Quay lạiQuay lại

Những điều cần lưu ý về bệnh viêm phổi thùy

26/1/2023

Share

Nội dung chính

Viêm phổi thùy là gì?
Những nguyên nhân nào gây nên bệnh viêm phổi thùy?
Viêm phổi thùy có triệu chứng gì?
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn lui bệnh
Chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy
Một số biện pháp phòng bệnh viêm phổi thùy
Nâng cao thể trạng và bảo vệ sức khỏe
Giữ ấm cơ thể
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ
Thăm khám sức khỏe định kỳ

Viêm phổi thùy là bệnh lý tổn thương tế bào phổi do nhiễm khuẩn gây ra. Trong trường hợp phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trở nặng, tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu bệnh viêm phổi thùy sẽ giúp bạn nhận biết và điều trị sớm, hạn chế những mối nguy hại do viêm phổi thùy gây ra.

Viêm phổi thùy là gì?

Viêm phổi thùy là tình trạng phổi bị chịu tổn thương do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Trong đó, nhóm nguyên nhân phổ biến nhất là vi khuẩn, cụ thể là vi khuẩn phế cầu. Tình trạng viêm nhiễm diễn ra ở các nhu mô phổi, bao gồm: phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức mô liên kết và tiểu phế quản tận.

Viêm phổi thùy là bệnh lý tổn thương tế bào phổi do nhiễm khuẩn gây ra (Nguồn: Canva)

Viêm phổi thùy là bệnh lý tổn thương tế bào phổi do nhiễm khuẩn gây ra (Nguồn: Canva)

Những nguyên nhân nào gây nên bệnh viêm phổi thùy?

Bệnh viêm phổi thùy chủ yếu gây ra bởi vi khuẩn. Trong đó, phổ biến nhất là các nhóm vi khuẩn như:

  • Phế cầu khuẩn
  • Haemophilus influenzae
  • Legionella pneumophila
  • Mycoplasma pneumoniae

Ngoài ra, virus cũng là tác nhân có mối liên hệ chặt chẽ với viêm phổi thùy bởi người bệnh nhiễm virus rất dễ bị biến chứng thành bệnh lý này. Một số loại virus thường gặp như:

  • Virus cúm (influenza virus)
  • Virus sởi
  • Adenovirus
  • Virus đậu mùa

Các tác nhân gây bệnh viêm phổi thùy kể trên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và phát triển khi gặp các yếu tố thuận lợi như:

  • Cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch suy giảm: thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch.
  • Thời tiết trở lạnh, lúc giao mùa.
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản.
  • Người mắc bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi họng, viêm amidan,...
  • Người hút thuốc lá, nghiện rượu.

Viêm phổi thùy có triệu chứng gì?

Tùy vào từng giai đoạn bệnh mà viêm phổi thùy sẽ có các triệu chứng khác nhau:

Giai đoạn khởi phát

Vào thời điểm khởi phát, người bị viêm phổi thùy có các triệu chứng như:

  • Sốt, tình trạng sốt có sự dao động trong ngày.
  • Cảm thấy rùng mình, rét run.
  • Khó thở, mạch đập nhanh.
  • Tức ngực
  • Mất vị giác, ăn kém.
  • Ho nhẹ, chảy nước mũi.

Các triệu chứng này không điển hình, do đó thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.

Người mắc viêm phổi thùy thường có triệu chứng sốt cao (Nguồn: Canva)

Người mắc viêm phổi thùy thường có triệu chứng sốt cao (Nguồn: Canva)

Giai đoạn toàn phát

Sau khoảng 3 ngày khởi phát, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Ở giai đoạn này, các triệu chứng bộc lộ rầm rộ, biểu hiện nhiễm khuẩn cũng thể hiện rõ nét hơn:

  • Người bệnh sốt cao, từ 39 - 40 độ C.
  • Ho nhiều, ho từng cơn, có thể ho khan hoặc ho có đờm, đờm đặc, đôi khi có máu.
  • Khó thở, tức ngực nhiều.
  • Cảm giác khát, li bì, mệt mỏi.
  • Tiểu ít, nước tiểu sậm màu.

Trong giai đoạn này, nếu việc điều trị không kịp thời và hiệu quả, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm do viêm phổi thùy gây ra như: suy hô hấp, áp xe thùy phổi, tràn dịch màng phổi, viêm màng não, viêm màng trong tim,... đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Giai đoạn lui bệnh

Nếu việc điều trị hiệu quả, sức đề kháng của người bệnh tốt thì bệnh viêm phổi thùy sẽ thuyên giảm sau 7 - 10 ngày. Lúc này, các triệu chứng bệnh giảm dần, toàn trạng người bệnh trở nên tốt hơn.

Chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy

Để chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như:

  • Chụp X quang phổi: kết quả X quang phổi cho thấy có đám mờ ở một thùy hay một phần thùy phổi.
  • Chụp CT: kết quả có thấy có đám mờ khu trú ở phần lớn hoặc toàn bộ thùy phổi.

Ngoài ra, các kết quả cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu (thấy bạch cầu tăng), cấy đờm xác định vi khuẩn,... cũng đóng vai trò hỗ trợ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng một cách chính xác nhất.

Chụp X quang phổi là cách để chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy (Nguồn: Canva)

Chụp X quang phổi là cách để chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy (Nguồn: Canva)

Một số biện pháp phòng bệnh viêm phổi thùy

Để chủ động phòng ngừa bệnh viêm phổi thùy, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

Nâng cao thể trạng và bảo vệ sức khỏe

Bạn nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoa học, kết hợp việc vận động và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của mình. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác. Điều này giúp bạn tăng khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh, từ đó phòng ngừa hoặc giảm nhẹ mức độ bệnh khi mắc viêm phổi thùy. 

Bên cạnh đó, hãy điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai - mũi - họng như: viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm VA, viêm tai giữa,... nhằm hạn chế biến chứng thành viêm phổi thùy.

Giữ ấm cơ thể

Không khí lạnh vào thời điểm giao mùa chính là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể. Do đó hãy chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực bằng khăn choàng, áo khoác để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi thùy.

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ

Bạn nên chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn vì đây là nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thùy phổ biến nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thực hiện các mũi tiêm phòng khác như: vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng sởi,... bởi đây là những bệnh lý có thể biến chứng thành viêm phổi thùy.

Thăm khám sức khỏe định kỳ

Việc khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện sớm bệnh viêm phổi thùy hoặc xác định được những nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý này để từ đó có phương pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp. Lưu ý, nếu phát hiện thấy các triệu chứng của bệnh, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định, tránh trường hợp tự ý điều trị tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh viêm phổi thùy mà Papaya muốn chia sẻ đến các bạn đọc. Việc nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng của viêm phổi thùy sẽ giúp bạn chủ động phát hiện và điều trị bệnh, từ đó rút ngắn thời gian mắc bệnh, hạn chế các biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng hồi phục sức khỏe,

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan