cơ quan BHXH là trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động hoặc 05 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi.
Tạm kết
Như vậy, chế độ thai sản đối với giáo viên cũng giống như với của một người lao động nữ bình thường về điều kiện hưởng, mức hưởng, hồ sơ được thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vì giáo viên là một ngành nghề đặc biệt có thời gian nghỉ hè kéo dài, nên nếu thời gian nghỉ sinh trùng với kỳ nghỉ hè bạn nên chủ động xin để dời thời gian nghỉ hè hợp lý hơn nhé.