Quay lạiQuay lại

Phát hiện viêm phổi sớm qua 06 triệu chứng thường gặp

23/1/2023

Share

Nội dung chính

1. Viêm phổi là gì?
2. Nguyên nhân viêm phổi
3. Các loại viêm phổi thường gặp
3.1 Viêm phổi bệnh viện
3.2 Viêm phổi cộng đồng
4. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh và người lớn
5. Bị viêm phổi cần phải làm gì?
5.1 Nguyên tắc điều trị viêm phổi
5.2 Phác đồ điều trị viêm phổi tại nhà
5.3 Phát hiện các dấu hiệu viêm phổi nặng

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra và thường khỏi sau 2 - 4 tuần điều trị. Tuy nhiên đối ở nhóm trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có bệnh nền tim, phổi lại có nguy cơ trở nặng cao với nhiều biến chứng nguy hiểm. Với tình hình thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm phổi.  

1. Viêm phổi là gì?

Phổi có nhiệm vụ chính là trao đổi khí, trong quá trình này vi trùng có thể xâm nhập vào phổi gây ra tình trạng nhiễm trùng. Theo đó, viêm phối chính là bệnh lý nhiễm trùng tại một túi hoặc cả hai túi khí, trong túi khí có thể chứa dịch hoặc mủ, tùy mức độ nghiêm trọng. Viêm phổi có thể xuất hiện ở một hoặc vài vùng (viêm phổi thùy hoặc đa thùy) và nguy hiểm nhất là viêm toàn bộ phổi.

Viêm phổi gây nguy cơ tử vong cao ở trẻ sơ sinh trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm đến 14%. Theo ước tính, mỗi năm có đến khoảng 150 triệu đợt viêm phổi ở trẻ em tại các nước đang phát triển và trẻ dưới 5 tuổi có thể bị từ 5 - 8 lần/năm. 

Phổi bị nhiễm trùng ở một túi khí (Nguồn: Canva)

Phổi bị nhiễm trùng ở một túi khí (Nguồn: Canva)

2. Nguyên nhân viêm phổi

Hầu hết thời gian, cơ thể của bạn sẽ thực hiện việc lọc vi trùng ra khỏi không khí mà bạn hít thở vào. Tuy nhiên, đôi khi vi trùng vẫn có thể xâm nhập vào và đi qua phổi của bạn gây ra tình trạng nhiễm trùng. Những vi trùng như vi khuẩn, vi rút, nấm chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm phổi. 

  • Viêm phổi do vi khuẩn: Vi khuẩn phế cầu - Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân phổ biến nhất, ngoài ra còn có một số vi khuẩn điển hình khác như: Mycoplasma pneumoniae, Legionella pneumophila.
  • Viêm phổi do virus: Các loại virus gây bệnh thường gặp là: virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), SARS-CoV-2.
  • Viêm phổi do nấm: Cơ thể hít phải một  số loại nấm có thể gây viêm phổi như Pneumocystis jiroveci.

Bên cạnh những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm phổi thì còn những yếu tố thuận lợi khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho bạn. Trong đó, những yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh:

  • Tuổi tác: Trẻ từ 2 tuổi trở xuống, người già từ 65 tuổi trở lên, người chưa tiêm phòng vắc xin chính là những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phổi.
  • Môi trường, nghề nghiệp: Làm việc trong môi trường đông người, có nhiều khói bụi, khí độc, không khí ô nhiễm chính là yếu tố rủi ro khiến bạn mắc bệnh.
  • Thói quen sinh hoạt: Những người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, ma túy, các chất kích thích sẽ khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, làm tăng tỷ lệ viêm phổi cao hơn.
  • Bệnh lý nền: Người bị mắc các bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch, rối loạn não, bệnh về tim phổi.
Hút thuốc lá thường xuyên tăng nguy cơ bị viêm phổi (Nguồn: Canva)

Hút thuốc lá thường xuyên tăng nguy cơ bị viêm phổi (Nguồn: Canva)

3. Các loại viêm phổi thường gặp

Khi phân loại bệnh viêm phổi, các bác sĩ thường dựa theo nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất. Ngoài ra, còn có thể phân loại bệnh lý này dựa vào nguồn lây nhiễm là viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện.

3.1 Viêm phổi bệnh viện

Đối với viêm phổi bệnh viện (HAP), là loại bệnh mà bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các biểu hiện viêm phổi sau khi nhập viện 48 giờ. Các mầm bệnh thường gặp là các vi khuẩn Gram âm, Staphylococcus Aureus. Viêm phổi bệnh viện thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng bởi tình trạng kháng kháng sinh. Bệnh thường gặp ở những người sử dụng máy thở.

3.2 Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng là bệnh nhân bị bệnh do các nguyên nhân bên ngoài bệnh viện. Các nguyên nhân rất đa dạng, thừng do vi khuẩn, virus và phổ biến gặp ở trẻ em. Một trường hợp đặc biệt của viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ là viêm do hít phải thức ăn, chất nôn, chất lỏng vào trong phổi (do bị sặc, bị ho,...) gọi là viêm phổi hít.

4. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh và người lớn

Viêm phổi xảy ra khi nhu mô phổi bị nhiễm trùng, lúc này các phế nang, đường dẫn khí xuất hiện nhiều dịch hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp. Chính điều này đã gây ra những triệu chứng viêm phổi, giúp bạn phát hiện bệnh lý sớm để điều trị. 

Mặc dù biểu hiện viêm phổi sẽ khác nhau ở từng người. Tuy nhiên nhìn chung triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và triệu chứng viêm phổi ở người lớn sẽ tương tự nhau. Cụ thể, bạn có thể kiểm tra có bị viêm phổi không thông qua những dấu hiệu như sau:

  • Đau tức ngực, đau nhiều khi thở hoặc ho, bị hụt hơi.
  • Ho, ho có đờm hoặc ho khan.
  • Cơ thể mệt mỏi, cảm giác ớn lạnh, đổ mồ hôi, chán ăn, ăn không ngon.
  • Sốt đột ngột và có thể tăng dần.
  • Ở người cao tuổi nhiệt độ cơ thể có thể sẽ thấp hơn bình thường và có thể cảm thấy bối rối, nhầm lẫn hoặc thay đổi nhận thức tâm thần.
  • Khi thở phát ra tiếng khò khè.
Ho và đau tức ngực là dấu hiệu khởi phát viêm phổi (Nguồn: Canva)

Ho và đau tức ngực là dấu hiệu khởi phát viêm phổi (Nguồn: Canva)

5. Bị viêm phổi cần phải làm gì?

Thông thường, viêm phổi xuất hiện ở dạng cấp tính (kéo dài dưới 6 tuần), tuy nhiên bệnh có thể trở nặng nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong. Để tránh xảy ra trường hợp đó, bạn cần biết cách xử lý đúng khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu mắc bệnh. 

5.1 Nguyên tắc điều trị viêm phổi

Khi nghi ngờ bị viêm phổi, người bệnh cần nhanh chóng đi đến bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán. Tốt nhất bạn nên thăm khám tại khoa nội tổng hợp hoặc khám chuyên khoa hô hấp để phát hiện bệnh lý kịp thời. Viêm phổi thực hiện biện pháp điều trị triệu chứng và theo nguyên nhân, do đó tùy vào từng trường hợp mà sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. 

5.2 Phác đồ điều trị viêm phổi tại nhà

Đa phần viêm phổi sẽ thuyên giảm triệu chứng sau vài ngày hoặc vài tuần, tuy nhiên cảm giác mệt mỏi, khó chịu và ho có thể kéo dài 1 tháng hoặc hơn. Vậy nên, điều trị viêm phổi tại nhà sẽ giúp giảm tải cho bệnh viện, hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý bệnh viện. Đối với những trường hợp bệnh thuyên giảm, viêm phổi thể nhẹ có thể điều trị tại nhà cần chú ý như sau:

  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, uống đủ liều đã được kê, không tự ý dừng thuốc khi chưa có sự tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Tái khám theo định kỳ và đến bệnh viện ngay khi xuất hiện biến chứng, dấu hiệu chuyển nặng.
  • Kết hợp quá trình điều trị và phục hồi tại nhà hiệu quả, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đủ chất, vận động hợp lý. 
Tái khám thường xuyên để tránh biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Canva)

Tái khám thường xuyên để tránh biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Canva)

5.3 Phát hiện các dấu hiệu viêm phổi nặng

Trong quá trình theo dõi tại nhà, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Sốt dai dẳng từ 39 độ C, không dứt ngay cả khi đã sử dụng thuốc hạ sốt.
  • Cảm thấy đau tức ngực dữ dội, khó thở.
  • Ho từ 3 tuần trở lên.
  • Ho ra máu, mủ.

Viêm phổi là bệnh lý dễ mắc phải, nhất là ở giai đoạn thời tiết giao mùa như lúc này. Để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, bạn hãy nâng cao ý thức phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Hy vọng với những thông tin Papaya cung cấp trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm phổi, cách phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan