Quay lạiQuay lại

Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

10/1/2023

Share

Nội dung chính

I. Viêm phế quản
II. Nguyên nhân gây nên viêm phế quản
III. Một số dấu hiệu của bệnh viêm phế quản
IV. Một số câu hỏi thường gặp khi bị bệnh viêm phế quản
1. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
2. Viêm phế quản có bị lây không?
3. Cách phòng tránh viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng bệnh diễn ra tại lớp niêm mạc ống phế quản. Hiện tượng này thường đi kèm với những triệu chứng như ho hoặc khạc đờm khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Vậy viêm phế quản là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn và gia đình giải đáp một cách chi tiết và rõ ràng nhất!

Viêm phế quản là tình trạng bệnh diễn ra tại lớp niêm mạc ống phế quản - Nguồn: Canva

Viêm phế quản là tình trạng bệnh diễn ra tại lớp niêm mạc ống phế quản - Nguồn: Canva

I. Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới dẫn tới viêm hoặc nhiễm trùng niêm mạc ống phế quản, từ đó phản ứng viêm xảy ra tại đây. Người bị viêm phế quản thường ho ra một chất đờm đặc. 

Thông thường, các chuyên gia phân loại bệnh viêm phế quản thành 2 nhóm:

  • Viêm phế quản cấp tính: Đây là tình trạng người bệnh bị nhiễm trùng cấp tính khiến cho đường hô hấp trong phổi sưng và nhiều chất nhầy. Viêm phế quản cấp tính thường kéo dài trong vài tuần.
  • Viêm phế quản mãn tính: Hiện tượng này có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính nghiêm trọng hơn rất nhiều cấp tính do có nhiều yếu tố cùng gây ra. Đó có thể là ô nhiễm môi trường, tiếp xúc nhiều với khói bụi, nghiện thuốc lá,...

Nhiều người thường lo lắng không biết viêm phế quản có nguy hiểm không? Câu trả lời chắc chắn là “có” nếu không được điều trị sớm và hiệu quả. Theo thống kê, viêm phổi do viêm phế quản gây ra sẽ phát triển ở những đối tượng như:

  • Người ở độ tuổi cao.
  • Những người có sức đề kháng yếu.
  • Đối tượng mắc các căn bệnh nền.
  • Người có thói quen hút thuốc lá.

II. Nguyên nhân gây nên viêm phế quản

Nguyên do chính gây nên viêm phế quản cấp tính thường do virus. Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc bệnh do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với những chất gây kích thích phổi như thuốc lá, khói bụi hoặc ô nhiễm không khí.

Còn đối với viêm phế quản mãn tính, nguyên do chủ yếu do sự lặp đi lặp lại của viêm niêm mạc phế quản trong một thời gian dài. Những đối tượng thường xuyên mắc phải viêm phế quản mãn tính là những người thường xuyên phải tiếp xúc với những chất gây kích thích phổi như công nhân xây dựng, thợ mỏ than, nhân viên kim loại,... và những ai nghiện thuốc lá. 

Ngoài ra, còn một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản như:

  • Khói thuốc lá: Đây được xem là yếu tố hàng đầu phát triển bệnh viêm phế quản. Những người thường xuyên hút thuốc lá hay người ngửi khói thuốc cũng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản cấp tính hoặc mãn tính.
  • Sức đề kháng yếu: Khi cơ thể mắc phải một số bệnh cấp tính khác như cảm lạnh, bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch,... cũng rất dễ bị viêm phế quản. Thông thường nguy cơ nhiễm trùng cao là ở người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Tiếp xúc với những chất gây kích thích trong công việc: Nếu bạn thường xuyên phải làm việc trong những môi trường chứa nhiều chất kích thích phổi thì khả năng cao bạn sẽ bị mắc phải viêm phế quản. Một số ví dụ điển hình như dệt may, hóa chất, cơ khí hoặc khói bụi.
  • Trào ngược dạ dày: Sự lặp đi lặp lại liên tục của các cơn ợ nóng, ợ chua cũng có thể gây kích thích cổ họng. Từ đó, làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản.
Nguyên nhân gây nên viêm phế quản - Nguồn: Canva

Nguyên nhân gây nên viêm phế quản - Nguồn: Canva

III. Một số dấu hiệu của bệnh viêm phế quản

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bạn sẽ thường gặp phải những triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu, ho kéo dài,... Còn đối với viêm phế quản mãn tính, có lẽ bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh tình trở nên tồi tệ. Bởi vào thời điểm này, các triệu chứng ho và một số dấu hiệu khác sẽ tiến triển xấu đi và dần dần trở thành viêm phế quản mãn tính. 

Một số dấu hiệu viêm phế quản ở người lớn thường gặp như:

  • Sốt và mệt mỏi.
  • Khó thở, tức ngực và ho kéo dài.
  • Ho ra chất nhầy và có lẫn máu.

Bên cạnh đó, những triệu chứng của bệnh viêm phế quản còn ở trẻ em như:

  • Trẻ bị khàn giọng, nghẹt mũi.
  • Bị sưng hạch bạch huyết.
  • Trẻ phát ban, đỏ mắt hoặc chảy nước mũi nhiều. 

IV. Một số câu hỏi thường gặp khi bị bệnh viêm phế quản

1. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trong trường hợp những dấu hiệu trên kéo dài trong vài tuần thì bạn nên tới cơ sở y tế ngay để được phát hiện và điều trị kịp thời. Tránh những biến chứng không đáng có xảy ra. Nên đi đến bác sĩ khi:

  • Người bệnh bị khó ngủ.
  • Sốt cao hơn 38 độ C.
  • Khó thở và tức ngực.
  • Ho kéo dài hơn 3 tuần.
  • Ho ra đờm và có lẫn máu trong đờm.

2. Viêm phế quản có bị lây không?

Một số người quan tâm rằng liệu viêm phế quản có bị lây không? Câu trả lời là "Có". Thực tế, trong trường hợp người bệnh bị viêm phế quản do nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn thì nguy cơ lây từ người này sang người khác rất cao. Thông thường thì sẽ lây qua việc ho hoặc hắt hơi.

Do vậy, để đề phòng rủi ro lây nhiễm, bạn nên tập những thói quen như:

  • Che miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Nên ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay. 
  • Rửa tay thường xuyên trước khi đi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc mới ra ngoài về.
  • Nếu bạn có những triệu chứng của viêm phế quản, hãy hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng - Nguồn: Canva

Nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng - Nguồn: Canva

3. Cách phòng tránh viêm phế quản

Và để giúp giảm nguy cơ và phòng tránh bệnh viêm phế quản, bạn có thể tham khảo và làm theo những cách sau đây:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Tránh xa khói thuốc lá và không sử dụng thuốc lá.
  • Rửa tay với nước rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hay cảm cúm nếu bạn đang bị vấn đề về sức khỏe. 
  • Tiêm chủng hằng năm nhằm giúp bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng như tránh bị cảm và chống lại một số bệnh viêm phổi. 
  • Đeo khẩu trang y tế nếu bạn bị COPD. Bên cạnh đó, nên đeo khẩu trang tại nơi làm việc nếu môi trường phải tiếp xúc với nhiều khói bụi hoặc khi ở nơi đông người.

Bệnh viêm phế quản cũng như những căn bệnh về đường hô hấp cần được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng về sau. Bạn và gia đình nên lưu ý chọn những cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên cao và nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về viêm phế quản, hãy liên hệ với Papaya để được giải đáp một cách chi tiết nhé! Hy vọng bài viết này đã mang lại cho bạn và gia đình nhiều kiến thức bổ ích.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan