Nội dung chính
Hiện nay đang lan truyền nhiều cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh, thay vào đó sử dụng các bài thuốc dân gian, hay tự điều trị theo ý tại nhà. Tuy nhiên đây có phải là cách điều trị đúng không và liệu hiệu quả của những bài thuốc từ tự nhiên khi bị viêm phế quản là như thế nào? Bài viết hôm nay, Papaya sẽ đưa đến những lời giải đáp chính xác nhất cho những vấn đề này.
1. Vì sao có thể chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh
Viêm phế quản là một bệnh lý tại đường hô hấp gây ra bởi sự viêm nhiễm trong phế quản. Tùy thuộc vào nguyên nhân, loại viêm phế quản mà từng bệnh nhân sẽ có phương án điều trị khác nhau.
Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp bị viêm phế quản cấp tính đều có thể tự khỏi sau tuần mà không cần phải dùng đến kháng sinh. Cụ thể, những trường hợp bị viêm phế quản cấp do virus gây ra, lúc này, bệnh nhân chỉ cần tự điều trị tại nhà theo nguyên tắc sau:
- Sử dụng các biện pháp nhằm giảm triệu chứng sốt, đau, ho cho người bệnh.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng.
- Cung cấp đủ nước, điện giải cho người bệnh.
- Đảm bảo đủ oxy, lưu thông đường thở.
- Kết hợp theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế.
Viêm phế quản có thể tự điều trị tại nhà (Nguồn: Canva)
2. Cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh
Viêm phế quản có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó phổ biến nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có những triệu chứng : Ho - Sốt - Mệt mỏi. Trong trường hợp này, bạn không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh mà có thể thay thế bằng những cách sau đây để giúp cắt các triệu chứng:
2.1 Sử dụng thuốc để giảm triệu chứng viêm phế quản
Thay vì sử dụng kháng sinh, bạn có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn để giúp giảm các triệu chứng khi bị viêm phế quản. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bạn cần lựa chọn các loại thuốc sao cho phù hợp với triệu chứng và lứa tuổi sử dụng.
Trong đó với triệu chứng đau, sốt do viêm phế quản có thể sử dụng Paracetamol, ibuprofen, Aspirin. Lưu ý đối với trẻ em không sử dụng Aspirin để hạ sốt và Ibuprofen cho người hen suyễn.
Ngoài ra, còn có hai loại thuốc không kê đơn khác cũng thường được sử dụng cho người bị viêm phế quản là thuốc giảm ho và long đờm. Cần đặc biệt chú ý chỉ sử dụng thuốc giảm ho khi bạn bị ho không có đờm. Nếu ho có đờm thì khuyến cáo không nên dùng thuốc giảm ho bởi lúc này, phản xạ ho sẽ giúp tống chất nhầy ra khỏi đường hô hấp.
Sử dụng thuốc hạ sốt khi bị sốt trên 37.5 độ (Nguồn: Canva)
2.2 Áp dụng phương pháp giảm ho, long đờm từ thảo dược
Khi tìm hiểu các cách điều trị viêm phế quản ở người lớn thường bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm triệu chứng đã kể trên để giúp thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, trong cách chữa viêm phế quản cho trẻ không dùng kháng sinh thì lại ưu tiên các phương pháp từ thảo dược thiên nhiên nhiều hơn.
Cách chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian được đánh giá là an toàn, không có tác dụng phụ nên an toàn cho mọi đối tượng. Trong Đông y, các bài thuốc điều trị viêm phế quản thường sử dụng: Tạo giác, Xạ đen, Bán liên biên, Xạ can, Nhũ hương,... Bạn có thể kết hợp các loại thảo dược này với nhau để giúp tiêu đờm, giảm ho, bổ phế.
Ngoài ra, vẫn còn một số bài thuốc dân gian đơn giản hơn mà bạn có thể áp dụng khi trị viêm phế quản tại nhà như: Cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh bằng gừng, mật ong, tỏi, rau diếp cá.
Sử dụng các thảo dược thiên nhiên để giảm triệu chứng (Nguồn: Canva)
2.3 Phương pháp làm giãn phế quản
Khi bệnh nhân có co thắt phế quản, xuất hiện triệu chứng khó thở, khò khè thì bạn có thể áp dụng các phương pháp giúp giãn phế quản. Một số phương án bạn có thể tự áp dụng tại nhà như: Khí dung Salbutamol, thuốc giãn phế quản dạng phun hít,... Đối với trường hợp này, bạn cần cho người bệnh đi thăm khám và tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng.
2.4 Lên kế hoạch chăm sóc tích cực
Bên cạnh việc lựa chọn các phương án điều trị tại nhà sao cho phù hợp với tình trạng người bệnh, bạn cần kết hợp với một kế hoạch chăm sóc tích cực. Mục tiêu chính là giúp bệnh nhân tăng cường sức đề kháng, hồi phục sức khỏe. Những chú ý quan trọng mà bạn cần phải quan tâm gồm có:
- Chuẩn bị thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, cùng một chế độ ăn phù hợp cho người bệnh. Ưu tiên các thức ăn chế biến chín, mềm, dễ tiêu hóa.
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để giúp lưu thông đường thở.
- Tích cực bù nước, bù điện giải cho người bệnh để tránh tình trạng mất nước.
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, cố thể sử dụng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm trong phòng, hỗ trợ làm dịu các cơn ho và làm lỏng chất nhầy trong đường thở.
- Cho người bệnh có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để cơ thể hồi phục, tái tạo năng lượng.
Vệ sinh mũi để loại bỏ đờm giúp lưu thông đường thở (Nguồn: Canva)
3. Bị viêm phế quản phải dùng kháng sinh khi nào?
Cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh chỉ thực sự đem lại hiệu quả trong những trường hợp bệnh nhân bị viêm phế quản cấp do virus. Do đó, với nguyên nhân gây bệnh từ vi khuẩn, có biểu hiện bội nhiễm hay nguy cơ nhiễm trùng (do đặt nội khí quản hay thở máy) bác sĩ sẽ có chỉ định phải dùng kháng sinh trong điều trị.
Ngoài ra, những trường hợp dưới đây cần nhanh chóng đưa người bệnh đi thăm khám để có phương án điều trị thích hợp:
- Triệu chứng ho không thuyên giảm, kéo dài trên 7 ngày.
- Ho khạc ra đờm mủ.
- Viêm phế quản ở người mắc các bệnh lý mạn tính nặng như ung thư, suy tim.
- Trẻ sinh non bị viêm phế quản.
- Người già trên 60 tuổi.
- Người có hệ miễn dịch yếu
Việc can thiệp kháng sinh đúng lúc trong điều trị là cực kỳ quan trọng giúp ngăn chặn cá biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên không phải lúc nào kháng sinh cũng là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh. Vậy nên bạn nên đi thăm khám khi có những triệu chứng viêm phế quản để được bác sĩ tư vấn phương án phù hợp.
Trên đây là những cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh mà bạn có thể tham khảo và áp dụng tại nhà. Áp dụng đúng cách và kiên trì, các triệu chứng có thể biến chuyển tốt rõ rệt chỉ sau vài ngày. Hy vọng với những thông tin trên đây đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn.