Nội dung chính
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là căn bệnh thường gặp, xảy ra quanh năm, nhất là vào mùa mưa - thời điểm sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết ở thể nhẹ thì có thể khỏi chỉ sau một tuần. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể trở nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vậy nên việc nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết để xử lý kịp thời, đúng lúc là điều cực kỳ quan trọng. Bài viết dưới đây, Papaya sẽ giúp bạn nắm được các dấu hiệu cũng như cách phòng tránh bệnh lý này nhé.
Sốt xuất huyết truyền nhiễm bởi virus Dengue (Nguồn: Canva)
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Loại virus gây bệnh lý này sẽ truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Aedes aegypti. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, diễn ra quanh năm và thường tăng mạnh vào mùa mưa.
Bệnh có khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh, chưa có thuốc đặc trị cũng như vacxin phòng bệnh. Trong khi đó, nếu không xử lý nhanh chóng bệnh dễ gây dịch lớn, với nguy cơ biến chứng cao, đặc biệt có khả năng tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trong 50 năm qua đã tăng đến 30 lần. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận 50.000 - 100.000 trường hợp với gần 100 trường hợp tử vong. Chính vì vậy bạn cần nắm chắc các dấu hiệu sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân và ngăn chặn tình trạng lây lan rộng rãi.
👉 Có thể bạn chưa biết: Sốt xuất huyết có lây không và 05 thông tin bạn cần biết
2. Triệu chứng sốt xuất huyết khi nào cần chú ý?
Bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nhanh, biểu hiện đa dạng.
Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh sẽ đột ngột khởi phát theo 03 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Các triệu chứng bệnh lý sẽ phụ thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân mà sẽ ở dạng nhẹ hay nặng. Thông thường, biểu hiện sốt xuất huyết nặng thường diễn ra trong khoảng thời gian khi bệnh nhân hết sốt, tức thời điểm chuyển từ giai đoạn sốt sang giai đoạn nguy hiểm.
Chi tiết các triệu chứng của bệnh lý này theo từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt kéo dài từ 4 - 10 ngày và xuất hiện sau thời gian ủ bệnh. Các triệu chứng điển hình sẽ gặp phải gồm có:
- Sốt cao từ 39 - 40 độ, tình trạng sốt liên tục, khó hạ sốt và kéo dài từ 2 - 7 ngày.
- Đau đầu, các cơn đau nhiều ở vùng trán, hai hố mắt sau nhãn cầu.
- Đau cơ, đau khớp.
- Chán ăn, buồn nôn, nôn.
- Có thể bị phát ban, có các chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.
- Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn này thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Lúc này tình trạng bệnh nhân sẽ có những triệu chứng sốt xuất huyết như sau:
Cơ thể xuất hiện các nốt xuất huyết (Nguồn: Canva)
- Sốt đã có dấu hiệu giảm hoặc vẫn còn sốt.
- Đau bụng dữ dội, nhiều và diễn ra liên tục, các cơ đau tăng lên ở khu vực vùng gan.
- Nôn ói liên tục, ít nhất 3 - 4 lần/ 24h.
- Cơ thể lừ đừ, mệt mỏi.
- Biểu hiện thoát huyết tương kéo dài từ 24 - 48 giờ do tăng tính thấm thành mạch.
- Xuất hiện các nốt hoặc chấm xuất huyết rải rác dưới da, thường tập trung nhiều ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong của bụng, tay, đùi, mạng sườn hoặc các mảng bầm tím. Tình trạng xuất huyết còn diễn ra ở niêm mạc khiến người bệnh tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
- Đối với phụ nữ, kinh nguyệt có thể đến sớm hơn kỳ hạn và kéo dài.
- Một số trường hợp nặng có thể xuất hiện những biểu hiện suy tạng như tổn thương tim, gan, phổi, thận, não.
Giai đoạn hồi phục
Bệnh nhân sau khi qua giai đoạn nguy hiểm, cơ thể sẽ tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Tình trạng sốt giảm, tổng thể trạng tốt lên, lấy lại cảm giác thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn và huyết động ổn định.
✍ Xem thêm: Cảnh báo những triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn
3. Những lưu ý khi bị sốt xuất huyết
Hiện nay, điều trị sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, cũng chưa có vacxin. Vậy nên khi phát hiện cơ thể có các biểu hiện của bệnh lý, bạn cần biết cách xử lý kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Theo đó, tùy vào tình trạng, mức độ nặng nhẹ của người bệnh mà sẽ có những phương án khác nhau.
Khi phát hiện bị sốt xuất huyết, cần báo cáo báo cáo và thăm khám ngay tại cơ sở y tế uy tín. Tuân thủ thực hiện nghiêm chỉnh việc cách ly để tránh lây lan hình thành dịch sốt xuất huyết.
Đối với các triệu chứng sốt xuất hiện dạng nhẹ, bạn có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ theo nguyên tắc điều trị các triệu chứng kết hợp nghỉ ngơi, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước.
Đối với những trường hợp có triệu chứng nặng cần phải nhanh chóng cho bệnh nhân nhập viện. Không tự ý điều trị sốt xuất huyết khi cơ thể có những triệu chứng như:
- Cơ thể mệt mỏi, khó chịu dù hết sốt hoặc giảm sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều, liên tục.
- Đau bụng dữ dội.
- Tay chân lạnh.
- Chảy máu miệng, máu mũi hoặc xuất huyết âm đạo.
4. Bị sốt xuất huyết làm gì nhanh khỏi?
Khi bị sốt xuất huyết, ngoài việc thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ, thì để nhanh khỏi thì cần chú ý đến quá trình chăm sóc cho bệnh nhân. Vì người bị sốt xuất huyết thường bị sốt cao nên cần đặc biệt chú ý những điều sau đây:
Chế độ ăn uống cho người bị sốt xuất huyết
- Bệnh nhân cần được bổ sung nước liên tục để tránh tình trạng mất nước.
- Khuyến khích uống nhiều nước oresol, uống nước trái cây có chứa nhiều vitamin.
- Tránh sử dụng các loại nước có ga, nước ngọt, đồ uống có chứa chất kích thích như trà, bia, rượu, cà phê,...
- Giảm bớt các thực phẩm chứa nhiều protein, trứng sẽ tránh tiêu hao năng lượng của thể. Thay vào đó, nên ăn cháo, các thực phẩm dễ tiêu hóa để cơ thể dễ hấp thu.
- Hạn chế dùng thực phẩm có màu nâu, đỏ, đen sẽ khiến phân tối màu, gây khó khăn trong việc phát hiện xuất huyết tiêu hóa.
➡ Sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng gì để mau khỏi?
Chăm sóc bệnh nhân khi bị sốt
Khi bệnh nhân bị sốt nên mặc quần áo mỏng mát, rộng rãi, nằm ở nơi thông thoáng. Sử dụng khăn ấm để chườm cho cơ thể để bệnh nhân được nghỉ ngơi thoải mái nhất. bạn cần chú ý khi sử dụng thuốc hạ sốt, tìm hiểu rõ nguyên nhân trước khi dùng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
5. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Phòng tránh bị muỗi đốt để không bị sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra khi trong cơ thể người bệnh nhiễm một trong 4 chủng virus Dengue. Nguồn lây nhiễm trung gian đến từ hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus (chủ yếu là do Aedes aegypti). Vậy nên, cách tốt nhất là bạn cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh bị muỗi đốt, cụ thể như sau:
- Thường xuyên đạp nắp kín bể, chum, thau rửa, các vật dụng chứa nước.
- Thả cá để giúp diệt bỏ lăng quăng, bọ gậy.
- Phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ nơi ở.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà ở, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng đến.
- Thay nước trong bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào trong bát nước kê chân chạn.
- Để phòng chống sốt xuất huyết ở trẻ em, không nên cho trẻ hoạt động ở các nơi có môi trường ẩm thấp, tối tăm, ao tù đọng nước tránh muỗi đốt.
- Khi ngủ nên buông màn cả ngày lẫn đêm.
- Sử dụng bình xịt, vợt điện, hương đuổi muỗi.
Tạm kết
Như vậy, triệu chứng sốt xuất huyết đặc trưng gồm sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Để tránh bị nhiễm bệnh, bạn hãy nâng cao ý thức phòng tránh, thực hiện các nguyên tắc tránh muỗi đốt và hạn chế tình trạng muỗi sinh sản. Hy vọng với những thông tin Papaya tổng hợp trên đây, đã giúp bạn có thêm những kiến thức mới về bệnh lý truyền nhiễm này.