Nội dung chính
Viêm amidan là bệnh lý tương đối phổ biến trong cộng đồng. Nếu không thực hiện điều trị tích cực để bệnh tái đi tái lại nhiều lần thì nguy cơ cao sẽ tiến triển thành viêm amidan mãn tính. Vậy viêm amidan mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị như thế nào? Hãy cùng Papaya tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Viêm amidan là bệnh lý tương đối phổ biến trong cộng đồng
Viêm amidan mãn tính là gì?
Amidan là một tổ chức bạch huyết ở vị trí phía sau cổ họng. Amidan nằm ở vùng giao nhau giữa đường ăn và đường thở, được ví như cửa ngõ quan trọng giúp bảo vệ đường hô hấp. Amidan có khả năng tiết ra các kháng thể, giúp chống lại sự xâm nhiễm của vi sinh vật gây hại như virus, vi khuẩn, vi nấm,...
Khi sức đề kháng của con người kém đi, amidan dễ bị viêm nhiễm gây nên các triệu chứng như đau rát họng, ho, sốt,... gọi là viêm amidan cấp tính. Nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần (từ 5 - 7 lần/năm), mức độ ngày càng nặng dần thì sẽ tiến triển thành viêm amidan mãn tính. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Viêm amidan mãn tính là gì? (Nguồn: Canva)
Có bao nhiêu loại viêm amidan mãn tính?
Dựa vào hình thái của amidan khi viêm nhiễm, bệnh viêm amidan mãn tính được phân thành 3 loại:
Viêm amidan hốc mủ
Đây là tính trạng viêm amidan với biểu hiện điển hình là bề mặt amidan xuất hiện nhiều hạch mủ trắng đục, chứa nhiều dịch mủ là xác của vi khuẩn lẫn bạch cầu. Người bị viêm amidan hốc mủ hơi thở thường có mùi hôi đặc trưng.
Viêm amidan quá phát
Viêm amidan quá phát biểu hiện ở kích thước amidan tăng do bị sưng to đi kèm tấy đỏ. Tình trạng này thường gây cảm giác đau rát, khó nuốt, khó thở, người bệnh khi ngủ thường ngáy to, phát ra tiếng khò khè. Trong một số trường hợp, viêm amidan quá phát còn có thể dẫn đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Thể quá phát này thường nhiều ở đối tượng bệnh nhân là trẻ em.
Viêm amidan thể xơ teo
Người mắc viêm amidan thể xơ teo có amidan bị teo lại, màu đổi sẫm, trên bề mặt có thể xuất hiện xơ mũ trắng bã đậu, niêm mạc trở nên gồ ghề. Trái với viêm amidan quá phát, thể bệnh này thường gặp nhiều ở đối tượng bệnh nhân là người trưởng thành.
Những nguyên nhân gây viêm amidan mãn tính
Tình trạng viêm amidan mãn tính có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Trong đó phổ biến nhất là các nhóm như: Enterovirus, Epstein Barr, Herpes Simplex, Virus cúm, Vi khuẩn Streptococcus,...
- Sức đề kháng của cơ thể suy giảm tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật sẵn có trong mũi họng phát triển và gây bệnh.
- Cấu tạo của amidan có nhiều khe, hốc do đó vi sinh vật dễ dàng trú ngụ, sinh sôi và phát triển.
- Người bệnh vệ sinh miệng, họng kém.
- Nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi, thường xuyên ăn uống đồ lạnh.
Viêm amidan mãn tính có triệu chứng gì?
Bệnh viêm amidan mãn tính có nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó điển hình nhất phải kể đến:
- Đau rát họng: Cảm giác đau rát khi nuốt xuất hiện dai dẳng, kéo dài, có xu hướng tăng lên khi ho.
- Ngứa, khô họng: Người bệnh thường có cảm giác vướng víu ở cổ như mắc dị vật, họng ngứa và khô.
- Amidan bị viêm: Quan sát thấy amidan sưng, tấy, bề mặt gồ ghề, xuất hiện các nốt mủ trắng.
- Sốt: Người bị viêm amidan mãn tính thường sốt nhẹ về chiều.
- Ho: Ho khan hoặc ho có đờm, ho nhiều vào sáng sớm.
- Có mùi hôi miệng: Dịch mủ chứa đầy trong amidan khiến hơi thở của người bệnh có mùi hôi tanh đặc trưng.
- Sưng hạch ở cổ: Các hạch bạch huyết ở vùng cổ dưới hàm có thể sưng, đau.
- Một số triệu chứng khác: Người bệnh bị viêm amidan mãn tính thường chán ăn, mệt mỏi, người xanh xao nhiều, thể trạng yếu.
Đau rát họng là triệu chứng điển hình của viêm amidan mãn tính (Nguồn: Canva)
Viêm amidan mãn tính được điều trị như thế nào?
Theo các chuyên gia tai - mũi -họng, để dứt điểm tình trạng viêm amidan mãn tính, người bệnh nên tiến hành cắt amidan. Tuy nhiên, việc phẫu thuật này cần được thực hiện theo chỉ định chặt chẽ. Cụ thể, người bệnh chỉ nên cắt amidan khi:
- Viêm amidan mãn tính tái diễn nhiều lần, từ 5 - 6 lần/năm trở lên.
- Viêm amidan đã gây ra các biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm cầu thận,...
- Viêm amidan trở nên quá phát gây khó thở, khó nuốt, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
Với sự phát triển của y học, ngày càng có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan khác nhau. Các phương pháp phẫu thuật hiện đại giúp giảm tình trạng chảy máu, rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân. Một số thường pháp phổ biến hiện nay như:
- Cắt amidan bằng laser
- Cắt amidan bằng coblator
- Cắt amidan bằng dao điện
- Cắt amidan bằng dao mổ siêu âm
Những cách giúp chủ động phòng ngừa viêm amidan
Viêm amidan là bệnh rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày. Để chủ động phòng ngừa bệnh, bạn nên:
- Thực hiện vệ sinh khu vực mũi, họng, miệng hàng ngày bằng nước muối loãng.
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể có sức đề kháng tốt.
- Chủ động điều trị dứt điểm khi bị viêm amidan cấp, tránh để bệnh kéo dài nhiều ngày.
- Hạn chế dùng nước đá, kem lạnh, nước lạnh,...
- Hạn chế đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ
- Giữ ấm cho vùng cổ và cơ thể khi thời tiết trở lạnh.
- Không nên tiếp xúc với không khí quá khô. Vào mùa đông bạn có thể trang bị máy tạo độ ẩm để hạn chế nguy cơ bị viêm amidan.
- Không nên đến những khu vực nhiều khói bụi, ô nhiễm.
Thực hiện vệ sinh họng, miệng hàng ngày giúp giảm nguy cơ viêm amidan
Viêm amidan là bệnh lý rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Nhưng nếu bạn lờ là, không tích cực điều trị dứt điểm thì rất dễ tiến triển thành viêm amidan mãn tính. Tình trạng này kéo dài dai dẳng, lặp đi lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, tốt nhất bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị viêm amidan càng sớm càng tốt.