Quay lạiQuay lại

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì? Điều trị như thế nào?

26/1/2023

Share

Nội dung chính

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì?
03 nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng
Vi khuẩn
Virus
Nấm
Mắc viêm phổi cộng đồng có những biểu hiện gì?
Bệnh viêm phổi cộng đồng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán bệnh viêm phổi cộng đồng
Điều trị bệnh viêm phổi cộng đồng
Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng là bệnh lý nhiễm trùng phổi do sự tấn công của các tác nhân gây bệnh mắc phải trong cộng đồng. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị tích cực rất dễ trở nặng và gây các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân. Do đó, việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị bệnh viêm phổi cộng đồng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và nhận biết bệnh lý này.

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì?

Viêm phổi cộng đồng được hiểu là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi xảy ra trong cộng đồng, bên ngoài các môi trường khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, viện dưỡng lão,... Các tác nhân gây bệnh tấn công nhu mô phổi gây tổn thương phế nang, tiểu phế quản tận và viêm tổ chức kẽ của phổi. 

Bệnh viêm phổi cộng đồng có thể được kiểm soát sau 2 tuần điều trị tích cực. Tuy nhiên, đối với các đối tượng như người già, người có hệ miễn dịch suy yếu thì đây là mối đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng bởi bệnh dễ tiến triển nặng và gây biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng có thể kể đến như: tràn dịch màng phổi, phù phổi, suy hô hấp và tử vong.

Viêm phổi cộng đồng là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi (Nguồn: Canva)

Viêm phổi cộng đồng là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi (Nguồn: Canva)

03 nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng

Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng chủ yếu là nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Gồm các nhóm thường gặp như:

Vi khuẩn

Vi khuẩn là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh viêm phổi cộng đồng, bao gồm cả vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm. Trong đó, phế cầu Streptococcus pneumoniae là thường gặp hơn cả. 

Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn khác cũng được ghi nhận gây viêm phổi cộng đồng như: Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Moraxella catarrhalis, Legionella pneumophila, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,...

Virus

Virus là nhóm tác nhân phổ biến đứng thứ 2 sau vi khuẩn trong việc gây ra bệnh viêm phổi cộng đồng. Trong đó thường gặp nhất là virus cúm. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, bệnh nhân mắc virus cúm tiến triển nặng thì có nguy cơ dẫn đến biến chứng viêm phổi cộng đồng. 

Nấm

Nấm là loại vi sinh vật có khả năng tấn công người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc các bệnh mạn tính. Những loại nấm có khả năng gây viêm phổi thường được tìm thấy trong đất hoặc phân chim.

Mắc viêm phổi cộng đồng có những biểu hiện gì?

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi cộng đồng có thể biểu hiện với mức độ từ nhẹ đến nặng. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như: loại tác nhân gây bệnh, tuổi tác, thể trạng và sức đề kháng của người bệnh.

Người già mắc viêm phổi cộng đồng thường gặp biến chứng nặng (Nguồn: Canva)

Người già mắc viêm phổi cộng đồng thường gặp biến chứng nặng (Nguồn: Canva)

Trong trường hợp nhẹ, bệnh có biểu hiện gần giống cảm cúm nhưng kéo dài hơn. Đối với trường hợp vừa và nặng, viêm phổi cộng đồng có các triệu chứng như:

  • Ho khan hoặc ho có đờm (đờm màu rỉ sắt hoặc màu màu xanh), thậm chí là ho ra máu.
  • Thường xuyên cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi gắng sức.
  • Đau tức ngực khi ho.
  • Cơ thể bị sốt nhẹ, cảm giác ớn lạnh.
  • Mệt mỏi nhiều.
  • Thường bị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Ở người lớn tuổi có thể có dấu hiệu thay đổi nhận thức, dễ nhầm lẫn.

Bệnh viêm phổi cộng đồng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Chẩn đoán bệnh viêm phổi cộng đồng

Bác sĩ có thể bước đầu chẩn đoán xác định bệnh viêm phổi cộng đồng thông qua các yếu tố như sau:

- Người bệnh có triệu chứng của nhiễm khuẩn: biểu hiện ở tình trạng sốt, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, ho khạc đờm mủ nhiều, đau tức ngực khi ho.

- Xét nghiệm máu: có chỉ số bạch cầu tăng trên 10.000 đơn vị/mm3.

- Chụp X quang phổi: cho kết quả thấy có tổn thương phế nang, tổn thương phế quản phổi, tổn thương mô kẽ và có thâm nhiễm dạng nốt.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như:

  • Chụp CT ngực: thường chỉ định cho bệnh nhân bị viêm phổi nặng hoặc diễn biến phức tạp, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc viêm phổi tái phát.
  • Siêu âm phổi: chỉ định cho người bệnh có tổn thương đông đặc hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Nuôi cấy dịch bệnh phẩm để xác định căn nguyên gây bệnh: lấy dịch đờm hoặc dịch phế quản để nuôi cấy. Sử dụng các biện pháp phân tích chuyên dụng để xác định chính xác chủng vi sinh vật gây bệnh.

Điều trị bệnh viêm phổi cộng đồng

Bệnh viêm phổi cộng đồng được điều trị dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Thực hiện điều trị bằng kháng sinh sớm cho người bệnh mắc viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn.
  • Chỉ sử dụng kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn gây bệnh, lưu ý tình trạng đề kháng kháng sinh tại địa phương nơi người bệnh sinh sống.
  • Thời gian sử dụng kháng sinh thường là 10 ngày, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Kháng sinh được chỉ định trong điều trị viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn (Nguồn: Canva)

Kháng sinh được chỉ định trong điều trị viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn (Nguồn: Canva)

Ngoài ra, để hiệu quả điều trị được tối ưu và đẩy nhanh thời gian hồi phục, người bệnh nên:

  • Nghỉ ngơi nhiều: Người mắc viêm phổi cộng đồng không nên hoạt động gắng sức, tốt nhất là dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
  • Uống đủ nước: Việc nhiễm khuẩn thường khiến cơ thể thiếu nước, mất nước, do đó cần chú ý bổ sung nước đầy đủ.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ: Việc tuân thủ điều trị có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị. Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian. Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc, uống không đủ liều.

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi cộng đồng

Để hạn chế nguy cơ mắc viêm phổi cộng đồng, bạn có thể tham khảo một số biện pháp như sau:

  • Bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Điều trị triệt để các bệnh đường hô hấp, bệnh cúm, tránh để biến chứng thành viêm phổi cộng đồng.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, rửa tay trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các môi trường nhiều mầm bệnh.

Trên đây là những kiến thức hữu ích liên quan đến bệnh viêm phổi cộng đồng. Bệnh lý này đặc biệt nguy hiểm với người già và người có hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bạn nên chủ động nắm bắt các thông tin về bệnh để có phương án xử trí kịp thời khi không may mắc phải.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan