Nội dung chính
Để chuẩn bị thật tốt cho việc chào đón thành viên mới cho gia đình, ngoài các gói bảo hiểm thai sản của các công ty bảo hiểm còn một loại hình bảo hiểm chắc hẳn ai cũng biết, đó là bảo hiểm xã hội. Cùng tìm hiểu về các quyền lợi, điều kiện tham gia của chế độ thai sản thuộc BHXH trong bài viết này nhé!
1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm được nhà nước ban hành và quản lý nhằm nâng cao mức an sinh xã hội của người dân thông qua việc thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong trường hợp họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…
2. Chế độ thai sản thuộc BHXH
Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc, chế độ thai sản nằm trong Mục 2 luật bảo hiểm xã hội. Chế độ này được ban hành nhằm đảm bảo và hỗ trợ một phần thu nhập cho lao động khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và cả cho lao động nam có vợ sinh con.
2.1 Điều kiện hưởng chế độ thai sản BHXH
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai
b) Lao động nữ sinh con
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
e) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện các biện pháp triệt sản
f) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con
Ngoài ra, người lao động cũng phải thỏa những điều kiện về thời gian tham gia
- Người lao động quy định tại các điểm b, c và d phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
2.2 Thời gian hưởng chế độ thai sản
Tùy từng trường hợp mà thời gian hưởng và mức hưởng của chế độ thai sản sẽ khác nhau. Quy định về thời gian nghỉ thai sản như sau:
- Khi khám thai
Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 năm trong suốt quá trình mang thai. Mỗi lần được nghỉ 01 ngày. Trường hợp người lao động ở xa cơ sở khám bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai nhi không bình thường thì được nghỉ 02 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
- Khi sảy thai, phá thai theo chỉ định
Thời gian hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý theo chi định của cơ sở khám chữa bệnh là 10 ngày đến 50 ngày tùy thuộc vào độ tuổi thai nhi Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản này tính theo ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
- Khi nhận con nuôi
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản cho đến khi trẻ đủ 06 tháng tuổi. Ngoài ra, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi còn nhận được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp sẽ là: 1,49 triệu đồng x 2 = 2,98 triệu đồng.
- Khi thực hiện các biện pháp tránh thai
Thời gian nghỉ việc được quy định đối với trường hợp người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh
- 07 ngày đối với nữ đặt vòng tránh thai
- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
2.3 Chế độ thai sản khi sinh con
Lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, tuy nhiên không được nghỉ trước khi sinh quá 02 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên, tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con:
Mức hưởng bằng 100% số lương bình quân của tiền lương 06 tháng trước khi nghỉ thai sản
Ví dụ: Mức lương 3 tháng đầu tiên của 06 tháng trước khi nghỉ thai sản là 5.000.000, 03 tháng sau của 06 tháng nghỉ thai sản là 7.000.000 thì số tiền mẹ bầu được nhận sẽ được tính như sau (5.000.0003+7.000.0003)/6 = 6.000.000 06 tháng nghỉ thai sản bạn sẽ nhận được 36.000.000
Lao động nữ đi làm lại sau khi sinh con nhưng chưa đủ 06 tháng nghỉ thai sản cần phải đạt những điều kiện sau:
- Sau khi nghỉ thai sản ít nhất 04 tháng
- Phải báo trước và có sự đồng ý của người sử dụng lao động
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, người mẹ khi đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.
Đối với lao động nam đang đóng BHXH khi có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc với sinh thường 1 con
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi
- 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, lao động nam được nghỉ với thời gian dài hơn. Bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết “BHXH thai sản nam”
Kết
Hiểu và nắm rõ các quyền lợi cũng như chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội giúp người lao động thoải mái và chủ động hơn trong kế hoạch sinh con, chào đón thành viên mới của gia đình. Mong rằng bài viết trên đem đến cho bạn được những thông tin hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn về chế độ thai sản của BHXH