Nội dung chính
Trong quá trình làm việc, người lao động không may mắc một số căn bệnh và thắc mắc là đây có được xác định là bệnh nghề nghiệp hay không?! Tìm hiểu quy định bệnh nghề nghiệp là gì? Những căn bệnh nghề nghiệp nào được bảo hiểm? Ví dụ về bệnh nghề nghiệp trong một số ngành nghề cụ thể. Mời bạn đọc cùng Papaya tham khảo trong bài viết dưới đây nhé.
Bệnh nghề nghiệp là gì? Danh mục bệnh nghề nghiệp gồm bao nhiêu bệnh?
1. Bệnh nghề nghiệp là gì?
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này đã giải quyết cho 69.696 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp vào năm 2022.
Trong đó, quy định về khái niệm bệnh nghề nghiệp tại khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
“Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.”
Bên cạnh đó, theo Bộ y tế, định nghĩa bệnh nghề nghiệp là:
“Bệnh nghề nghiệp là một bệnh đặc trưng của một nghề do yếu tố độc hại trong nghề đó đã tác động thường xuyên, từ từ vào cơ thể người lao động mà gây nên bệnh.
Những trường hợp nhiễm độc cấp tính, bán cấp tính do hơi độc, hoá chất độc gây nên tại nơi làm việc thì coi như tai nạn lao động.”
Như vậy, có thể thấy, từ những quy định nêu trên bệnh nghề nghiệp không phải là những căn bệnh bẩm sinh người lao động mắc phải hoặc phát sinh từ các yếu tố bên ngoài xã hội. Chúng xuất hiện qua thời gian, xuất phát từ yếu tố độc, hại trong quá trình làm việc của người lao động.
Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có thể cấp tính hoặc từ từ. Một số căn bệnh thậm chí còn không thể chữa khỏi và để lại di chứng lâu dài. Tuy nhiên, một số căn bệnh cũng có thể được phòng ngừa thông qua khám bệnh nghề nghiệp định kỳ hàng năm.
2. Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội
Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH gồm:
1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
7. Bệnh hen nghề nghiệp.
8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.
10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
16. Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp.
17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
30. Bệnh viêm gan virus B nghề nghiệp.
31. Bệnh lao nghề nghiệp.
32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.
34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.
3. Các bệnh nghề nghiệp dễ phát sinh trong một số môi trường làm việc
05 ví dụ thường gặp về bệnh nghề nghiệp.
Bất cứ môi trường làm việc nào cũng có thể phát sinh nên bệnh nghề nghiệp, nhưng có một số môi trường đặc thù dễ gây nên những căn bệnh nghề nghiệp, điển hình như:
- Bệnh về bụi phổi như bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiăng, bệnh bụi phổi bông… thường dễ gặp ở công nhân khai thác quặn đá, công nhân sản xuất thủy tinh - đồ gốm, công nhân dệt may…
- Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếp xúc với môi trường tiếng ồn vượt quá chuẩn cho phép trong thời gian dài như công nhân làm việc trong ngành khai thác mỏ…
- Bệnh da nghề nghiệp như bệnh sạm da; bệnh nốt dầu; bệnh viêm loét da, viêm móng; bệnh viêm da chàm tiếp xúc… thường thấy ở những người công nhân làm việc trong ngành hóa dầu, luyện than, cơ khí, nhựa, da giày, chế biến thủy hải sản…
- Bệnh hen phế quản nghề nghiệp với triệu chứng bệnh khò khè, viêm mũi – họng có đờm, lên cơn hen… thường xuất phát trong môi trường sản xuất giấy, thuộc da, bột ngũ cốc, dầu thực vật, mỹ phẩm, cà phê; công nghiệp điện – điện tử; chế biến thủy sản…
- Bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp mắc phải khi người công nhân làm việc trong môi trường có những nguồn phóng xạ tự nhiên, nhân tạo, tia X vượt quá giới hạn cho phép, trong các nhà máy sử dụng tia bức xạ ion hóa, máy phát tia X…
→ Tìm hiểu thêm: 04 biện pháp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động
4. Quy định khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Khi nào phải khám bệnh nghề nghiệp? Việc thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện như thế nào?
Trên quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ ít nhất một lần cho người lao động. Trường hợp người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc cực kỳ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên hoặc người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần.
Đặc biệt, một số đối tượng người lao động sau cần quan tâm khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp (Căn cứ theo quy định tại Điều 2 và Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT):
- Người lao động làm việc trong môi trường phải tiếp xúc các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không làm trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
- Người lao động tham gia BHXH đang bảo lưu đóng BHXH hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng
- Người lao động chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp của người lao động do phòng khám bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhằm đánh giá yếu tố có hại trong môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc bệnh nghề nghiệp.
5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Doanh nghiệp cần chủ động tạo điều kiện để người lao động khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp nằm trong Danh mục bệnh nghề nghiệp thì sau đó, người lao động sẽ được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động làm điều kiện làm căn cứ xác định mức hưởng các chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp.
Khi đó, hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp mà người lao động cần chuẩn bị sẽ bao gồm các giấy tờ sau (Theo Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015):
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao điều trị bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc.
Tạm kết
Người lao động, đặc biệt những người đang làm trong môi trường có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp cần nên tìm hiểu kỹ về bệnh nghề nghiệp là gì nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân. Đồng thời, cả doanh nghiệp và cán bộ y tế lao động tại nơi làm việc là những người có tránh nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động trong quá trình khám, xác định bệnh nghề nghiệp này.