Nội dung chính
Viêm amidan là tình trạng viêm xung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau 7 - 10 ngày điều trị. Tuy nhiên có không ít người trưởng thành gặp tình trạng viêm amidan tái diễn nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Papaya tìm hiểu 5 triệu chứng viêm amidan ở người lớn nổi bật nhất và hướng điều trị cho bệnh lý này các bạn nhé!
Viêm amidan ở người lớn là gì? Có nguy hiểm không
Viêm amidan là tình trạng sưng viêm, xung huyết và xuất tiết của khối amidan ở khu vực hầu họng. Đây vốn là cơ quan có chức năng bảo vệ, ngăn cản sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể. Tuy nhiên khi bị tấn công bởi một lượng vi khuẩn hay vi rút lớn, vượt quá khả năng chống trả của amidan thì chúng sẽ bị sưng viêm, nhiễm trùng. Hơn nữa, cấu trúc bề mặt amidan có nhiều khe, hốc, đây là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật trú ngụ, phát triển, tạo thành ổ nhiễm khuẩn và gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận nếu không được điều trị triệt để.
Viêm amidan ở người lớn (Nguồn: Canva)
Bệnh viêm amidan thường gặp chủ yếu ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Điều này không có nghĩa là bệnh không diễn ra ở người trưởng thành. Bệnh viêm amidan ở người lớn tuy có tỷ lệ mắc thấp hơn nhưng mức độ bệnh và khả năng gặp biến chứng thường cao hơn so với các nhóm đối tượng còn lại. Tùy theo tình trạng viêm nhiễm và khả năng phản ứng của cơ thể mà viêm amidan ở người lớn có thể tiến triển thành các biến chứng như:
- Biến chứng tại chỗ: áp xe amidan, viêm họng, loét khe amidan,...
- Biến chứng vùng lân cận: viêm tai giữa, viêm hạch cổ, viêm khí - phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản,...
- Biến chứng xa: nhiễm khuẩn huyết (diễn ra khi vi khuẩn đi từ ổ nhiễm trùng amidan vào máu)
- Biến chứng khi nhiễm liên cầu khuẩn: viêm amidan do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây ra có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm màng não,...
5 triệu chứng viêm amidan ở người lớn dễ nhận biết
Đau, rát họng
Khối amidan sưng to, tấy đỏ ở hai bên thành họng gây nên tình trạng đau rát họng cho người bệnh. Cảm giác đau sẽ tăng lên khi người bệnh nói hoặc nuốt, vì lúc này các khối amidan cọ xát nhiều vào niêm mạc cũng như thức ăn cọ xát ngược lại vào khối amidan. Tình trạng này thường kéo dài do vi khuẩn khu trú ở amidan có xu hướng gây nhiễm khuẩn lan tỏa cho các cơ quan lân cận, đặc biệt là hệ thống tai - mũi - họng. Do đó, người bệnh còn có thể cảm thấy đau nhức tai, đau đầu.
Viêm amidan gây nên tình trạng đau rát họng cho người bệnh
Sốt nhẹ
Sốt là phản ứng điển hình của cơ thể khi có nhiễm khuẩn. Tình trạng sốt do viêm amidan thường không quá cao, chủ yếu sốt râm ran về buổi chiều gây nên cảm giác uể oải, mệt mỏi nhiều cho người bệnh.
Sưng bạch huyết ở cổ và hàm
Khi bị viêm amidan, người bệnh thường nhận thấy các hạch ở vùng dưới hàm sưng to và đau. Đây là hạch bạch huyết chứa các tế bào bạch huyết, đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Khi có sự tấn công của vi sinh vật, hạch bạch huyết tăng cường hoạt động để tạo ra kháng thể chống lại tác nhân ngoại lai. Khi cơ thể hết viêm nhiễm, chúng thu nhỏ và trở về kích thước bình thường.
Viêm amidan thường gây sưng, đau hạch bạch huyết dưới hàm
Khàn giọng
Người bệnh viêm amidan thường bị khàn giọng, đổi giọng, thậm chí là mất giọng. Bởi vì khi nói, các khối amidan sưng to cọ xát vào nhau làm thay đổi luồng âm thanh. Bên cạnh đó, tình trạng viêm nhiễm còn tác động đến khu vực dây thanh quản làm ảnh hưởng đến giọng nói của người bệnh.
Hơi thở có mùi hôi
Khi vi khuẩn tấn công khối amidan, chúng trú ngụ tại các hốc và khe trên bề mặt lâu ngày tạo nên kén mủ hay vết mủ trông giống bã đậu. Dịch mủ này chứa thành phần chính là xác của vi khuẩn và bạch cầu đã chết, có mùi hôi tanh đặc trưng. Do đó, người bệnh bị viêm amidan thường có hơi thở nặng mùi. Tình trạng này đặc biệt rõ nét ở người mắc viêm amidan thể hốc mủ.
Bệnh viêm amidan ở người lớn được điều trị như thế nào?
Thông thường, các trường hợp viêm amidan cấp tính thể nhẹ sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà. Phác đồ điều trị chính bao gồm kháng sinh kết hợp kháng viêm, giảm sưng tấy. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày. Để nhanh chóng hồi phục, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ dẫn, người bệnh nên:
- Thường xuyên vệ sinh họng bằng nước muối
- Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước ấm
- Hạn chế nói chuyện, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi
- Tránh các loại thức ăn thô, cứng.
- Sử dụng các viên ngậm thảo dược để làm dịu kích thích, giảm ngứa, rát cổ họng.
Người bệnh viêm amidan nên vệ sinh họng bằng nước muối thường xuyên
Mặt khác, ở những trường hợp có tình trạng viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cắt amidan. Việc phẫu thuật cắt amidan được áp dụng cho các đối tượng như:
- Viêm amidan hơn 5 lần/năm
- Viêm amidan có biến chứng áp xe amidan, viêm quá phát gây khó thở, nghẹt thở, ngưng thở khi ngủ, biến chứng viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm,...
- Viêm amidan tiềm ẩn nguy cơ biến chứng xa như viêm cơ tim, viêm khớp cấp, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết,...
Người bệnh cắt amidan cần đảm bảo không vi phạm các chống chỉ định phẫu thuật như: bị rối loạn đông máu, có các bệnh nội khoa chưa ổn định như huyết áp cao, suy tim, suy thận, suy gan mất bù,... Cắt amidan giúp chấm dứt tình trạng viêm amidan ở người trưởng thành, tuy nhiên phương pháp này cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Trên đây là những thông tin hữu ích về 5 triệu chứng viêm amidan ở người lớn mà Papaya muốn chia sẻ đến các bạn đọc. Tuy là bệnh thường gặp nhưng nếu không được điều trị triệt để, viêm amidan có thể tái diễn và gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa viêm amidan ngay từ bây giờ các bạn nhé!