Quay lạiQuay lại

Nấm lưỡi là gì? Cách điều trị nấm lưỡi ở người lớn và trẻ em

15/2/2023

Share

Nội dung chính

Bệnh nấm lưỡi là gì?
Bệnh nấm lưỡi có biểu hiện như thế nào?
Dấu hiệu nấm lưỡi ở người lớn
Dấu hiệu nấm lưỡi ở trẻ em
Cách điều trị nấm lưỡi ở người lớn và trẻ em
Điều trị nấm lưỡi cho trẻ sơ sinh
Điều trị nấm lưỡi cho trẻ em và người lớn
Cách phòng ngừa bệnh nấm lưỡi

Bệnh nấm lưỡi (hay còn gọi là tưa lưỡi) là bệnh lý gây ra bởi một loại nấm thường có trong khoang miệng. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Papaya tìm hiểu các dấu hiệu và cách điều trị bệnh nấm lưỡi cũng như một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh lý này.

Bệnh nấm lưỡi là gì?

Nấm lưỡi là tình trạng lưỡi bị tưa do loài nấm có tên khoa học Candida albicans phát triển quá mức gây ra. Bình thường, loại nấm này vẫn tồn tại trong miệng với số lượng vừa phải. Nhưng khi cơ thể bị mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh do suy giảm miễn dịch hoặc gia tăng yếu tố nguy cơ thì nó sẽ sinh sôi, nảy nở và gây bệnh. 

Nấm Candida gây ra các tổn thương màu trắng kem ở trên mặt lưỡi hoặc mặt trong của má. Đôi khi, bệnh còn lan đến vòm khẩu cái, tới nướu, amidan hoặc ra sau thành họng. Trong trường hợp nhiễm Candida nặng, bệnh có xu hướng tấn công sâu xuống hệ tiêu hóa như thực quản, ruột, gan, thậm chí là nấm đa ngũ tạng. Tình trạng nghiêm trọng này thường gặp ở người bệnh mắc HIV, ung thư, suy thận giai đoạn cuối hoặc phải nằm điều trị dài ngày ở khu hồi sức tích cực. 

Một nhóm đối tượng khác cũng có tỷ lệ mắc nấm lưỡi cao đó chính là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Lúc này, việc vệ sinh họng miệng cho trẻ thường ít được quan tâm, kết hợp với các dụng cụ như ti giả, bình sữa không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện để nấm Candida phát triển quá mức gây tưa lưỡi. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ do làm giảm khả năng bú, đồng thời sức đề kháng bé còn yếu nên việc điều trị bệnh ở đối tượng này cần được quan tâm và thực hiện đúng cách.

Bệnh nấm lưỡi (Nguồn: Canva)

Bệnh nấm lưỡi (Nguồn: Canva)

Bệnh nấm lưỡi có biểu hiện như thế nào?

Dấu hiệu nấm lưỡi ở người lớn

  • Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh nấm lưỡi ở người lớn là sự xuất hiện các mảng tổn thương màu trắng kem, nổi gờ lên như lát phô mai mỏng. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể biểu hiện dưới thể viêm đỏ lựng hoặc thể tăng sản mảng dày với nhiều nốt mụn đỏ li ti. Bên cạnh đó, người bị nấm lưỡi có các biểu hiện đi kèm như:
  • Cảm giác vướng, cộm trong miệng.
  • Sưng đỏ, đau rát ở vùng lưỡi, viền nướu. 
  • Nếu bệnh lan xuống vùng họng thì sẽ có cảm giác nuốt đau, khó nuốt, tức nghẹn vùng ngực kèm sốt.
  • Bị mất hoặc thay đổi vị giác.
  • Khóe mép miệng thường bị nứt hoặc viêm đỏ.
  • Có thể bị chảy máu nhẹ khi cọ xát ở vùng tổn thương.

Dấu hiệu nấm lưỡi ở trẻ em

Trẻ bị nấm lưỡi sẽ thấy xuất hiện nhiều mảng trắng trên lưỡi hoặc ở các vị trí khác nhau trong khoang miệng như má, vòm họng,.. Điều này khiến trẻ bị đau hoặc khó chịu khi bú nên dẫn đến tình trạng chán ăn, bỏ bú. Nếu các mảng tổn thương mọc nhiều và dày hơn thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến đường thở của trẻ. Nấm Candida còn có khả năng lây sang núm vú của mẹ trong quá trình bú khiến đầu vú đỏ rát, viêm, sưng và đau.

