Quay lạiQuay lại

Hướng dẫn cách tính bảo hiểm thai sản cho lao động nữ

21/10/2022

Share

Nội dung chính

1. Chế độ bảo hiểm thai sản
2. Cách tính bảo hiểm thai sản
Tiền trợ cấp nghỉ khám thai
Tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Tiền trợ cấp trong thời gian sinh con
Tiền trợ cấp dưỡng sức sau sinh
3. Cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản
Kết luận

Quyền lợi bảo hiểm thai sản là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong thời gian sinh nở, đặc biệt là đối với người lao động nữ. Trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động nữ không chỉ nhận được tiền lương do người sử dụng lao động trả, mà còn được hưởng chế độ thai sản theo bảo hiểm xã hội. Vậy cách tính bảo hiểm thai sản như thế nào? Theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin về cách tính tiền thai sản khi sinh con.

Chế độ thai sản là quyền lợi mà người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng.

Chế độ thai sản là quyền lợi mà người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng.

1. Chế độ bảo hiểm thai sản

Bảo hiểm thai sản là loại hình bảo hiểm dành cho phụ nữ có kế hoạch mang thai. Người tham gia bảo hiểm sẽ được chi trả các chi phí chăm sóc sản khoa bao gồm chi phí khám thai, chi phí sinh thường hoặc sinh mổ, cũng như các chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp xảy ra các biến chứng thai sản. Khi người lao động cũng như thực hiện đúng quy định về thời gian đóng BHXH bắt buộc thì đủ điều kiện để nhận chế độ thai sản.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng phải đợi đến khi sinh con mới được áp dụng hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất thì thời gian hưởng chế độ thai sản sẽ được tính từ ngày đầu tiên bạn phát hiện mình có thai.

Trong thời gian mang thai người mẹ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa hoặc người mang thai có tình trạng sức khỏe không đảm bảo thì được nghỉ  02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Trong trường hợp xảy ra các biến chứng thai kỳ như hư thai, nạo/hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bắt buộc theo chỉ định của bác sĩ thì thai phụ sẽ được hưởng các chế độ đặc biệt như sau:

  • Nghỉ phép 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
  • Nghỉ phép 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
  • Nghỉ phép 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
  • Nghỉ phép 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ phép được hưởng chế độ thai sản tính cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

2. Cách tính bảo hiểm thai sản

Cách tính bảo hiểm thai sản sẽ được căn cứ theo từng trường hợp cụ thể.

Cách tính bảo hiểm thai sản sẽ được căn cứ theo từng trường hợp cụ thể.

Tiền trợ cấp nghỉ khám thai

Theo khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014, cách tính bảo hiểm thai sản những ngày nghỉ đi khám thai được áp dụng theo công thức sau:

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai / 24 ngày)

Nếu lao động nữ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản sẽ là mức bình quân tiền lương tháng các tháng đã đóng BHXH.

Tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi của người lao động.

Trường hợp chỉ có người chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở của tháng sinh con cho mỗi con.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng. Áp dụng cách tính bảo hiểm thai sản thì mức trợ cấp một lần khi sinh con sẽ là 1.490.000 đồng x 02 = 2.980.000 đồng.

Tiền trợ cấp trong thời gian sinh con

Thời gian lao động nữ được nghỉ việc hưởng bảo hiểm thai sản là 6 tháng trước và sau khi sinh con. Trường hợp sinh đôi trở lên, kể từ con thứ hai trở lên thì cứ mỗi con, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.

Theo khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014 như sau, mức hưởng hàng tháng trong thời gian sinh con là 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ thai sản.

Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng sẽ là mức bình quân tiền lương tháng các tháng đã đóng BHXH.

Ví dụ:

Chị D tham gia BHXH với mức đóng từng tháng như sau:

  • Từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021, mức lương đóng BHXH là 06 triệu đồng/tháng;
  • Từ tháng 01/2022 đến tháng 03/2022, mức lương đóng BHXH là 07 triệu đồng/tháng.
  • Tháng 04/2022, chị bắt đầu nghỉ thai sản.

Như vậy, 06 tháng trước khi nghỉ sinh con, chị có mức lương bình quân tháng đóng BHXH là 6,5 triệu đồng. Đây cũng chính là mức hưởng chế độ thai sản hàng tháng mà chị sẽ được nhận.

Chị D nghỉ thai sản trong vòng 06 tháng. Áp dụng cách tính bảo hiểm thai sản, chị D sẽ được nhận số tiền trợ cấp là 6,5 triệu đồng/tháng x 6 = 39 triệu đồng.

Tiền trợ cấp dưỡng sức sau sinh

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 41 của Luật BHXH 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sau thời gian thời gian hưởng chế độ thai sản, nếu sức khoẻ chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức để phục hồi sức khoẻ. Thời gian cụ thể như sau:

  • Lao động nữ sinh con một lần từ hai con trở lên được nghỉ tối đa 10 ngày;
  • Lao động nữ sinh mổ được nghỉ tối đa 07 ngày;
  • Các trường hợp khác được nghỉ tối đa 05 ngày.

(Thời gian nghỉ bao gồm các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hàng tuần)

Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng tiền trợ cấp với mức mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở. Như vậy, cách tính bảo hiểm thai sản dưỡng sức sau sinh sẽ là 1,490,000 đồng/tháng x 30% = 447,000 đồng/ngày.

3. Cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản

Truy cập cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam là cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản phổ biến nhất mà người lao động có thể sử dụng.

Truy cập cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam là cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản phổ biến nhất mà người lao động có thể sử dụng.

Đối với hồ sơ bảo hiểm thai sản đã được cơ quan BHXH giải quyết, bạn có thể tra cứu tiền bảo hiểm thai sản của mình thông qua ứng dụng VssID (bạn đã tạo tài khoản dựa trên thông tin cá nhân đã cung cấp khi tham gia bảo hiểm xã hội). Sau đó, trong phần “QUẢN LÝ CÁ NHÂN", bạn hãy truy cập mục “THÔNG TIN HƯỞNG" và chọn “ODTS” (thông tin hưởng ốm đau thai sản). Trong mục này sẽ sẽ hiển thị cụ thể số tiền trợ cấp thai sản mà bạn sẽ nhận được.

Đối với hồ sơ bảo hiểm thai sản chưa được cơ quan BHXH tiếp nhận và xử lý, để biết trước số tiền trợ cấp thai sản mình sẽ được nhận, bạn có thể thực hiện một trong ba cách sau:

  • Tra cứu thời gian tham gia và mức lương đóng bảo hiểm theo từng tháng bằng ứng dụng VssID (người dùng đăng ký tài khoản);
  • Tra cứu thời gian tham gia BHXH tại Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
  • Tra cứu thời gian tham gia BHXH qua tin nhắn điện thoại theo cú pháp:
    BH <dấu cách> QT <dấu cách> Mã số BHXH gửi 8079 (cước phí là 1.000 đồng/tin nhắn).

Sau khi biết thời điểm tham gia BHXH, bạn có thể áp dụng cách tính bảo hiểm thai sản để tính mức hưởng trợ cấp thai sản mình có thể nhận.

Kết luận

Có thể nói chế độ thai sản là vấn đề được rất nhiều lao động nữ quan tâm. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi được nhận, chị em nên nắm rõ các thông tin, quy định của BHXH. Hy vọng với những thông tin về cách tính bảo hiểm thai sản sẽ giúp giải quyết một số thắc mắc mà lao động nữ gặp phải với chế độ thai sản.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan