Nội dung chính
Viêm phổi cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đối với trẻ em, bệnh lý có phần nghiêm trọng hơn khi luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Mặc dù đa phần bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà khi phát hiện sớm với các triệu chứng nhẹ, tuy nhiên chữa được dứt điểm hay không lại là vấn đề nhiều người thắc mắc. Vậy nên bài viết dưới đây, Papaya sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác nhất về viêm phổi cấp để giúp bạn có được câu trả lời.
Viêm phổi cấp là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Viêm phổi cấp là tình trạng viêm cấp tính xảy ra ở phế nang, mô kẽ và phế quản, nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở một hoặc hai bên phổi. Đây cũng là dạng viêm phổi thường gặp nhất với những triệu chứng khởi phát rõ ràng. Nguyên nhân gây bệnh được phân loại dựa theo nguồn lây nhiễm sẽ gồm có 2 loại như sau:
Viêm phổi cấp mắc phải bởi cộng đồng
- Viêm phổi do vi khuẩn: Loại viêm phổi điển hình gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn vào trong cơ thể, ví dụ như: phế cầu khuẩn, Hemophydia, Streptococcus pneumoniae.
- Viêm phổi cấp do virus: Nguyên nhân đứng thứ 2 sau vi khuẩn có khả năng lây lan nhanh, ví dụ như: SARS-CoV-2, RSV (virus hợp bào hô hấp), virus cúm mùa,...
- Viêm phổi do nấm: Cơ thể khi hít phải các bào tử nấm sẽ gây viêm nhiễm, gây ảnh hướng đến hệ hô hấp.
- Viêm phổi do hóa chất: Nguyên nhân này ít khi gặp, tuy nhiên mức độ nguy hiểm lại rất cao, gây tổn thương phổi nghiêm trọng nếu hít phải các khí cực độc, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn,...
Viêm phổi cấp do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể (Nguồn: Canva)
Viêm phổi cấp bệnh viện
Bệnh lý viêm phổi cấp xuất hiện sau khi người bệnh nhập viện 48 giờ. Nguyên nhân chính gây bệnh là các loại vi khuẩn gram dương, trực khuẩn gram âm, vi khuẩn gram âm có nguồn gốc từ đường ruột. Viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ cao trong đó nguồn lây nhiễm thường thông qua máy thở (chiếm đến 90%).
Triệu chứng viêm phổi cấp tính
Thông thường viêm phổi cấp tính sẽ diễn biến trong 6 tuần với những triệu chứng rõ rệt ở những ngày đầu khởi phát. Tuy nhiên, các triệu chứng lại không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm cúm thông thường gây chủ quan, ảnh hưởng đến hướng điều trị. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện những hiện tượng sau, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán chính xác.
- Ho, ho khan có thể xuất hiện đờm vàng, xanh hoặc kèm theo máu.
- Sốt từ 38 - 39 độ C, trường hợp nặng có thể sốt cao lên đến 40 độ C.
- Khó thở, nhất là khi hít vào và ho, xuất hiện tiếng khò khè mỗi khi thở.
- Cơ thể mệt mỏi, cảm giác buồn nôn, nôn, ăn không ngon.
Bị viêm phổi cấp khiến người bệnh mệt mỏi (Nguồn: Canva)
Viêm phổi cấp có nguy hiểm không, biến chứng là gì?
Trong các bệnh về phổi thì viêm phổi cấp xuất hiện phổ biến nhất, dễ dàng điều trị và thưởng khỏi chỉ sau 1 - 2 tuần nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, thời gian đầu khởi phát bệnh, các triệu chứng thường diễn ra âm thầm và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường. Điều này khiến bệnh dễ chuyển biến thành viêm phổi nặng gây ra biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê của WHO, hàng năm có khoảng 8 - 15 triệu người bị viêm phổi cấp, trong đó có đến gần 800.000 trẻ em tử vong (tỷ lệ trẻ từ 1 - 5 tuổi chiếm 22%). Tại Bệnh viện Nhi TW, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện do viêm phổi trong 24 giờ đầu vẫn ở mức báo động, tỷ lệ tử vong chung là 2,3%.
