Nội dung chính
Bữa ăn sáng luôn đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của tất cả mọi người cũng như các bà mẹ đang mang thai. Riêng đối với thai phụ không may bị đái tháo đường thai kỳ, bữa ăn này lại cần phải đặc biệt chú trọng. Vậy bữa sáng cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ cần lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây các bạn nhé!
Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì vào bữa sáng?
1. Vai trò của bữa sáng đối với bà bầu bị tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là hiện tượng lượng đường trong máu của người mẹ tăng cao hơn mức bình thường, xuất hiện từ khoảng tuần thai thứ 24 - 28 trở đi. Đây tuy không phải là bệnh lý mạn tính như tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, nhưng nếu không kiểm soát tốt thì rất dễ gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé.
Trong phác đồ điều trị tiểu đường thai kỳ, một chế độ dinh dưỡng hạn chế đường và tinh bột đóng vai trò quan trọng. Song, điều này cũng dễ gây nên tư tưởng sai lầm ở các bà mẹ đó là bỏ bữa sáng sẽ giúp làm giảm nguồn năng lượng nạp vào, từ đó đường huyết sẽ hạ xuống.
Theo các chuyên gia, bữa sáng luôn là bữa ăn quan trọng trong ngày, không chỉ giúp cơ thể người mẹ có năng lượng để hoạt động mà còn cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Việc bỏ bữa sáng để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ là tư tưởng sai lầm. Điều này chỉ khiến cho các thai phụ bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, hoa mắt chóng mặt do mất năng lượng, từ đó tình trạng rối loạn đường huyết cũng trở nên trầm trọng hơn mà thôi.
Do đó, các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng. Thay vào đó hãy học cách xây dựng thực đơn bữa sáng sao cho phù hợp với thể trạng của mình để kiểm soát tình trạng bệnh lý tốt hơn.
2. 05 lưu ý khi xây dựng thực đơn bữa sáng cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Một bữa sáng lý tưởng cho các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên đảm bảo các quy tắc sau:
Cắt giảm lượng đường trong bữa sáng
Các mẹ bầu nên hạn chế một cách tối đa lượng đường trong bữa sáng của mình. Điều này có thể thực hiện được thông qua một số cách như:
- Hạn chế đường trong quá trình chế biến món ăn
- Cắt giảm việc sử dụng các thực phẩm ngọt như: chè, bánh, kẹo, kem,...
- Hạn chế các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn vì chúng thường chứa một lượng đường nhất định
- Nên lựa chọn sữa, trà, nước ép,... không đường.
Hạn chế tinh bột
Để hạn chế lượng tinh bột trong bữa ăn sáng, mẹ bầu nên lựa chọn các loại ngũ cốc nguyên cám, yến mạch, gạo lứt, bánh mì đen,... thay cho các loại thực phẩm giàu tinh bột thường ngày như cơm trắng, ngũ cốc tinh chế, gạo nếp,…
Tăng cường chất xơ
Chất xơ giúp hệ tiêu hóa của các mẹ bầu trở nên tốt hơn, hạn chế táo bón. Bên cạnh đó, nó tạo cảm giác no nhưng không làm chỉ số đường huyết của các thai phụ tăng cao. Nguồn chất xơ chủ yếu đến từ rau, củ, quả. Do đó, các mẹ bầu nên tích cực bổ sung các loại rau xanh, trái cây ít ngọt, nước ép hoa quả,... vào khẩu phần ăn sáng của mình.
Tăng cường protein (chất đạm)
Protein là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho cả mẹ và bé, dó đó đây là nhóm chất không thể thiếu trong khẩu phần ăn sáng của thai phụ. Đối với người bị tiểu đường thai kỳ, protein có thể được bổ sung từ những thực phẩm như trứng, thịt, sữa không đường, đậu nành,...
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ
Thay vì tập trung nạp năng lượng vào một khung giờ nhất định, người mẹ có thể chia bữa ăn sáng của mình thành nhiều bữa ăn nhỏ khác nhau. Điều này vừa góp phần làm giảm sự giao động đường huyết trong máu, vừa giúp người mẹ cảm thấy no lâu hơn với một lượng thực phẩm cố định.
Những điều cần lưu ý khi chuẩn bị bữa sáng cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Gợi ý 7 thực đơn bữa sáng cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Dựa vào các nguyên tắc xây dựng bữa sáng cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, Papaya Insurtech xin đưa ra 7 thực đơn gợi ý để các bạn có thể tham khảo và áp dụng như sau:
Ngày 1
- Trứng ốp la
- Bánh mì nguyên cám
- Salad rau củ
Ngày 2
- Ngũ cốc nguyên cám
- Sữa tươi không đường
- Trái cây tươi
Ngày 3
- Cháo thịt băm
- Nước ép hoa quả
Ngày 4
- Khoai lang hấp
- Sữa tươi không đường
- Sinh tố trái cây
Ngày 5
- Phở gà
- Trái cây tươi
Ngày 6
- Cháo yến mạch
- Salad rau củ
Ngày 7
- Ngô luộc
- Sữa hạnh nhân
- Trái cây tươi
Các bạn có thay thế các món ăn trên bằng những thực phẩm cùng nhóm hoặc có thành phần dưỡng chất tương tự. Trái cây tươi nên lựa chọn những loại trái cây ít đường như kiwi, ổi, lựu, bưởi, bơ, dâu tây, dưa dưới,...
Trái cây phù hợp cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ
Hy vọng rằng thông qua những thông tin bổ ích mà Papaya Insurtech cung cấp, các bạn đã hiểu rõ hơn về vai trò cũng như cách xây dựng bữa sáng cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ. Đây là kiến thức vô cùng quan trọng giúp các thai phụ kiểm soát tốt mức đường huyết của mình, từ đó hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.