Quay lạiQuay lại

Trẻ bị chân tay miệng nhưng không sốt nguy hiểm khi nào?

27/1/2023

Share

Nội dung chính

1. Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ
1.1 Giai đoạn khởi phát
1.2 Giai đoạn toàn phát
2. Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt nguy hiểm khi nào?
3. Trẻ bị tay chân miệng không sốt cần làm gì?
4. Một số thắc mắc khi trẻ bị tay chân miệng 
4.1 Thắc mắc trẻ bị tay chân miệng có nên tắm không?
4.2 Có nên điều trị chân tay miệng tại nhà cho trẻ?
4.3 Bệnh tay chân miệng có tự khỏi không?

Trẻ bị chân tay miệng nhưng không sốt tưởng chừng là dấu hiệu tốt, nhưng lại có thể tiềm ẩn những nguy cơ bệnh đang ở thể tối cấp. Việc chủ quan, không chú ý đến trẻ trong thời điểm này sẽ làm bệnh lý chuyển biến nặng hơn, khó khăn trong việc điều trị. Hãy tham khảo ngay những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách xử lý khi gặp trường hợp này. 

1. Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em và rất dễ lây lan. Bệnh có thể lây trực tiếp thông qua đường tiêu hóa bằng việc tiếp xúc với dịch tiết (nước bọt, phân, dịch từ bóng nước) của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau trong từng giai đoạn.

1.1 Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn khởi phát sẽ kéo dài từ 1 - 2 ngày, với những dấu hiệu tay chân miệng nhẹ, không có nhiều triệu chứng đặc thù. Trẻ bị bệnh thường bị sốt, kèm tình trạng đau miệng, đau họng, biếng ăn. Trong một số trường hợp ghi nhận trẻ bị tiêu chảy, nôn ói không kèm máu. 

Trẻ bị tay chân miệng thường sốt nhẹ giai đoạn đầu (Nguồn: Canva)

Trẻ bị tay chân miệng thường sốt nhẹ giai đoạn đầu (Nguồn: Canva)

1.2 Giai đoạn toàn phát

Khi bệnh tay chân miệng ở trẻ chuyển sang giai đoạn toàn phát sẽ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đặc thù là các nốt phát ban dạng phỏng nước và loét miệng. Cụ thể giai đoạn này kéo dài từ 3 - 10 ngày và có thể nhận biết qua các triệu chứng sau:

  • Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay bàn chân, đầu gối, mông hoặc bộ phận sinh dục.
  • Loét miệng màu đỏ hoặc phỏng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi.
  • Một số triệu chứng khác: sốt, nôn, bỏ ăn, quấy khóc, chảy nhiều nước bọt.

2. Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt nguy hiểm khi nào?

Dựa theo những dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng ở trên thì sốt là một trong những triệu chứng thường gặp. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc nặng từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát. Tuy nhiên, có những trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt khiến phụ huynh lo lắng.

Thực tế, việc trẻ không bị sốt hay không xuất hiện vết loét miệng là hoàn toàn bình thường và không có gì quá lo ngại. Bởi sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể bị virus tấn công, dẫn đến nhiệt độ tăng lên. Mức nhiệt sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm trong ngày và mức độ viêm nhiễm trong từng trường hợp.

Với trẻ có sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh, cấp độ tay chân miệng thấp thì có thể sẽ không xuất hiện triệu chứng sốt. Điều này cũng là một trong những biểu hiện trẻ bị tay chân miệng nhẹ hay mắc tay chân miệng thể không điển hình. 

Thế nhưng, nếu khi bị tay chân miệng, trẻ không bị sốt nhưng lại xuất hiện những biểu hiện khác thường thì phụ huynh cần cho trẻ nhập viện ngay lập tức. Nguyên nhân vì đây có thể là dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng hay bị tay chân miệng thể tối cấp. Lúc này, diễn biến bệnh diễn ra cực nhanh, có thể đối mặt với cơn nguy kịch chỉ trong vòng 24 - 48 giờ.