Do đó, khi bị viêm phổi cấp, bạn không được chủ quan mà cần thăm khám và điều trị ngay. Bởi bệnh dễ chuyển biến xấu, tiên lượng nặng khi xảy ra biến chứng. Trong đó, những biến chứng nặng nề có thể gặp như:
- Nhiễm trùng huyết.
- Tràn dịch màng phổi.
- Áp xe phổi.
- Suy hô hấp.
- Viêm màng ngoài tim.
- Sảy thai, sinh non ở phụ nữ đang mang thai.
Trẻ em là đối tượng dễ gặp biến chứng khi bị viêm phổi (Nguồn: Canva)
Viêm phổi cấp có chữa dứt điểm được không?
Hiện nay có tới hơn 50 loại viêm phổi từ nhẹ đến nặng và vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đối với viêm phổi cấp, bệnh có thể tự khỏi và chữa dứt điểm trong những trường hợp phát hiện sớm, các triệu chứng ở mức độ nhẹ. Tùy thuộc vào phương pháp điều trị và thể trạng từng người, mà bệnh có thể ổn định trong vòng 7 - 10 ngày.
Tuy nhiên, nếu để bệnh chuyển biến nặng, thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ tái nhiễm cao. Đối tượng dễ bị tái phát bệnh gồm có:
- Trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị viêm phổi từ 3 - 5 lần/năm.
- Người cao tuổi.
- Người sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất độc hại.
- Người hút thuốc lá, hít khói thuốc lá thường xuyên.
- Người có tiền sử các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, COPD, hen suyễn,...
- Người có tiền sử các bệnh về tim mạch, gan, tiểu đường.
- Người nhiễm HIV, bị ung thư.
Cách trị viêm phổi tại nhà
Trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi cấp thể nhẹ, có thể được chỉ định điều trị tại nhà, kết hợp theo dõi tại cơ sở y tế. Khi điều trị viêm phổi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau đây:
Điều trị triệu chứng
Người bệnh cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Nguyên tắc khi điều trị viêm phổi cấp tại nhà là làm giảm triệu chứng bằng các loại thuốc: thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm,...
Người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn và thường xuyên theo dõi chuyển biến cơ thể để phát hiện các triệu chứng chuyển nặng kịp thời. Trường hợp bệnh không thuyên giảm, sốt trên 39 độ liên tục trong 2 ngày, khó thở, người tím tái thì cần nhanh chóng nhập viện ngay.
Theo dõi sức khỏe thường xuyên để xử lý kịp thời khi bệnh chuyển nặng (Nguồn: Canva)
Điều trị nguyên nhân
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp để người bệnh tự uống tại nhà. Trường hợp viêm phổi do vi khuẩn có thể chỉ định dùng kháng sinh, tuy nhiên nếu nguyên nhân là do virus thì kháng sinh sẽ không có hiệu quả.
Chăm sóc bệnh nhân
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị, người nhà bệnh nhân cần chú ý theo dõi, kết hợp chế độ chăm sóc phù hợp. Để bệnh nhân nhanh khỏi, bạn hãy chú ý đến những điều sau đây:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng.
- Tích cực giúp bệnh nhân lòng đờm bằng các biện pháp như: vỗ rung, hướng dẫn ho, sử dụng thuốc long đờm,...
- Vệ sinh cơ thể đúng cách, tránh để bệnh nhân bị nhiễm lạnh, hạn chế tắm trong thời gian này, chỉ nên lau rửa nhanh chóng.
- Tích cực uống nhiều nước, bổ sung oresol nếu bệnh nhân bị sốt, nôn nhiều.
- Cho bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều.
Như vậy, viêm phổi cấp có thể điều trị khỏi nhưng vẫn có khả năng tái nhiễm nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Để người bệnh nhanh khỏi, tránh các biến chứng nguy hiểm, bạn cần theo dõi cơ thể và phát hiện các triệu chứng sớm nhất. Trên đây là những thông tin về viêm phổi cấp, Papaya hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ bệnh lý này.