Nội dung chính
Viêm amidan là bệnh lý xảy ra khi amidan bị viêm nhiễm, gây ra triệu chứng đau rát, khó nuốt.
Có một thực tế là các triệu chứng viêm amidan rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh đường hô hấp khác. Điều này khiến nhiều người chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà sai cách dẫn đến bệnh trở nặng thêm. Chính vì vậy dưới đây Papaya sẽ làm rõ các dấu hiệu và cách nhận biết viêm amidan giúp bạn phát hiện bệnh lý nhanh chóng nhất.
I. Viêm amidan là gì?
Hình ảnh viêm amidan mãn tính gây đau rát cổ họng (Nguồn: Canva)
Amidan gồm 2 tổ chức bạch huyết nằm ở phía sau hầu họng và là nơi giao nhau của đường hô hấp và đường ăn uống. Chúng đảm nhiệm chức năng bảo vệ đường hô hấp khỏi sự xâm nhập của các vi sinh vật bằng cách tiết kháng thể chống lại viêm nhiễm.
Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng ở amidan khẩu cái cấp tính hoặc mạn tính.
Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan chủ yếu là do nhiễm các loại virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, sự thay đổi của thời tiết, môi trường ô nhiễm, sức đề kháng cơ thể yếu, các ổ viêm trong họng, miệng cũng là các yếu tố thuận lợi để bệnh lý phát triển.
II. 05 triệu chứng viêm amidan dễ nhận biết
Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm amidan trở nặng mới được phát hiện và điều trị. Do các triệu chứng viêm amidan không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể dựa trên 5 biểu hiện viêm amidan phổ biến nhất để nhận biết gồm:
2.1 Sốt
Khi bị viêm amidan, cơ thể người bệnh thường khởi phát bằng những cơn sốt đột ngột, thân nhiệt từ 38 - 39 độ C, cảm giác rét, rét run.
Đối với thể viêm amidan mạn tính tình trạng sốt sẽ tái phát thành nhiều đợt, thường sốt ở thời điểm vào buổi chiều.
Đi kèm với triệu chứng sốt sẽ là những biểu hiện toàn thân là người mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, bị táo bón, chán ăn...
2.2 Đau họng
Viêm amidan gây ra tình trạng sưng đỏ cùng các ổ viêm tại vị trí amidan, khiến cổ họng cảm giác khô, rát, nóng. Đặc biệt là ở khu vực thành bên họng sẽ có những cơn đau nhiều mỗi khi nuốt nước bọt hoặc ho, cơn đau có thể nhói lên tai. Mỗi khi nuốt thức ăn hoặc nước, bạn sẽ cảm thấy trong họng vướng víu như mắc dị vật.
2.3 Khò khè
Viêm amidan thường kèm theo viêm mũi gây ra tình trạng thở khò khè. Tình trạng viêm nặng còn có thể lan xuống vùng thanh quản, khí quản dẫn đến triệu chứng ho có đờm.
Ngoài ra, ở nhiều trường hợp còn phát hiện triệu chứng ngủ ngáy to, giọng nói thay đổi, nói giọng mũi.
2.4 Amidan sưng
Triệu chứng viêm amidan mà bạn sẽ gặp phải chính là amidan bị sưng to và đỏ, gần sát nhau ở đường giữa.
Khi quan sát amidan có thể sẽ thấy xuất hiện các chấm mủ trắng tại các hốc và biến thành lớp mủ trên bề mặt. Lớp mủ này dễ dàng chùi sạch, để lộ niêm mạc amidan đỏ nguyên vẹn mà không lan đến các trụ hay không gây chảy máu.
Đối với trường hợp viêm amidan cấp tính, trên bề mặt amidan xuất hiện nhiều khe và hốc, ở những vị trí này chứa đầy chất màu trắng như bã đậu và mủ trắng nhiều.
