Nội dung chính
Tay chân miệng là bệnh lý tương đối phổ biến ở trẻ em, thường lây lan nhanh và trở thành dịch vào thời điểm chuyển mùa. Bệnh tay chân miệng được xem là lành tính, có thể khỏi hoàn toàn, nhưng nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Papaya tìm hiểu các dấu hiệu cũng như cách chăm sóc bệnh tay chân miệng ở trẻ em thông qua bài viết dưới đây.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm do virus gây ra. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các vùng da và niêm mạc bị tổn thương dưới dạng phỏng nước, tập trung nhiều ở khu vực bên trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Bệnh tay chân miệng dễ dàng lây từ người sang người thông qua dịch tiêu hóa hoặc dịch từ các nốt phỏng trên da. Vào một số thời điểm trong năm, nhất là khi chuyển mùa, tay chân miệng thường hay bùng phát thành dịch bệnh.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra (Nguồn: Canva)
Hầu hết, các trường hợp mắc tay chân miệng đều có diễn biến nhẹ, khỏi hoàn toàn sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể trở nặng nhanh chóng và gây nên các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, việc chăm sóc trẻ đúng cách khi mắc tay chân miệng là điều mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Nguyên nhân chính gây nên bệnh tay chân miệng ở trẻ em là nhóm virus đường ruột. Trong đó, điển hình là Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Loại virus này có đường kính khoảng 20 - 30 nm, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể sau đó trú ngụ tại niêm mạc má và niêm mạc ruột. Virus nhanh chóng tấn công vào các hạch bạch huyết xung quanh và đi vào máu. Điểm dừng cuối của chúng là da và niêm mạc miệng.
Trong 2 loại virus kể trên, A16 thường gây bệnh có triệu chứng nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Ngược lại, EV17 lại gây bệnh với triệu chứng rầm rộ hơn, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Nguyên nhân là vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Trẻ lớn hoặc người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng với tỷ lệ thấp hơn và cũng hiếm khi gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có những dấu hiệu gì?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu nhận biết như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 - 7 ngày. Trong khoảng thời này, trẻ hầu như chưa có bất cứ triệu chứng gì cụ thể.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này kéo dài từ 1 - 2 ngày. Trẻ bắt đầu có các biểu hiện như: đau họng, sốt nhẹ, mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày,... Những triệu chứng này không đặc trưng, do đó thường gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này kéo dài từ 3 - 10 ngày với nhiều dấu hiệu nhận biết đặc trưng như:
- Có vết loét hoặc nốt phỏng nước (đường kính từ 2 - 3mm) xuất hiện trong niêm mạc miệng, lưỡi, lợi khiến trẻ đau miệng, biếng ăn, bỏ bú.
- Xuất hiện phát ban hồng, đường kính vài milimet trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông. Các nốt phát ban này dần chuyển sang dạng phỏng nước. Bóng nước đầy dịch vỡ ra có thể gây đau đớn cho trẻ.
- Trẻ bị sốt nhẹ, hay nôn. Trong trường hợp trẻ sốt cao, nôn nhiều thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng bệnh nặng, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm trên thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Trẻ mắc tay chân miệng thường biếng ăn, bỏ bú do tổn thương niêm mạc miệng (Nguồn: Canva)
Giai đoạn lui bệnh
Giai đoạn này kéo dài từ 3 - 5 ngày. Các triệu chứng ở trẻ giảm dần và biến mất. Trẻ khỏi hoàn toàn nếu không gặp biến chứng nghiêm trọng.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Do đó, việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ góp phần giảm nhẹ triệu chứng bệnh, rút ngắn thời gian bị bệnh, từ đó trẻ có thể nhanh chóng hồi phục.
Thực hiện cách ly và điều trị kịp thời
Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan. Do đó, ngay khi phát hiện có triệu chứng bệnh, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế, đồng thời thực hiện cách ly trẻ khỏi môi trường đông người như trường học, sân vui chơi, công viên,... ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát. Điều này giúp hạn chế sự lây lan, ngăn chặn nguy cơ bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, bạn nên chủ động khử khuẩn các vật dụng trong gia đình, tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ
Trẻ mắc tay chân miệng thường đau đớn khi ăn hoặc nhai do các vết loét trong niêm mạc miệng. Do đó, phụ huynh nên chuẩn bị đồ ăn mềm, nhão, dễ nuốt để trẻ ăn được nhiều hơn. Ngoài ra, việc bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng, nhanh chóng đẩy lùi được bệnh.
Trẻ bị sốt và nôn thường dễ mất nước. Vì vậy hãy chú ý bổ sung nước và khoáng đầy đủ. Bạn không nên kiêng cữ quá gay gắt, hãy để trẻ ăn lại ngay khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm.
Giữ vệ sinh đúng cách
Giữ vệ sinh đúng cách cho trẻ sẽ góp phần ngăn chặn sự lan rộng bệnh tay chân miệng ra khắp cơ thể. Tốt nhất bạn nên:
- Thay mới áo quần, tã lót thường xuyên. Đồ đã sử dụng cần được giặt và sát khuẩn sạch sẽ.
- Các vật dụng như bình sữa, đồ chơi, dụng cụ ăn uống,... cần được sử dụng riêng. Vệ sinh sạch sau mỗi lần dùng.’
- Trẻ không cần phải kiêng tắm hoàn toàn, thay vào đó có thể tắm bằng nước ấm trong không gian kín gió cho trẻ.
- Phân, chất thải cần được xử lý đúng nơi, tránh nguy cơ lây lan bệnh.
Giữ vệ sinh các vật dụng xung quanh trẻ giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh (Nguồn: Canva)
Hy vọng rằng, bài chia sẻ hữu ích của Papaya đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Đây là bệnh lý phổ biến nhưng các bậc phụ huynh không nên lơ là bởi chúng có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm. Việc nắm rõ dấu hiệu và cách chăm sóc cho trẻ bị tay chân miệng sẽ giúp bạn chủ động hơn khi trẻ không may mắc bệnh lý này.