Nội dung chính
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh không chỉ là nỗi lo của mọi bậc cha mẹ mà còn là gánh nặng của ngành y tế bởi những biến chứng nặng khi không được can thiệp - điều trị sớm. Vì giai đoạn sơ sinh trẻ thường rất yếu, làm tăng mức độ nguy hiểm cho trẻ. Do đó, phụ huynh hãy theo dõi ngay nội dung bài viết dưới đây để nắm chắc kiến thức liên quan đến bệnh lý viêm phổi, từ đó biết cách phát hiện, xử lý và phòng tránh đúng cách.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh nguyên nhân do đâu?
Viêm phổi nói chung và viêm phổi ở trẻ sơ sinh nói riêng đều chỉ tình trạng nhiễm trùng tại nhu mô phổi. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn như: Coli, Listeria, vi khuẩn Gram âm xảy ra trước - trong - sau khi đẻ. Trong đó tình trạng này có liên quan mật thiết với thời gian mẹ vỡ ối trước khi sinh.
Căn nguyên của bệnh lý có thể do: Lây tại bệnh viện hoặc từ đường sinh dục của mẹ, hay hít phải phân su, nước ối nhiễm khuẩn. Một số trường hợp trẻ bị viêm phổi do mắc phải một số bệnh lý như: viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn, trào ngược thực quản dạ dày,...
Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lý viêm phổi xảy ra với trẻ sơ sinh gồm có:
- Môi trường sinh sống bị ô nhiễm.
- Điều kiện sống thấp, không đảm bảo nhu cầu về vệ sinh và dinh dưỡng.
- Trẻ bị nhiễm lạnh do thay đổi thời tiết hoặc do thói quen chăm sóc không đúng cách: ủ ấm quá kỹ, tắm nước lạnh, tắm quá lâu.
Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi trong bụng mẹ (Nguồn: Canva)
3 loại viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Dựa theo thời điểm mắc bệnh của trẻ sơ sinh, các bác sĩ có thể chẩn đoán đoán nguyên nhân và phân loại bệnh lý. Theo đó, có 3 loại viêm phổi tại trẻ sơ sinh như sau:
Viêm phổi bẩm sinh (xảy ra trước khi sinh)
Loại viêm phổi bẩm sinh hay dị dạng phổi bẩm sinh thường xảy ra trong những tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân bởi sự xâm nhập của vi khuẩn vào trong bào thai thông qua nhau, hình hành dị dạng cấu trúc hay những bất thường trong quá trình phát triển lá phổi.
Bệnh lý có thể phát hiện bằng phương pháp siêu âm khi mẹ mang bầu, tuy nhiên chỉ có giá trị cảnh báo trước sinh. Từ đó, giúp phát hiện bệnh sớm và đưa ra phương án xử lý kịp thời khi trẻ sơ sinh bị suy hô hấp.
Viêm phổi trong khi sinh
Nguyên nhân gây viêm phổi loại này là trong quá trình sinh mẹ bị nhiễm vi khuẩn ở đường sinh dục, khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ. Hoặc tình trạng này có thể do mẹ bị vỡ ối sớm, với tỷ lệ cụ thể là:
- 90% trẻ mắc viêm phổi nếu mẹ bị vỡ ối trên 24 giờ trước sinh.
- 51,7% trẻ mắc viêm phổi nếu mẹ bị vỡ ối trên 12 giờ - 24 giờ trước sinh.
- 33% trẻ mắc viêm phổi nếu mẹ bị vỡ ối từ trên 6 giờ - 12 giờ trước sinh.
Trong đó, trường hợp trẻ hít phải phân su hay nước ối gây viêm phổi nằm trong mức độ nguy hiểm cần phải xử lý nhanh ngay khi trẻ sinh ra đời.
Viêm phổi trẻ sơ sinh có liên hệ với thời gian vỡ ối (Nguồn: Canva)
Viêm phổi sau khi sinh
Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi sau khi sinh thường bởi yếu tố bên ngoài gây ra. Trong đó, phổ biến nhất là từ quá trình chăm sóc sau sinh, dụng cụ y tế không đảm bảo và môi trường xung quanh ô nhiễm khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ.