2.5 Hôi miệng
Viêm amidan gây hôi miệng do các ổ viêm tạo hốc mủ (Nguồn: Canva)
Khi bị viêm amidan, người bệnh sẽ thường thấy miệng khô, lưỡi trắng, kết hợp với triệu chứng amidan có mủ. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng ở người bệnh viêm amidan, ngay cả khi bạn đã vệ sinh răng miệng kĩ thì mùi hôi vẫn không hết.
III. Các loại viêm amidan
Dựa vào tình hình và diễn biến của bệnh lý mà chia viêm amidan thành 2 thể như sau:
Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính là tình trạng xuất tiết và viêm sung huyết của amidan khẩu cái.
Biểu hiện bệnh thường xuất hiện vào thời kỳ đầu của các bệnh viêm nhiễm khác. Chính vì vậy mà viêm amidan hay bị coi là “cửa vào” của các bệnh từ virus, vi khuẩn như: viêm màng não, bại liệt, viêm khớp cấp...
Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính xảy ra khi tình trạng viêm diễn ra thường xuyên và tái đi tái lại nhiều lần của amidan khẩu cái.
Phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm cũng như các triệu chứng viêm amidan mà amidan bị viêm có thể phát triển to lên hoặc nhỏ đi.
IV. Đối tượng dễ bị viêm amidan
Viêm amidan là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, có thể gặp ở mọi đối tượng, giới tính.
Tuy nhiên, dựa vào cấu trúc giải phẫu amidan, hai thể bệnh và các yếu tố thuận lợi gây bệnh mà sẽ có những đối tượng có nguy cơ bị mắc cao hơn.
- Viêm amidan cấp tính: Thường gặp ở trẻ em từ 5 - 15 tuổi.
- Viêm amidan mãn tính: Thường gặp ở trẻ em từ 3 - 4 tuổi trở lên, người trẻ.
Trẻ em dễ bị viêm amidan (Nguồn: Canva)
Ngoài ra, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm amidan cao hơn người khác gồm:
- Người có sức đề kháng kém, cơ địa dễ bị dị ứng.
- Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm do khói bụi, hóa chất, điều kiện sinh hoạt thấp.
- Người có đặc điểm cấu trúc amidan nhiều hốc, khe kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn cư trú và phát triển.
- Người đang gặp phải các bệnh lý liên quan đến vùng miệng - họng mà không được điều trị triệt để như: sâu răng, viêm lợi, viêm mũi xoang, viêm VA...
V. Viêm amidan có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Trong một số trường hợp triệu chứng viêm amidan nhẹ, nguyên nhân gây viêm do tác động của thời tiết, môi trường, hay viêm do virus thì bệnh có thể tự khỏi.
Lúc này, người bệnh chỉ cần thực hiện tốt các chế độ chăm sóc cơ thể để nâng cao thể trạng. Kết hợp cùng các biện pháp khắc phục nguyên nhân gây bệnh như: vệ sinh môi trường sống, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khói bụi...
Tuy nhiên, khi các triệu chứng viêm không thuyên giảm, chuyển nặng hơn thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để điều trị. Một số trường hợp sẽ được chỉ định dùng kháng sinh khi nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn.
Thông thường, với viêm amidan cấp tính thể nhẹ, bệnh nhân có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Trường hợp viêm nặng thời gian điều trị sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 tuần.
Nếu sau thời gian này bệnh vẫn không thuyên giảm, tái lại thì sẽ chuyển sang giai đoạn viêm amidan mạn tính. Đối với viêm amidan mạn tính, có thể phải cân nhắc phẫu thuật cắt amidan.
Tạm kết
Triệu chứng viêm amidan thường gặp nhất sẽ gồm có sốt, đau họng, khò khè, sưng amidan, hôi miệng. Khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng này, để có phương án điều trị phù hợp nhất, bạn hãy đến cơ sở y tế để thăm khám ngay. Với những thông tin trên đây, hy vọng Papaya đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý viêm amidan từ đó có các phương pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp.