Nội dung chính
Chế độ thai sản là một trong những chính sách thu được nhiều sự quan tâm của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như thế nào? Hãy cùng Papaya tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất
I. Những đối tượng được hưởng chế độ thai sản
Nhiều người lầm tưởng rằng, chế độ thai sản chỉ dành cho các lao động nữ mang thai và sinh con. Tuy nhiên trên thực tế chế độ thai sản có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, thậm chí còn áp dụng cho lao động nam có vợ sinh con.
Theo điều 31, luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản gồm:
- Lao động nữ mang thai
- Lao động nữ sinh con
- Lao động nữ mang thai hộ
- Người mẹ nhờ mang thai hộ
- Lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi
- Lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng, triệt sản,...
- Lao động nam có vợ sinh con
Xem thêm: Chế độ thai sản khi vợ sinh con cho lao động nam năm 2023
II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất
Để được hưởng chế độ thai sản, ngoài việc thuộc đúng nhóm đối tượng, người lao động cần phải đáp ứng các điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
Đối với lao động nữ đã sinh con
Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng hoặc lao động nam có vợ sinh con: cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
Đối với lao động đang mang thai
Lao động nữ mang thai (áp dụng khi có chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh) hưởng chế độ nghỉ dưỡng thai: cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Lưu ý, nếu người lao động đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện trên mà thôi việc hoặc kết thúc hợp đồng lao động trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản bình thường.
Xem thêm: Mẹ bầu nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản không?
Quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản
III. Thời gian nghỉ mà người lao động được hưởng theo chế độ thai sản
Tùy theo từng trường hợp mà thời gian nghỉ theo chế độ thai sản được quy định khác nhau.
Nội dung | Thời gian nghỉ |
---|---|
Lao động nữ sinh con | 6 tháng(Riêng đối với sinh đôi thì từ đứa con thứ 2 trở đi, với mỗi con, mẹ được nghỉ thêm 1 tháng) |
Lao động nữ nghỉ khám thai | 5 lần trong suốt thai kỳ, mỗi lần 1 ngày(Trường hợp thai phụ có bệnh lý, thai nhi không bình thường thì mỗi lần nghỉ 2 ngày) |
Lao động nữ nghỉ do sảy thai, thai chết lưu, nạo/hút thai, phá thai do bệnh lý | Thai dưới 5 tuần: nghỉ 10 ngàyThai từ 5 - 13 tuần: nghỉ 20 ngàyThai từ 13 - 25 tuần: nghỉ 40 ngàyThai từ 25 tuần trở lên: nghỉ 50 ngày |
Lao động nữ đặt vòng tránh thai | Nghỉ 7 ngày |
Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản | Nghỉ 15 ngày |
Lao động nam có vợ sinh thường | Nghỉ 5 ngày |
Lao động nam có vợ sinh dưới 32 tuần hoặc phải phẫu thuật | Nghỉ 7 ngày |
Lao động nam có vợ sinh đôi | Nghỉ 10 ngày(Từ sinh ba trở lên, cứ mỗi con, người chồng được nghỉ thêm 3 ngày) |
IV. Hướng dẫn trình tự các bước giải quyết thủ tục hưởng chế độ thai sản
Quy trình giải quyết thủ tục hưởng chế độ thai sản được thực hiện thông qua các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người lao động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định (như thông tin trên mục IV) và nộp cho người sử dụng lao động trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay lại làm việc.
Theo điều 101, luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hồ sơ chế độ thai sản của người lao động bao gồm các giấy tờ sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con
- Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong trường hợp người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi
- Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền trong trường hợp lao động nữ cần nghỉ dưỡng thai
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (đối với điều trị ngoại trú) hoặc bản sao giấy ra viện (đối với điều trị nội trú) trong trường hợp lao động nữ nghỉ khám thai, sẩy thai, sai chết lưu, nạo/hút thai hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai
Lưu ý: Đối với trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, hoàn thiện hồ sơ và nộp lên cho cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản tương ứng với trường hợp của mình, trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, người lao động cần nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động.
Sau khi tập hợp đầy đủ hồ sơ từ phía người lao động, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải lập Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và nộp cùng bộ hồ sơ tới Cơ quan BHXH trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Nộp thai sản bao giờ nhận được?
Nộp thai sản bao giờ nhận được là thắc mắc của rất nhiều người lao động. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết chế độ và chi trả tiền cho người lao động. Trong trường hợp không thể giải quyết, cơ quan bảo hiểm xã hội phải gửi văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Thời gian giải quyết chế độ thai sản cho người lao động
Người lao động có thể nhận tiền trợ cấp thai sản bằng một trong các hình thức sau:
- Thông qua doanh nghiệp nơi mình đang làm việc.
- Thông qua tài khoản ngân hàng cá nhân.
- Nhận trực tiếp nhận tại cơ quan bảo hiểm xã hội
Kết luận
Hy vọng rằng, những kiến thức bổ ích mà Papaya chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội. Việc nắm rõ những quy định về chính sách này giúp các bậc cha mẹ an tâm phần nào khi có kế hoạch chào đón thêm thành viên mới.