Quay lạiQuay lại

Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng nổi mụn nước ở tay?

28/2/2023

Share

Nội dung chính

Hiện tượng nổi mụn nước ở tay là gì?
Những nguyên nhân có thể gây nổi mụn nước ở tay
Viêm da cơ địa
Viêm da tiếp xúc
Thủy đậu
Bệnh tay - chân - miệng
Một số nguyên nhân khác
Biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm nổi mụn nước ở tay
Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ
Rửa tay bằng nước muối dịu nhẹ hoặc nước ấm
Hạn chế gãi, chạm tay lên nốt mụn nước
Cân bằng chế độ ăn uống, củng cố hệ miễn dịch
Cách phòng ngừa nổi mụn nước ở tay

Nổi mụn nước ở tay là vấn đề ngoài da có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng này thường gây nên cảm giác khó chịu, phiền toái và là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Papaya tìm hiểu những nguyên nhân gây nổi mụn nước ở tay và một số biện pháp chăm sóc, phòng ngừa tình trạng này các bạn nhé!

Hiện tượng nổi mụn nước ở tay là gì?

Nổi mụn nước ở tay là triệu chứng ngoài da biểu hiện bằng các nốt mụn phồng rộp, bên trong chứa đầy dịch lỏng trong suốt hoặc đục. Các nốt mụn nước này được hình thành từ lớp trung bình hoặc thượng bình của da. Khi bị vỡ, chúng thường gây cảm giác đau, rát, ngứa ngáy, khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh sang các vùng da khác. 

Nổi mụn nước ở tay không phải là triệu chứng hiếm gặp. Do đó, rất nhiều người chủ quan trước hiện tượng này. Tuy nhiên, mụn nước có thể là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh lý khác nhau mà nếu không điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng.

Mụn nước ở tay thường gây ngứa ngáy, khó chịu (Nguồn: Canva)

Mụn nước ở tay thường gây ngứa ngáy, khó chịu (Nguồn: Canva)

Những nguyên nhân có thể gây nổi mụn nước ở tay

Triệu chứng nổi mụn nước ở tay có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa (còn gọi là bệnh chàm) là tình trạng viêm da mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh có thể khởi khát từ khi còn nhỏ, sau đó tiến triển qua nhiều giai đoạn và kéo dài dai dẳng đến khi trưởng thành. Bệnh có các triệu chứng như: nổi ban da đỏ, ngứa, nổi mụn nước,... Tùy vào từng tình trạng bệnh mà lượng mụn nước có thể nhiều hoặc ít. Khi người bệnh gãi, các mụn nước này vỡ ra và khô dần tạo thành các mảng vảy gây mất thẩm mỹ.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tình trạng bệnh lý xảy ra do phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể khi tiếp xúc với yếu tố chứa tác nhân gây kích ứng như: hóa chất, mỹ phẩm, phấn hoa, sơn móng tay, kim loại... Biểu hiện ngoài da của viêm da tiếp xúc gồm: nổi mụn nước to hoặc nhỏ, ngứa ngáy, có cảm giác bỏng rát, thậm chí là phù nề. Nếu bạn có một cơ địa mẫn cảm, hãy cẩn trọng khi thấy xuất hiện mụn nước ở tay, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh lý viêm da tiếp xúc.

Thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm tương đối phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng. Biểu hiện đặc trưng của bệnh thủy đậu chính là sự xuất hiện của các nốt mụn nước trên da. Người mắc thủy đậu có thể có vài chục cho đến vài trăm mụn nước nằm rải rác khắp cơ thể. Chất lỏng bên trong các nốt mụn này chứa mầm bệnh có khả năng lây lan. Mặt khác, một khi bị vỡ, chúng thường tạo thành các vết thương hở rất dễ bị nhiễm trùng và để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