Nấm lưỡi khiến trẻ chán ăn, bỏ bú (Nguồn: Canva)

Nấm lưỡi khiến trẻ chán ăn, bỏ bú (Nguồn: Canva)

Cách điều trị nấm lưỡi ở người lớn và trẻ em

Điều trị nấm lưỡi cho trẻ sơ sinh

Việc điều trị nấm lưỡi cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện cho cả mẹ và bé để tránh tình trạng tái nhiễm. Trẻ thường được kê thuốc kháng nấm nhẹ, trong khi đó mẹ sẽ phải sử dụng thuốc bôi chống nấm ở vùng vú. Đối với trẻ bú bình, các dụng cụ như bình sữa, ti giả, máy hút sữa,... cần được tiệt trùng và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. 

Việc vệ sinh vùng lưỡi, miệng hàng ngày cho trẻ là rất quan trọng và được hướng dẫn thực hiện như sau:

  • Đặt trẻ nằm ngửa.
  • Người lớn phải vệ sinh vùng tay thật sạch, sau đó dùng một miếng gạc hoặc vải mỏng quấn quanh ngón cái. 
  • Lấy tay thấm nước muối loãng hoặc thuốc kháng nấm mà bác sĩ kê sau đó lau nhẹ lên bề mặt lưỡi và toàn bộ khoang miệng của trẻ.
  • Có thể lặp lại để đảm bảo khoang miệng được sạch. 
  • Động tác phải thực hiện nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, tránh làm trẻ bị sặc, ngạt.

Điều trị nấm lưỡi cho trẻ em và người lớn

Đối với trường hợp nhiễm nấm lưỡi nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc xịt chống nấm tại chỗ kết hợp vệ sinh khoang miệng thường xuyên để giảm tình trạng nhiễm trùng do nấm gây ra. Ở mức độ nặng hơn, các dạng xịt chống nấm không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm toàn thân với liều dùng kéo dài từ 1 - 2 tuần. Riêng với các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, mức độ nhiễm nấm nghiêm trọng thì phác đồ điều trị có thể kéo dài đến vài tháng. 

Những loại thuốc kháng nấm đang được sử dụng phổ biến hiện nay gồm: Fluconazole, clotrimazole, nystatin, itraconazole, amphotericin B,...

Cách phòng ngừa bệnh nấm lưỡi

Để giảm thiểu nguy cơ mắc nấm lưỡi, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Thực hiện vệ sinh khoang miệng sạch sẽ bằng cách dùng nước súc miệng hoặc nước muối loãng. Đối với trẻ nhỏ thì thực hiện rơ lưỡi, vệ sinh khoang miệng hàng ngày để loại bỏ phần cặn sữa bị đọng lại.
  • Không dùng chung các vật dụng sinh hoạt cá nhân với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
  • Hạn chế hôn trẻ bằng miệng để giảm nguy cơ lây lan nấm và vi khuẩn sang cho trẻ.
  • Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ phải vệ sinh núm vú trước và sau khi cho con bú.
  • Đồ chơi, bình sữa, ti giả, máy hút sữa,... phải được tiệt trùng trước và sau khi sử dụng.
  • Người mẹ bị nấm âm đạo có thể truyền Candida gây tưa lưỡi sang cho con trong quá trình sinh nở. Do đó, nếu có kế hoạch mang thai, bạn nên điều trị triệt để bệnh lý này.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng và sức đề kháng, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Rơ lưỡi, vệ sinh miệng thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ nấm lưỡi ở trẻ (Nguồn: Canva)

Rơ lưỡi, vệ sinh miệng thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ nấm lưỡi ở trẻ (Nguồn: Canva)

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh nấm lưỡi mà Papaya muốn chia sẻ đến các bạn đọc. Những đối tượng mắc bệnh lý này cần được thăm khám và điều trị cụ thể nhằm hạn chế nguy cơ lây lan nấm xuống đường tiêu hóa và các bộ phận khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan