Nội dung chính
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em rất dễ khiến các cha mẹ hiểu lầm với các bệnh lý khác. Bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển biến nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy làm sao để xác định và phân biệt các dấu hiệu của sốt xuất huyết? Papaya mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em rất dễ lầm với các bệnh lý khác - Nguồn ảnh: Canva
I. Những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và chúng có diễn biến khá phức tạp. Đây được coi là một những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ hàng đầu. Vì vậy cha mẹ cần biết biểu hiện sốt xuất huyết để có thể đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Các triệu chứng của bệnh thường diễn biến khá nhanh và diễn biến từ nhẹ đến nặng qua các giai đoạn sau:
1. Giai đoạn trẻ sốt
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em ở giai đoạn đầu này là bé bị sốt cao đột ngột và liên tục. Trẻ lớn thì cảm thấy chán ăn, buồn nôn, than đau đầu, đau cơ khớp, chảy máu chân răng, máu mũi nhẹ, nhức ở hai hốc mắt và có biểu hiện da sung huyết (chấm huyết đỏ dưới da, phát ban). Em bé nhỏ hơn thì có những triệu chứng như quấy khóc liên tục, bứt rứt trong người.
Lúc này cha mẹ nên đi tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế. Tuy nhiên nếu xét nghiệm máu ở giai đoạn này thường không phản ảnh rõ ràng. Vì dung tích hồng cầu lúc này đa số là bình thường.
2. Giai đoạn bệnh nguy hiểm
Sau khoảng 3 đến 7 ngày trẻ có thể tiến vào giai đoạn nguy hiểm hơn của bệnh. Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em là không còn bị sốt quá cao mà bé bị thoát huyết tương, khó thở, tụt huyết áp, mất nước,... Đặc biệt thoát huyết tương là hiện tượng máu thoát ra ồ ạt khiến bụng của bé chướng to lên. Tình trạng này thường kéo dài trong 24 - 48 tiếng và là nguy cơ dẫn đến tử vong của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.
Giai đoạn này khi đưa bé đi khám, trẻ có thể bị tràn dịch màng phổi, gan to bất thường và có biểu hiện mi mắt phù nề. Nếu tình trạng bé thoát huyết tương nặng có thể dẫn đến bị sốc, khuôn mặt lờ đờ, bứt rứt, lạnh các đầu ngón tay, ngón chân. Đặc biệt giai đoạn này trẻ có thể bị xuất huyết dưới da hoặc các mảng bầm tím, tiểu ra máu, chảy máu mũi, máu răng,...
Tuy nhiên xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em. Bé mặc dù mang mầm bệnh nhưng có thể hoàn toàn không biểu hiện tình trạng xuất huyết. Vì vậy dù không có dấu hiệu này thì cha mẹ vẫn cần đưa con đến khám và xét nghiệm máu. Lượng tiểu cầu ở giai đoạn nguy hiểm này chỉ còn dưới 100.000/mm3, nặng hơn là rối loạn đông máu và nguy kịch.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ con - Nguồn ảnh: Canva
3. Giai đoạn bé đang phục hồi
Khoảng 48 đến 72 giờ sau giai đoạn nguy hiểm sẽ là giai đoạn phục hồi của bé bị sốt xuất huyết. Trẻ sẽ hết sốt, có biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn hơn và đi tiểu cũng nhiều hơn. Hãy để cho trẻ được nghỉ ngơi và hồi sức. Bên cạnh đó ba mẹ cũng cần chú ý bổ sung nước, dinh dưỡng để em bé có thể mau lấy lại sức khỏe. Bởi vì bệnh sốt xuất huyết đã khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu nhiều ngày liền.
II. Phân biệt triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em với các loại bệnh sốt khác
Sốt là triệu chứng của hầu hết các bệnh khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Sốt xuất huyết và các bệnh khác như sốt siêu vi đều có thể gây ra các biến chứng gần như nhau. Tuy nhiên gần đây đã có khả năng phân biệt giữa sốt xuất huyết và sốt bệnh do virus không gây ra.
Ví dụ như sốt siêu vi là do siêu vi lây truyền qua không khí, còn sốt xuất huyết là do kết quả của việc bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Sốt siêu vi có thể kéo dài từ 3-5 ngày, trong khi sốt xuất huyết có thể kéo dài đến 7 ngày. Thậm chí sẽ kéo dài hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó sốt xuất huyết sẽ có mức độ nghiêm trọng cao hơn bệnh sốt siêu vi. Các bệnh khác thông thường chỉ kèm các triệu chứng như chảy nước mũi, đau họng,... Nhưng bệnh nhân của sốt xuất huyết có thể bị sốt rất cao, đau nhức dữ dội, đau khớp và phát ban trong vòng 24-48 tiếng sau khi khởi phát.
Đặc biệt cách tốt nhất để xác định là đi xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm kháng nguyên NS1 của bệnh Dengue. Các chuyên gia cho rằng khoảng 80 – 90% bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ có số lượng tiểu cầu thấp hơn 100.000.Trong khi 10 – 20% bệnh nhân sẽ thấy mức nghiêm trọng là 20.000 hoặc ít hơn.
Khoảng 80 – 90% bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ có số lượng tiểu cầu thấp hơn 100.000 - Nguồn ảnh: Canva
III. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Hiện tại Việt Nam chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy biện pháp phòng bệnh chủ động được áp dụng là kiểm soát các công trùng truyền bệnh như muỗi, diệt bọ gậy (còn gọi là lăng quăng), tránh để muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống,... Cha mẹ có thể thực hiện các điều sau đây để bảo vệ sức khỏe của con mình cũng như cả gia đình:
- Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng vào được.
- Thu gom rác, vật dụng phế thải quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ chai, ống bơ, vỏ dừa,...
- Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm cả ban ngày và đêm.
- Tập thói quen cho trẻ mặc quần áo dài tay, đặc biệt là lúc ngủ.
- Sử dụng đúng cách các loại bình xịt muỗi, nhang hương muỗi, kem đuổi côn trùng, vợt điện diệt muỗi,...
Để hạn chế bệnh sốt xuất huyết cha mẹ nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em là từ nhẹ đến trung bình và có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Thay vì lo lắng bố mẹ cần bĩnh tĩnh, tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và báo ngay cho bác sĩ nếu bé cho biểu hiện bất thường.