Bệnh tay - chân - miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở đối tượng trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh phát triển qua nhiều giai đoạn với các biểu hiện khác nhau, thường sau 1 - 2 ngày phát bệnh trên lòng bàn tay, bàn chân của trẻ sẽ xuất hiện các nốt mụn nước có đường kính từ 2 - 3 mm. Khi chúng vỡ ra tạo thành các vết loét đây đau rát khiến trẻ quấy khóc, khó chịu trong suốt thời gian mắc bệnh. Đây là bệnh dễ lây lan, do đó các bậc phụ huynh nên cẩn trọng nếu thấy con mình có nổi mụn nước ở tay. Lúc này bạn hãy đi thăm khám và điều trị kịp thời cho trẻ.

Mụn nước ở tay có thể gặp trong bệnh tay chân miệng (Nguồn: Canva)

Mụn nước ở tay có thể gặp trong bệnh tay chân miệng (Nguồn: Canva)

Một số nguyên nhân khác

Ngoài những bệnh lý kể trên, mụn nước ở tay còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác như:

  • Bị bỏng
  • Ghẻ nước
  • Nhiễm virus Herpes
  • Bệnh bóng nước tự miễn

Tuy nhiên, đây là những nguyên nhân hiếm gặp hơn và có đi kèm các biểu hiện khác giúp người bệnh dễ phân biệt.

Biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm nổi mụn nước ở tay

Để điều trị giảm nhẹ tình trạng nổi mụn nước tại nhà, bạn có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc như sau:

Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ

Thông thường, người bệnh sẽ được kê thuốc bôi trực tiếp lên các vết thương hoặc kháng sinh dạng uống trong trường hợp có nguy cơ bị nhiễm trùng. Tốt hơn hết bạn hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.

Rửa tay bằng nước muối dịu nhẹ hoặc nước ấm

Nước muối loãng có tác dụng sát khuẩn tốt, hạn chế nhiễm trùng khi các nốt mụn nước vỡ ra. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước ấm giúp làm dịu cảm giác đau, rát, ngứa ngáy trên da cho người bệnh.

Hạn chế gãi, chạm tay lên nốt mụn nước

Khi gãi, các nốt mụn nước có xu hướng vỡ ra và lây lan sang các vùng da khác. Bên cạnh đó, tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn, nếu thường xuyên chạm tay lên các vết thương này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Cân bằng chế độ ăn uống, củng cố hệ miễn dịch

Một hệ miễn dịch tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng đẩy lùi các tác nhân gây bệnh, từ đó cải thiện tình trạng nổi mụn nước trên da. Để đạt được điều này, bạn nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng của mình. Đừng quên bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cách phòng ngừa nổi mụn nước ở tay

Bạn có thể áp dụng những cách sau để phòng ngừa tình trạng nổi mụn nước ở tay:

  • Dùng găng tay bảo hộ khi phải tiếp xúc với các tác nhân dễ gây kích ứng như: hóa chất, kim loại, chất tẩy rửa hoặc làm việc trong môi trường độc hại. 
  • Thường xuyên rửa tay bằng nước muối loãng để hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn trên da.
  • Lưu ý kiểm tra nguồn nước, đảm bảo chất lượng nước sạch, không có dư lượng hóa chất gây kích ứng da.
  • Tăng độ ẩm cho da bằng những sản phẩm cấp ẩm phù hợp.  
  • Tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... vì các tác nhân này dễ gây tích tụ chất độc trong cơ thể và phát ra ngoài bằng những biểu hiện trên da. 
Sử dụng găng tay bảo hộ để tránh các tác nhân gây kích ứng cho da (Nguồn: Canva)

Sử dụng găng tay bảo hộ để tránh các tác nhân gây kích ứng cho da (Nguồn: Canva)

Trên đây là một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng nổi mụn nước ở tay mà Papaya muốn chia sẻ đến quý bạn đọc. Tuy không phải biểu hiện cấp tính nguy hiểm, nhưng mụn nước có thể là triệu chứng cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau. Tốt hơn hết, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan