Nội dung chính
Viêm phế quản mãn tính xảy ra bởi sự viêm nhiễm niêm mạc cây phế quản với nhiều nguyên nhân đến từ môi trường, thói quen sinh hoạt. Bệnh lý được chia làm ba thể phổ biến với mức độ nguy hiểm và triệu chứng khác nhau. Bạn cần hiểu rõ bệnh lý này để có những phương án điều trị và phòng biến chứng sao cho phù hợp nhất. Vậy hãy cùng Papaya bổ sung kiến thức qua bài viết dưới đây.
1. Viêm phế quản mãn tính là gì?
Viêm phế quản mãn tính là bệnh lý đường hô hấp do tình trạng viêm tăng tiết nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản. Bệnh lý gây ra các đợt ho kéo dài ít nhất 90 ngày/năm và kéo dài liên tiếp từ 2 năm trở lên. Bạn cần phân biệt hiện tượng ho khạc đờm liên tục của viêm phế quản mạn tính với các bệnh gây ho, khạc đờm mạn tính khác như lao phổi, giãn phế quản, áp xe…
Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính đến từ nhiều yếu tố, trong đó lý do chính gồm có:
- Do nhiễm khuẩn: Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus vào trong cơ thể, gây viêm hệ thống đường thở, viêm phế quản cấp nhưng không được điều trị đúng cách, triệt để.
- Do hít phải khói thuốc lá thường xuyên.
- Do tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm hoặc sự thay đổi thời tiết.
- Do dị ứng.
- Do yếu tố di truyền bởi tình trạng thiếu hụt globulin miễn dịch hay những bất thường về gen.
2. Những ai dễ bị viêm phế quản mạn tính
Dựa vào những nguyên nhân viêm phế quản mạn tính kể trên, dễ dàng nhận biết được những ai dễ bị mắc phải bệnh lý này. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng nguy cơ cao bị viêm phế quản mạn tính nhất là:
2.1 Nhóm 1
Theo khảo sát, thống kế có đến 88% người viêm phế quản mạn tính đến từ nhóm đối tượng hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên. Lý do bởi trong khói thuốc có chứa thành phần làm giảm khả năng vận động thế bào có lông của niêm mạc phế quản.
Điều này dẫn đến việc ức chế chức năng đại thực bào ở phế nang, gây quá sản và phì đại các tuyến tiết nhầy. Không những vậy, mối nguy hiểm của khói thuốc lá, thuốc lào còn đến từ việc làm bạch đầu đa nhân giải phóng men tiêu protein và co thắt cơ trơn phế quản.
Đa phần những đối tượng này sẽ xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn sau 45 - 50 tuổi thay vì bùng phát ngay lúc trẻ tuổi.
2.2 Nhóm 2
Những người phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị nhiễm bụi SO2, NO2, bụi công nghiệp có nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính cao. Bên cạnh đó, khu vực có khí hậu lạnh, ẩm ướt, thời tiết thay đổi thất thường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý cho người đang sinh sống.
Môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ viêm phế quản mãn tính (Nguồn: Canva)
2.3 Nhóm 3
Nguyên nhân viêm phế quản mạn tính nếu đến từ sự viêm nhiễm vi khuẩn, vi rút gây ra các ảnh hưởng nặng nề nhất cho người bệnh. Những đợt nhiễm trùng tái phát liên tục sẽ làm phá hủy tổ chức nhu mô phổi, gây viêm phổi, suy hô hấp.
2.4 Nhóm 4
Những đối tượng có cơ địa dị ứng, bị thiếu hụt kháng thể IgA, thuộc nhóm máu A nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác. Ngoài ra, những ai có cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp cũng có tỷ lệ viêm phế quản mạn tính nhiều.
3. Dấu hiệu nhận biết bị viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính sẽ được chia làm ba thể phổ biến với các điểm đặc trưng như sau:
- Viêm phế quản mạn tính đơn thuần: Bệnh nhân chỉ xuất hiện triệu chứng ho, khạc đờm, chưa xuất hiện rối loạn thông khí phổi.
- Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn: Ở thể này, bệnh nhân đã xuất hiện các cơn khó thở thường xuyên do sự tắc nghẽn lan rộng của phế quản.
- Viêm phế quản mạn tính nhầy mủ: Triệu chứng khi phát triển bệnh lý ở thể này gồm các cơn ho liên tục, từng đợt kèm theo khạc đờm nhầy.
Việc phát hiện sớm bệnh lý là yếu tố quyết định để giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Vậy nên, nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng sau đây, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và chẩn đoán chính xác:
3 dấu hiệu viêm phế quản mạn tính (Nguồn: Canva)
3.1 Ho
Ho là triệu chứng có thể gặp phải ở hầu hết các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Thế nhưng, nếu tình trạng này xuất hiện kéo dài từ 2 năm trở lên với những cơn ho kéo dài từng đợt, ho liên tục nhiều lần trong ngày thì đây là triệu chứng của viêm phế quản mãn tính. Các cơn ho có xu hướng xuất hiện nhiều vào buổi sáng.
3.2 Khạc đờm
Mức độ khạc đờm nhiều hay ít tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lý, tình trạng viêm nhiễm tại phế quản. Thông thường ở giai đoạn đầu, tần suất khác đờm sẽ ít, thường xuất hiện cùng các cơn ho và dịch đờm loãng, có màu trắng hoặc vàng nhạt. Khi chuyển biến đến giai đoạn nặng, tần suất khạc đờm nhiều hơn, độ nhầy đặc hơn và màu thường là xanh, nâu hoặc vàng đậm, thậm chí kèm theo máu.
Viêm phế quản mãn tính gây nhiều đờm trong mũi họng (Nguồn: Canva)
3.3 Khó thở
Triệu chứng này mặc dù không hằng định nhưng khi xuất hiện sẽ là dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh lý có nguy cơ cao đang ở giai đoạn sau của viêm phế quản mạn tính. TÌnh trạng khó thở diễn ra từ từ đến tăng dần, kèm theo cơn khó thở.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính dạng hen, cơn khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng hoặc khi thời tiết thay đổi. Trong khi ở những bệnh nhân viêm phế quản dạng khí phế thũng, triệu chứng này diễn ra thường xuyên hơn và nhiều khi gắng sức.
4. Viêm phế quản mạn tính có chữa được không?
Viêm phế quản mãn tính có thể điều trị theo nhiều cách, tuy nhiên không thể trị dứt điểm được. Bệnh lý vẫn sẽ tái phát nhiều lần, lặp đi lặp lại.
Mặc dù vậy, vẫn có những cách giúp bạn hạn chế các triệu chứng khi sử dụng đúng thuốc điều trị viêm phế quản mãn tính và tuân thủ đúng phương pháp điều trị. Cùng với đó, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ khiến viêm phế quản quay trở lại.
Bỏ hút thuốc sẽ giúp giảm các triệu chứng nhanh chóng (Nguồn: Canva)
Cụ thể bạn cần lưu ý những điều sau đây để tránh biến chứng cũng như hạn chế tình trạng tái phát:
- Bỏ thói quen hút thuốc lào, thuốc lá, tránh xa và cần cố gắng tránh hít phải khói thuốc.
- Tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh, nhất là khi thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, có những thay đổi thất thường.
- Tránh tiếp xúc với khói bụi.
- Phòng chống nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng cách: nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, điều trị bệnh lý tai mũi họng triệt để.
- Nâng cao thể trạng bằng cách: ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, tránh sử dụng các thực phẩm gây dị ứng, tập thể dục và vệ sinh nơi ở, làm việc.
Có thể thấy bệnh viêm phế quản mãn tính không chỉ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trong một thời điểm. Bạn có thể đối mặt với nguy cơ tái nhiễm liên tục nếu không thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy nên hãy nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thực hiện tốt phương án phòng bệnh để giúp cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ hơn bệnh lý viêm phế quản mãn tính.