Nội dung chính
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa bùng phát dịch (tháng 3-5 và tháng 8-9 hàng năm), do đó việc cập nhật các kiến thức về bệnh lý là điều cực kỳ cần thiết. Trong đó, bạn cần phải nắm rõ các dấu hiệu tay chân miệng để biết cách xử lý kịp thời, nhất là trường hợp bệnh có triệu chứng trở nặng. Hãy cùng tham khảo những thông tin mà Papaya cung cấp dưới đây để biết cách nhận biết bệnh chính xác và nhanh chóng.
I. Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh lý nhiễm trùng xảy ra do virus đường ruột nhóm Enterovirus, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71.
Đa phần, bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phổ biến nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Virus gây bệnh được phát tán thông qua khoang miệng hoặc đường hô hấp để xâm nhập vào cơ thể và lây lan qua đường tiêu hóa.
Khi nhiễm tay chân miệng, người bệnh cần phải được điều trị nhanh chóng để hạn chế các biến chứng xảy ra. Theo đó, các biến chứng có thể gặp phải khi bị tay chân miệng như: viêm màng não vô trùng, tổn thương não, suy hô hấp... có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân.
II. Các giai đoạn phát triển bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ nhỏ (Nguồn: Canva)
Bệnh tay chân miệng được chia làm 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 3 - 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1 - 2 ngày, các triệu chứng giống bị cúm với triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể kèm ói hoặc tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3 - 10 ngày và xuất hiện các triệu chứng điển hình dễ dàng nhận biết.
- Giai đoạn lui bệnh: Thừng từ 3 - 7 ngày tính từ ngày khởi bệnh.
III. Dấu hiệu tay chân miệng dễ nhận biết
Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày và những triệu chứng khởi phát thường không rõ ràng. Chính vì vậy, điều này khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn con trẻ bị mắc bệnh lý thông thường.
Sau khi virus xâm nhập vào máu sẽ lan tỏa ra nhiều cơ quan đích khác nhau. Vậy nên bạn hãy đặc biệt chú ý phát hiện 3 dấu hiệu tay chân miệng dưới đây để phát hiện bệnh sớm:
Sốt
Bị tay chân miệng thường gây sốt ở trẻ em (Nguồn: Canva)
Sốt là triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên, sốt nhẹ từ 37, 5 độ C đến sốt nặng có thể trên 39 độ C. Tình trạng sốt diễn ra liên tục, sử dụng thuốc cũng không hạ, hoặc hạ nhưng lại sốt lại sau vài tiếng. Đi kèm với cơn sốt, bệnh nhân còn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy và ói vài lần trong ngày.
Tổn thương da
Biểu hiện tay chân miệng sớm và giúp bạn dễ dàng nhận biết bệnh chính là tình trạng tổn thương da niêm mạc. Trên da ở khu vực niêm mạc miệng, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông có những nốt bọng nước trên nền hồng ban. Thông thường các vết bọng nước xuất hiện ở miệng đầu tiên và có tốc độ loét nhanh.
Các vết bọng nước có kích thước tương đối nhỏ, đường kính chỉ từ 2 - 10mm, dịch bên trong có màu hơi đục. Sau khi bọng nước vỡ ra sẽ lành mà không để lại sẹo. Bạn cần phân biệt chính xác các nốt tay chân miệng với các bệnh viêm da khác như thủy đậu, dị ứng hay nhiễm khuẩn da.
Chán ăn
Các vết loét tại niêm mạc miệng, lưỡi chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến tình trạng chán ăn, trẻ bú ít, bỏ bú. Đi kèm với đó là trẻ thường chảy nước bọt liên tục, quấy khóc nhiều hơn mọi ngày.
IV. Cẩn trọng trước dấu hiệu tay chân miệng trở nặng
Khi phát hiện con em bị những triệu chứng tay chân miệng, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám.
Đối với những trường hợp mắc bệnh mức độ 1, tức chỉ mới xuất hiện tổn thương da, sốt nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng, bệnh nhân cần được nhập viện để thực hiện phác đồ điều trị tay chân miệng theo từng phân độ.
Theo đó, nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu tay chân miệng dưới đây, thì cần nhanh chóng cho bệnh nhân vào nhập viện ngay:
Sốt cao kéo dài hơn 48 tiếng
Bệnh nhân bị sốt cao trên 38,5 độ C, nôn, lừ đừ và không đáp ứng thuốc hạ sốt paracetamol. Tình trạng sốt đã kéo dài hơn 48 tiếng mà không thuyên giảm chính là cảnh báo của việc các quá trình đáp ứng viêm trong cơ thể đang rất mạnh, nguy cơ dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
Quấy khóc dai dẳng, khó ngủ
Trẻ quấy khóc, khó ngủ là dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng (Nguồn: Canva)
Quấy khóc dai dẳng cùng tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ bị tỉnh giấc có thể là triệu chứng của nhiễm độc thần kinh giai đoạn sớm. Vậy nên phụ huynh cần phải cẩn trọng, quan sát trẻ nếu thấy trẻ quấy khóc vô cớ cả ngày, có thể quấy cả đêm không ngủ, nếu ngủ thì cứ 15 - 20 phút lại tỉnh.
Giật mình
Giật mình là dấu hiệu sớm giúp phụ huynh có thể nhận biết bệnh tay chân miệng đang trở nặng. Hiện tượng giật mình trong tay chân miệng sẽ xuất hiện khi trẻ đang thiu thiu ngủ, bắt đầu nhắm mắt để ngủ thì giật nảy mình và mở mắt tỉnh trở lại. Sau đó, trẻ có thể tiếp tục ngủ lại nhưng vẫn giật mình tỉnh giấc.
Trường hợp trong vòng 30 phút mà trẻ xuất hiện cơn giật mình 2 lần trở nên thì phụ huynh cần đưa trẻ đi nhập viện ngay. Ngoài ra, đi kèm với hiện tượng này còn có thêm dấu hiệu khác là ngủ gà, mạch nhanh trên 130 lần/phút (cả khi trẻ đang nằm yên và không sốt).
V. Hướng dẫn xử lý khi phát hiện tay chân miệng ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị tay chân miệng là điều trị triệu chứng và xử trí bệnh theo từng cấp độ. Vậy nên, việc nhận biết các dấu hiệu tay chân miệng là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết để có hướng xử lý đúng. Cụ thể, bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây khi phát hiện bệnh lý:
Hướng xử trí con khi bị tay chân miệng nhẹ
Cho trẻ em thực phẩm mềm dễ tiêu hóa (Nguồn: Canva)
Tay chân miệng khởi bát chỉ xuất hiện các vết loét miệng, các tổn thương trên da ít và nhẹ, do đó, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên để đảm bảo không xảy ra biến chứng và giúp bệnh không trở nặng, bạn cần xử trí như sau:
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
- Theo dõi sát sao tình trạng của người nhiễm bệnh và phát hiện các triệu chứng sớm.
- Sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh các vùng da bị tổn thương để tránh bội nhiễm vi khuẩn. Bạn có thể sử dụng các loại nước lá có tính sát khuẩn nhẹ để lau nhẹ cơ thể trẻ và dùng dung dịch Betadin để bôi ngoài ra sau khi tắm.
- Tích cực cho trẻ bú hoặc cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng.
Xử trí khi con bị tay chân miệng độ nặng
Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tay chân miệng trở nặng, tức bệnh đã chuyển lên độ 2, 3, 4 (phân độ lâm sàng theo quy định của Bộ y tế) thì cần lập tức nhập viện để điều trị.
Lúc này, bạn cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, kết hợp với các phương pháp chăm sóc để giúp bệnh nhân hồi phục. Cụ thể như sau:
- Bổ sung nước, điện giải liên tục.
- Hạ sốt tích cực.
- Cho bệnh nhân nằm cao đầu 30 độ.
- Theo dõi sát sao biểu hiện của bệnh nhân, chú ý mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2.
Tạm kết
Như vậy, khi bệnh chuyển biến nặng, các dấu hiệu tay chân miệng có thể dễ dàng nhận biết hơn, tuy nhiên nguy cơ biến chứng lại rất cao. Vậy nên tốt nhất bạn hãy chú ý để phát hiện bệnh lý thật sớm và đưa trẻ đi thăm khám để có phương án điều trị phù hợp. Hy vọng rằng, Papaya đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, hãy tìm đọc thêm các bài viết khác về sức khỏe tại website của chúng tôi.