Tích cực chăm sóc và theo dõi khi trẻ bị tay chân miệng (Nguồn: Canva)

Tích cực chăm sóc và theo dõi khi trẻ bị tay chân miệng (Nguồn: Canva)

3. Trẻ bị tay chân miệng không sốt cần làm gì?

Khi trẻ tay chân miệng bị sốt cao sẽ rất nguy hiểm, phải đối mặt với các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Ngược lại, thông thường trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt sẽ khỏi bệnh nhanh hơn, ít xảy ra biến chứng.  

Đây cũng chính là lý do khiến nhiều phụ huynh xuất hiện tâm lý chú quan, lơ là trong việc theo dõi sức khỏe trẻ trong quá trình điều trị. Dẫn đến không xử lý kịp thời khi bệnh chuyển biến xấu. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, phụ huynh nên làm những điều sau:

  • Cho trẻ đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác.
  • Thực hiện theo phương án điều trị của bác sĩ.
  • Theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ và nhập viện ngay khi xuất hiện các biểu hiện sau: quấy khóc dai dẳng cả đêm, nôn ói, giật mình 2 lần/30 phút, tiểu ít, khó thở, thở nhanh, rối loạn ý thức, ngủ gà, bứt rứt.

4. Một số thắc mắc khi trẻ bị tay chân miệng 

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến thời gian hồi phục. Dưới đây Papaya sẽ giải đáp một số thắc mắc thường được phụ huynh quan tâm khi chăm sóc trẻ tại nhà.

4.1 Thắc mắc trẻ bị tay chân miệng có nên tắm không?

Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các vết phát ban, phỏng nước, kèm theo cơn sốt. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng việc tắm cho trẻ có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không, có gây viêm nhiễm không? 

Dựa theo hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng của Bộ Y Tế thì phụ huynh vẫn có thể vệ sinh, tắm rửa cho trẻ. Không những vậy, cần thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, cần chú ý những điều sau khi tắm rửa cho trẻ bị tay chân miệng:

  • Lau rửa nhẹ nhàng bằng khăn mềm, không chà sát mạnh khiến các vết phỏng nước bị vỡ làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
  • Khi tắm cho trẻ không nên ngâm trong nước quá lâu, nên dùng khăn lau người. 
  • Nên sử dụng nước ấm vừa phải để lau rửa cho trẻ.
  • Khi trẻ bị sốt cao, không nên tắm cho trẻ, thay vào đó tích cực chườm ấm để hạ sốt.
Vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước ấm cho trẻ khi bị tay chân miệng (Nguồn: Canva)

Vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước ấm cho trẻ khi bị tay chân miệng (Nguồn: Canva)

4.2 Có nên điều trị chân tay miệng tại nhà cho trẻ?

Đa phần các ca bệnh tay chân miệng cấp 1 ở trẻ đều được hướng dẫn điều trị tại nhà. Chỉ những trường hợp bệnh nặng từ cấp độ 2 trở lên, mới cần điều trị nội trú để phòng biến chứng. Vậy nên, phụ huynh cũng không được tự ý cho trẻ điều trị tại nhà khi chưa cho trẻ đi thăm khám và có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Đồng thời, cần thực hiện cách triều trị bệnh tay chân miệng tại nhà theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế khuyến cáo, cụ thể như sau:

  • Theo dõi nhiệt độ của thể của trẻ, có thể thực hiện các biện pháp hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, tích cực bù nước.
  • Lựa chọn quần áo rộng rãi, thoải mái cho trẻ, tránh mặc quần áo bó sát khiến trẻ khó chịu.
  • Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng để ngăn ngừa lây lan như: cách ly trẻ, vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ, vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc, chăm sóc cho trẻ bị bệnh. 

4.3 Bệnh tay chân miệng có tự khỏi không?

Bệnh tay chân miệng cấp 1 có thể tự khỏi không cần điều trị nội trú sau khoảng 7 - 10 ngày từ khi khởi phát. Đối với trẻ bị tay chân miệng nặng từ cấp 2 trở lên thì cần điều trị nội trú và thực hiện theo dõi tại cơ sở y tế. 

Tóm lại, trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt là dấu hiệu bệnh lý ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và cho trẻ nhập viện thăm khám ngay lập tức. Hy vọng với những thông tin Papaya mang lại trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý tay chân miệng ở trẻ.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan