Nội dung chính
Viêm amidan là bệnh lý tương đối phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các hướng xử trí khác nhau. Hầu hết các trường hợp bị viêm amidan nhẹ đều được chỉ định điều trị tại nhà. Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn, bạn có thể tham khảo và áp dụng thêm một số cách hỗ trợ điều trị viêm amidan mức độ nhẹ mà Papaya chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Viêm amidan là gì?
Amidan là một cặp tổ chức mô mềm nằm ở khu vực hầu họng. Mỗi amidan được cấu tạo bởi các mô có cấu trúc tương tự như hạch bạch huyết, trên bề mặt có nhiều khe và hốc. Bộ phận này đóng vai trò chống nhiễm trùng, ngăn cản các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi tác nhân gây bệnh tấn công với số lượng lớn, vượt qua sức chống đỡ của amidan thì sẽ gây ra nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Tình trạng này được gọi là viêm amidan.
Viêm amidan có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng tập trung nhiều nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh có các triệu chứng nổi bật như: sốt, đau họng, khó nuốt, mệt mỏi, chán ăn,... Tùy theo trình trạng nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các hướng xử trí khác nhau. Ở đối tượng bị viêm amidan mạn tính, tái diễn nhiều lần trong năm và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cắt amidan là giải pháp thường được lựa chọn. Ngược lại, nếu bị viêm amidan nhẹ, dạng cấp tính thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh sau 5 - 7 ngày điều trị tại nhà.
Viêm amidan gây cảm giác đau họng, ngứa, rát, khó chịu (Nguồn: Canva)
5 cách chữa viêm amidan nhẹ tại nhà đơn giản, hiệu quả
Trong quá trình điều trị viêm amidan nhẹ tại nhà, ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, bạn có thể áp dụng thêm một số phương pháp hỗ trợ điều trị như sau:
Súc miệng bằng nước muối
Súc họng - miệng hàng ngày bằng nước muối là biện pháp điều trị viêm amidan hiệu quả mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng ngay tại nhà. Nước muối có tính sát khuẩn, kháng viêm và làm sạch tốt. Do đó vệ sinh họng thường xuyên bằng nước muối sẽ giúp giảm cảm giác đau rát, ngứa ở vùng họng, từ đó cải thiện đáng kể tính trạng viêm amidan.
Bạn có thể tự pha nước muối loãng hoặc mua nước muối sinh lý đóng chai để sử dụng. Duy trì vệ sinh họng bằng nước muối từ 3 - 4 lần mỗi ngày, mỗi lần giữ ít nhất 30 giây để nước muối chạm vào thành họng.
Tăng độ ẩm không khí
Khi độ ẩm xuống thấp, không khí khô thì tình trạng ngứa họng của người bệnh bị viêm amidan cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn là nguyên nhân của những đợt ho kéo dài khi mắc bệnh. Để khắc phục tình trạng này bạn có thể sử dụng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm không khí trong nhà, đặc biệt là vào những ngày thời tiết hanh khô của mùa đông. Nếu không có máy tạo ẩm, bạn có thể tận dụng hơi nước ấm từ vòi sen, bồn tắm, máy xông tinh dầu để giảm cảm giác khó chịu.
Tăng độ ẩm không khí giúp người bệnh viêm amidan cảm thấy dễ chịu hơn (Nguồn: Canva)
Hạn chế nói chuyện
Tổ chức amidan bị sưng to, tấy đỏ khiến người bệnh có cảm giác đau khi nói, giọng nói trở nên khàn đặc hay mất giọng. Điều này vô tình khiến bệnh nhân phải gắng sức để nói với âm lượng lớn hơn, từ đó ra tạo kích thích mạnh hơn lên niêm mạc họng.
Vì vậy, khi viêm amidan bạn cần hạn chế nói chuyện, đặc biệt là nói trong thời gian dài với âm lượng lớn. Tốt hơn hết, người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế tiếp xúc với người đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp để tránh việc bị lây nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh nặng hơn.
Uống nhiều nước ấm
Nước ấm có tác dụng làm dịu kích thích, giảm ngứa họng, rát họng tạm thời. Bên cạnh nước lọc ấm, bạn có thể sử dụng thêm các loại trà ấm, đặc biệt là trà thảo mộc để hỗ trợ điều trị viêm amidan. Một số loại trà tốt cho việc giữ ấm cổ họng như: trà gừng, trà hoa cúc, trà bạc hà, trà cam thảo,... Bạn có thể chia nhỏ để sử dụng nhiều lần trong ngày.
Tránh đồ ăn cứng, khó nuốt
Người bệnh bị viêm amidan thường gặp khó khăn trong việc nuốt, đặc biệt là nuốt thức ăn cứng, thô. Các loại thức ăn này sẽ cọ xát vào thành họng, gây cảm giác đau rát, khó chịu. Tình trạng này khi xảy ra ở trẻ em sẽ biểu hiện thành chứng biếng ăn, bỏ bú. Do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý lựa chọn các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, đồ ăn nghiền nát để trẻ dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, hạn chế các thực phẩm thô như bánh quy, các loại hạt (đậu phộng, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dưa), khoai tây chiên, ngũ cốc khô,... để tránh kích thích niêm mạc họng.
Người bị viêm amidan nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt (Nguồn: Canva)
Viêm amidan khi nào cần tới bệnh viện?
Trong trường hợp người bệnh bị viêm amidan có các triệu chứng xuất hiện với mức độ nặng dần, điều trị tại nhà không cải thiện hay tình trạng viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần thì cần đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp. Tránh tình trạng chủ quan vì viêm amidan dù là bệnh lành tính nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như: viêm thấp khớp, viêm cầu thận, viêm khuẩn huyết, viêm cơ tim,...
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày bạn cũng nên rèn luyện thói quen vệ sinh họng thường xuyên, giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh và hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm để giảm thiểu nguy cơ bị viêm amidan.
Hy vọng rằng, thông qua những kiến thức hữu ích mà Papaya chia sẻ, các bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh lý viêm amidan cũng như biết được cách điều trị viêm amidan nhẹ tại nhà. Đây đều là những phương pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng ngứa, rát, đau họng khi bị viêm amidan. Hãy lưu lại để áp dụng cho bản thân và các thành viên trong gia đình bạn nhé!