Nội dung chính
Nhảy dây là bộ môn vận động phổ biến, đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật hay dụng cụ hỗ trợ phức tạp. Trên thực tế, đây là một dạng bài tập cardio được nhiều vận động viên thể thao lựa chọn để duy trì sức khỏe. Vậy nhảy dây có tác dụng gì? Hãy cùng Papaya tìm hiểu 5 tác dụng phổ biến của nhảy dây đối với sức khỏe con người thông qua bài viết dưới đây các bạn nhé!
Nhảy dây có tác dụng gì?
Đốt cháy năng lượng, hỗ trợ giảm cân
Cũng giống như các hoạt động mang tính thể lực khác, nhảy dây giúp cơ thể đốt cháy năng lượng và mỡ thừa, từ đó hỗ trợ đắc lực trong công cuộc giảm cân. Theo các chuyên gia, việc nhảy dây liên tục trong 30 phút có thể giúp cơ thể tiêu hao 450 calo, tương đương với 20 phút chạy bộ hoặc khiêu vũ thể thao. Nếu bạn duy trì được nhịp nhảy dây từ 80 - 100 nhịp/phút thì năng lượng đốt cháy được bằng với tốc độ chạy bộ 10 km/h hoặc đạp xe 30 km/h, cao hơn cả bơi lội hay thể dục aerobic. Điều này chứng tỏ nhảy dây là một bộ môn có tác dụng hỗ trợ đắc lực trong việc giảm cân, giúp giữ vóc dáng thon gọn hiệu quả mà bạn có thể duy trì mỗi ngày.
Nhảy dây có tác dụng gì?
Tăng cường khả năng phối hợp của cơ thể
Khi nhảy dây, rất nhiều cơ quan trong cơ thể phải cùng vận động phối hợp một cách nhịp nhàng. Các cơ ở chân co giãn liên tục để giữ nhịp nhảy, kết hợp cùng sự vận động ở hai cánh tay, cùng lúc đó não bộ sẽ chỉ huy điều khiển toàn bộ cơ thể để giữ thăng bằng. Việc luyện tập nhảy dây thường xuyên sẽ giúp cơ thể có phản xạ vận động phối hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn. Đây cũng chính là bài tập được nhiều cầu thủ bóng đá lựa chọn để rèn luyện sự phối hợp cho cơ thể.
Giúp tăng mật độ xương
Một nghiên cứu của tiến sĩ Daniel W. Barry – Phó giáo sư Y khoa của Đại học Colorado (Denver, Mỹ ) đã chỉ ra rằng, nhảy dây chính là bài tập đơn giản và hiệu quả nhất giúp tăng mật độ xương ở người trưởng thành, được đánh giá cao hơn cả việc chạy bộ do không đòi hỏi sự vận động của các khớp chân. Tuy nhiên, để đạt được mức hiệu quả tốt nhất, người luyện tập cần phối hợp với một chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ canxi cũng như các khoáng chất cần thiết khác.
Giảm nguy cơ bị chấn thương bàn chân
Trong quá trình nhảy dây, các cơ xung quanh khớp mắt cá và bàn chân được hoạt động liên tục. Điều này giúp gia tăng sức mạnh và sự nhuần nhiễm của toàn bộ cổ chân và bàn chân. Nhờ đó, bạn có thể hạn chế nguy cơ bị chấn thương ở bộ phận này khi chơi hay luyện tập các môn thể thao khác. Đây cũng chính là lý do mà nhiều vận động viên lựa chọn nhảy dây làm bài tập bổ trợ thường xuyên, bởi chúng giúp hạn chế việc chấn thương bàn chân trong quá trình thi đấu hay tập luyện với cường độ cao.
Luyện tập nhảy dây giúp hạn chế chấn thương ở cổ chân, bàn chân
Tăng hiệu quả hơi thở
Nếu duy trì việc luyện tập nhảy dây trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy hơi thở của mình được cải thiện một cách đáng kể. Nhịp thở trở nên đều và sâu hơn dù cơ thể đang vận động với cường độ cao. Điều này rất hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng hụt hơi, khó thở khi chơi thể thao, leo cầu thang hay hoạt động mạnh.
