Nội dung chính
Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế (IADPSG), cứ 7 phụ nữ mang thai thì sẽ có 1 người bị tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cách tầm soát bệnh hiệu quả nhất. Do đó, đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chuẩn xác là điều rất quan trọng trong việc phát hiện và phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ. Dưới đây là một số loại xét nghiệm tiểu đường thông dụng hiện nay và cách đọc chỉ số của từng loại xét nghiệm.
1. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì?
Mẹ bầu được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24 - 28 để sàng lọc các nguy cơ gây hại cho mẹ và thai nhi.
Tiểu đường thai kỳ (còn được gọi là đái tháo đường thai kỳ) là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và có thể khởi phát trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện và thường biến mất trong vòng 6 tuần sau khi sinh. (Theo tổ chức y tế thế giới WHO)
Để tầm soát tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định việc xét nghiệm đường huyết vào tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm sớm hơn nếu thai phụ thuộc nhóm nguy cơ, ví dụ như béo phì, trên 35 tuổi, lần mang thai trước mắc bệnh này hoặc có thành viên trong gia đình mắc bệnh, mẹ bầu có thể tham khảo chi tiết thời gian nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại đây. Nếu kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có chỉ số đường huyết cao hơn tiêu chuẩn có nghĩa là mẹ đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Xem thêm: Lưu ý khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ mẹ bầu cần biết
2. Đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?
Để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ.
Hiện tại có hai phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ phổ biến. Mỗi phương pháp sẽ có cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ khác nhau.
Phương pháp xét nghiệm hai bước
Trong lần xét nghiệm đầu tiên, thai phụ được uống dung dịch chứa 50g glucose vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và bất kỳ lúc nào sau khi ăn. Tiếp theo bác sĩ sẽ lấy mẫu máu tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống glucose.
- Nếu chỉ số đường huyết <140mg/dl thì được xem là bình thường.
- Nếu chỉ số đường huyết ≥140mg/dL (7,8 mmol/L) thì mẹ bầu bắt buộc đợi thực hiện phương pháp dung nạp glucose bằng đường uống vào tuần 24 - 28 của thai kỳ để có chẩn đoán chính xác.
Trong lần xét nghiệm thứ hai, sản phụ sẽ lấy máu tĩnh mạch bốn lần: lúc đói, tại thời điểm 1 giờ 2 giờ và 3 giờ sau khi uống dung dịch chứa 100g glucose. Bên cạnh việc nhịn ăn hoàn toàn trong vòng 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm, thai phụ cần tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,…hoặc thức khuya để có kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chính xác nhất.
Sau đây là kết quả tiểu đường thai kỳ được xem là bất thường sau khi uống dung dịch nước đường chứa 100g glucose:
- Chỉ số đường huyết lúc đói > 90 mg/dL (5.1 mmol/L)
- Chỉ số đường huyết sau 1 tiếng > 180 mg/dL (10.0 mmol)
- Chỉ số đường huyết sau 2 tiếng >153mg/dl (8.5mmol/L)
- Chỉ số đường huyết sau 3 tiếng >140mg/dl (7.8mmol/L)
Thai phụ có sức khoẻ bình thường nếu 4 chỉ số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên. Nếu một trong các chỉ số trên vượt quá ngưỡng cho phép, thai phụ được coi là mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và cần được thăm khám để điều trị và theo dõi.
Phương pháp xét nghiệm một bước
Thời điểm tốt nhất để thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose là vào sáng sớm khi bụng đói. Sau khi lấy mẫu máu để kiểm tra đường huyết lúc đói, thai phụ sẽ được uống dung dịch chứa 75g glucose. Việc định lượng chỉ số đường huyết sẽ được thực hiện tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống dung dịch glucose.
Sau đây là kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được xem là bất thường sau khi uống dung dịch nước đường chứa 75g glucose:
- Chỉ số đường huyết lúc đói > 90 mg/dl (5.1 mmol/l) )
- Chỉ số đường huyết lúc đói sau 1 tiếng > 180 mg/ dl ( 10.0 mmol/l)
- Chỉ số đường huyết lúc đói sau 1 tiếng > 153 mg/dl (8.5 mmol/l)
Nếu thai phụ có 3 chỉ số kết quả tiểu đường thai kỳ đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên thì được cho là có sức khoẻ bình thường. Ngược lại, nếu có một trong ba chỉ số trên lớn hơn mức cho phép, thì sản phụ được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ và cần được theo dõi và điều trị kịp thời để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn.
3. Cách theo dõi chỉ số đường huyết trong thai kỳ
Biết cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ giúp mẹ bầu quản lý và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và tìm hiểu cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, đặc biệt nếu thuộc một số nhóm nguy cơ cao như:
- Mang thai khi lớn hơn 40 tuổi.
- Bị béo phì (BMI > 25)
- Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Tiền sử sinh con nặng ký (≥4000g).
- Người trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Mẹ bầu có thể tự thực hiện việc đo đường huyết và theo dõi kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng máy đo đường huyết tại nhà. Tùy từng trường hợp mà thời gian đo đường huyết của mỗi người có thể khác nhau đôi chút. Thông thường, mẹ bầu nên thử đường huyết khi bụng đói (trước bữa ăn), sau bữa ăn 1-2 giờ, trước khi đi ngủ và bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu hạ đường huyết.
Việc theo dõi kết quả tiểu đường thai kỳ thường xuyên giúp mẹ bầu có thể tự điều chỉnh được chế độ chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng như thực hiện các bài tập vận động hợp lý để kiểm soát lượng đường huyết luôn ở mức ổn định. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên thăm khám thường xuyên để được tư vấn và có phương pháp điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với mẹ và bé.
Kết luận
Đái tháo đường thai kỳ là một thể bệnh đái tháo đường khởi phát trong khi có thai và sẽ tự khỏi sau khi sinh. Chính vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên nắm rõ cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và hiểu được ý nghĩa của các chỉ số đường huyết. Từ đó mẹ có thể lên kế hoạch kiểm soát lượng đường huyết luôn mức ổn định, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và sinh con khoẻ mạnh.
Tham khảo thêm: Tiểu đường thai kỳ biểu hiện như thế nào?