5 dấu hiệu cảnh báo viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Mối nguy hiểm của viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường bởi những dấu hiệu ban đầu của bệnh rất nghèo nàn, khó phân biệt, khiến phụ huynh khó nhận biết để cho con điều trị sớm. Do đó, Bộ Y Tế đã đưa ra 5 dấu hiệu viêm phổi nặng ở trẻ sơ sinh, cảnh báo cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín thăm khám ngay, cụ thể là:
- Trẻ bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc.
- Trẻ bị hạ thân nhiệt hoặc sốt trên 37,5 độ C.
- Số lần thở trên 60 lần/phút.
- Trẻ bị khó thở, thở khò khè, có thể thấy dấu co lõm ngực, tím tái.
- Trẻ bị ho có đờm.
Thở nhanh là dấu hiệu dễ nhận biết khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi (Nguồn: Canva)
Hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể khởi phát rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc xuất hiện sau 7 ngày sau khi sinh. Bệnh chuyển biến từ nhẹ đến nặng và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không phát hiện và có cách điều trị viêm phổi trẻ sơ sinh sớm. Do đó, mẹ cần báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu kể trên.
Lúc này, trẻ sẽ được chỉ định chụp X-quang phổi để bác sĩ đánh giá và đưa ra chẩn đoán chính xác. Từ vào mức độ tổn thương của phổi, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm khác như: cấy dịch tiết đường hô hấp, xét nghiệm máu để tìm đúng căn nguyên gây bệnh.
Phụ huynh cần theo dõi sát sao biểu hiện của trẻ mọi lúc, đếm nhịp thở trong một phút và thân nhiệt của trẻ. Cập nhật thông tin liên tục cho bác sĩ và gọi ngay nếu trẻ tím tái, không thở được.
Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà an toàn
Cách phòng bệnh viêm phổi cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những biến nặng nguy hiểm như: viêm màng não, nhiễm trùng máu,... Do đó, cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ đối mặt với bệnh lý này là nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cho trẻ từ sớm. Dưới đây sẽ là cách mà phụ huynh nên áp dụng:
- Đi khám sức khỏe thai nhi định kỳ, đặc biệt là giai đoạn những tháng cuối thai kỳ, nên đi siêu âm 2 tuần/lần.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và nên kéo dài đến ít nhất 24 tháng.
- Mẹ cần tiêm phòng đầy đủ cho bản thân trước khi sinh và cho con sau khi sinh.
- Không nên cho trẻ đến những nơi đông người.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những người có bệnh lý về đường hô hấp, khói thuốc lá, thuốc lào, người hút thuốc.
- Trang bị kiến thức về chăm con, không để trẻ bị nhiễm lạnh.
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thông thoáng, kín gió khi trời lạnh.
Cho bé bú mẹ để tăng sức đề kháng tự nhiên (Nguồn: Canva)
Giải đáp thắc mắc vấn đề viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có thể điều trị khỏi hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện, nguyên nhân gây bệnh và mức độ đáp ứng của trẻ. Nếu trẻ được điều trị sớm, đúng phương án thì có thể khỏi sau 5 - 10 ngày.
Tuy nhiên, thời gian sẽ bị kéo dài lên đến vài tuần nếu trẻ bị viêm phổi nặng, viêm do vi khuẩn bệnh viện hay đã có biến chứng, hay những trẻ đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi tại nhà đúng
Thực tế, trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi khi bị viêm phổi đều xếp vào viêm phổi nặng và được chỉ định phải nhập viện điều trị. Trẻ sẽ được điều trị tại nhà sau khi theo dõi tại bệnh viện và được bác sĩ chỉ định cụ thể. Lúc này, để giúp bé sau khi bị viêm phổi nhanh hồi phục, phụ huynh cần chú ý:
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh, thực phẩm giàu đạm, omega - 3,...
- Đảm bảo vệ sinh nơi ở cho trẻ.
- Sử dụng đúng thuốc, đủ liều theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc, tăng liều.
Như vậy, viêm phổi ở trẻ sơ sinh cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Vậy nên cha mẹ cần chú ý, theo dõi những dấu hiệu của con thường xuyên để nhanh chóng phát hiện ngay khi con có nguy cơ mắc bệnh.