05 cách nhảy dây có thể áp dụng
Nhảy đồng thời 2 chân
Khi mới bắt đầu, bạn nên duy trì việc tiếp đất và nhảy lên bằng cả 2 chân. Tốc độ nhảy ở mức vừa phải, không nhất thiết phải bật quá cao mà chỉ cần đủ để bàn chân vượt qua dây. Thực hiện động tác này liên tục trong 1 - 2 phút.
Nhảy thay thế chân
Ở bước này, mỗi vòng xoay của dây bạn sử dụng lần lượt từng bên chân khác nhau để tiếp sàn, động tác gần giống với chạy bộ tại chỗ. Duy trì trong khoảng 1 - 2 phút.
Nhảy nâng cao chân
Lúc này, tại mỗi bước nhảy bạn cần cố gắng nâng cao đầu gối tạo một góc 90 độ. Động tác này được thực hiện thay thế giữa 2 chân. Đây là bước đòi hỏi cường độ vận động cao, do đó sau khi duy trì từ 1 - 2 phút, bạn có thể nghỉ ngơi một lúc.
Nhảy nâng cao chân
Nhảy một chân với nhịp điệu
Tiến hành nhảy liên tục 8 - 10 nhịp ở chân phải sau đó đổi sang chân trái với cường độ tương tự. Duy trì nhảy khoảng 1 phút cho mỗi chân và đảm bảo vận động đều ở 2 chân.
Nhảy lâu dài
Khi mới bắt đầu, bạn có thể nhảy dây từ 3 - 5 phút mỗi lượt. Tuy nhiên, hãy cố gắng tăng thời gian nhảy lâu hơn qua mỗi ngày, sao cho đạt đến mốc 600 nhịp nhảy/ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất
Những điều cần lưu ý khi nhảy dây
Trong quá trình luyện tập nhảy dây, bạn cần lưu ý một số điều như sau:
Thực hiện khởi động kỹ trước khi luyện tập
Đây là yêu cầu chung trước khi cơ thể vận động thể lực. Khởi động kỹ các khớp cổ tay, cổ chân giúp kích hoạt cơ co giãn, từ đó tránh chấn thương hay bị rút cơ trong quá trình tập luyện.
Nhảy dây với tốc độ tăng dần
Việc nhảy dây tốc độ cao ngay từ khi mới bắt đầu có thể khiến cơ thể bạn không thích nghi kịp với nhịp vận động, dẫn đến bị hụt hơi, khó thở và nhanh mệt. Tốt hơn hết hãy bắt đầu nhảy dây với nhịp vừa phải sau đó tăng dần theo thời gian.
Không nên nhảy dây khi quá no hoặc quá đói
Nhảy dây khi quá no sẽ gây cảm giác đau tức vùng thượng vị, mệt bụng nhiều. Ngược lại, nhảy dây khi đói sẽ khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng, dẫn đến quá sức, ngất xỉu.
Thả lỏng cơ thể sau khi nhảy dây
Sau khi kết thúc thời gian luyện tập, bạn cần thả lỏng cơ thể bằng cách đi bộ nhẹ nhàng để tốc độ lưu thông máu và hơi thở dần trở về bình thường. Tránh tư thế nằm hoặc ngồi bó gối.
Cần khởi động kỹ trước khi nhảy dây
Hy vọng rằng, những thông tin hữu ích mà Papaya chia sẻ trong bài viết hôm nay đã giúp các bạn đọc hiểu được nhảy dây có tác dụng gì. Đây là bộ môn vận động phổ biến, thao tác đơn giản, không đòi hỏi dụng cụ hỗ trợ đắt tiền. Do đó, bất cứ ai cũng có thể luyện tập hàng ngày để tăng cường và bảo vệ sức khỏe của mình.