Nội dung chính
Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý thai sản luôn tìm ẩn những rủi ro và nó có thể gây ra một số biến chứng cho mẹ và bé. Vậy mẹ tiểu đường thai kỳ con nặng cân có nguy hiểm không? Làm sao để phát hiện bệnh? Cách điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ trả lời những thắc mắc trên cũng như giúp các mẹ có thêm những thông tin hữu ích về tiểu đường khi mang thai.
Tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề - Nguồn ảnh: Canva
I. Tiểu đường thai kỳ
Theo định nghĩa của WHO, tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường (glucose) trong cơ thể mẹ bầu và được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Hiện tượng này thường không xuất hiện triệu chứng nên rất khó phát hiện và có thể biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh em bé.
Thông thường, tụy tạng có nhiệm vụ sản xuất insulin để điều hoà đường huyết trong cơ thể. Tuy nhiên, khi mang thai, các hormone của nhau thai tạo ra nhiều tiết tố khiến cho quá trình sản sinh insulin bị rối loạn. Do đó, không thể sản xuất đủ lượng insulin gây ra tiểu đường thai kỳ.
Theo NHS - Dịch vụ y tế quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Anh - cho biết rằng những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ như:
- Phụ nữ mang thai ở tuổi trên 30.
- Mẹ bầu có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Châu Á là chủng tộc có khả năng mắc tiểu đường thai kỳ cao.
- Thai phụ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước đó.
- Thai phụ có tiền sử bị mắc các bệnh sản khoa như: thai lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tiếp, sinh non hoặc thai bị dị tật. Ngoài ra, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao.
II. Mẹ tiểu đường thai kỳ con nặng cân có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ sẽ rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát - Nguồn ảnh: Canva
Mẹ tiểu đường thai kỳ con nặng cân là vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm tới khi không may mắc phải tiểu đường thai kỳ. Đây được xem là một trong những biến chứng gây ảnh hưởng không chỉ tới sức khoẻ của mẹ mà còn của thai nhi.
Bởi con nặng cân do mẹ bị tiểu đường thai kỳ là một trong những yếu tố dẫn đến chỉ định sinh mổ cho mẹ bầu vì trọng lượng bé quá lớn không thể sinh thường qua ngả âm đạo.
Đồng thời, thai nhi có thể gặp những nguy cơ rủi ro về sức khoẻ như:
- Thai nhi bị chết lưu trong bụng mẹ hoặc ngay khi mới sinh.
- Em bé bị tăng huyết áp
- Trẻ nhỏ có trọng lượng quá lớn vì nhận quá nhiều glucose từ cơ thể mẹ dẫn tới khả năng sinh mổ rất cao.
- Sau khi chào đời, em bé có thể gặp những vấn đề về sức khỏe như hô hấp, bị vàng da và thậm chí có thể bị tiểu đường sau sinh.
Chính vì thế, các mẹ không được chủ quan mà hãy khám thai định kỳ nhằm theo dõi đường huyết và mức tăng cân nặng để bảo vệ sức khỏe cho cả hai mẹ con.
III. Làm sao để phát hiện tiểu đường thai kỳ?
Những phụ nữ mang thai có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao thì cần được xét nghiệm hay còn gọi là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.
Đây là phương pháp mà các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ và được thực hiện giữa tuần thai thứ 24 và tuần thứ 28.
Các bước tiến hành thực hiện xét nghiệm với máu tĩnh mạch như sau:
- Lần đầu: Khi mẹ bầu đến khám lần đầu tiên vào 3 tháng đầu, bác sĩ sẽ xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói hoặc glucose huyết tương bất kỳ. Sau đó chẩn đoán tình trạng bệnh tiểu đường thai kỳ dựa trên khối lượng đường có trong máu.
- Lần khám sau đó: Khi thai kỳ bước vào tuần thứ 24 - 28, bác sĩ sẽ tư vấn những thông tin liên quan tới tiểu đường thai kỳ, tầm kiểm soát bệnh và hướng dẫn chế độ ăn hợp lý. Song song đó là ghi chú thời gian tái khám để kiểm tra lại lượng glucose huyết tương.
Các mẹ nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán một cách chính xác nhất và được tư vấn để an tâm hơn về vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé.
IV. Cách điều trị tiểu đường thai kỳ
Một vài cách điều trị tiểu đường thai kỳ - Nguồn ảnh: Canva
Ngoài việc tiểu đường thai kỳ khiến con nặng cân, các mẹ cũng cần được kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và thai nhi. Để làm được điều này, các mẹ cần thực hiện một số thay đổi như:
1. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học
Chế độ ăn mỗi ngày cần phải đáp ứng được 2 yêu cầu là duy trì lượng đường và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp, tránh tăng cân quá mức bởi nó có thể gây ra tiểu đường thai kỳ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống, các mẹ có thể bổ sung theo tỷ lệ như sau:
- 10% - 20% lượng calo đến từ các thực phẩm giàu protein.
- Ít hơn 10% calo đến từ những chất béo bão hoà.
- Ăn ít hơn 30% lượng calo đến từ những thực phẩm chứa chất béo chưa bão hoà.
- 40% còn lại là nên đến từ carbohydrate.
2. Tập thể dục thể thao đều đặn
Trong trường hợp sức khoẻ của mẹ và bé đều ổn định, bác sĩ luôn khuyến nghị các mẹ tập thể dục nhằm giúp cơ thể có thể sản sinh và sử dụng insulin hiệu quả hơn. Hoạt động này giúp các mẹ sẽ kiểm soát được lượng đường trong máu mỗi ngày tốt hơn.
Hãy cố gắng tập từ 15 đến 20 phút vào hầu hết những ngày trong tuần. Các mẹ có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng, đi bơi, tập yoga... hoặc nếu chưa rõ thì có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có một chế độ tập lành mạnh và phù hợp.
3. Kiểm soát lượng đường trong máu
Nếu chẳng may mắc phải tiểu đường thai kỳ, các mẹ sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu, trước và sau khi ăn từ 1 - 2 giờ. Việc này nhằm đánh giá được kết quả điều trị và xem có thể đáp ứng tốt phương pháp hiện thời hay không.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kê cho các mẹ những toa thuốc nhằm kiểm soát lượng đường huyết trong thai kỳ và bảo vệ thai nhi. Tiêm insulin cũng là phương pháp được cân nhắc sử dụng trong trường hợp này.
✨ Có thể bạn cũng quan tâm đến vấn đề sau: Phòng tránh tiểu đường thai kỳ: Những điều mẹ bầu cần biết
Mẹ tiểu đường thai kỳ khiến con nặng cân nên được lưu tâm một cách cẩn thận để có thể đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Hy vọng nội dung bài viết trên đã giúp các mẹ hiểu hơn về vấn đề tiểu đường thai kỳ. Và có một hành trình chào đón bé con thuận lợi đến với thế giới này.