Nội dung chính
Trợ cấp thai sản là sự hỗ trợ từ chính phủ cho người lao động trong thời gian trước và sau khi sinh con. Người lao động cần hiểu rõ điều kiện hưởng trợ chế độ thai sản 2023 để không mất quyền lợi. Các quy định về hưởng trợ cấp thai sản hiện nay như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây!
Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản năm 2023 như thế nào? (Nguồn: Canva)
1. Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 31 quy định về chế độ bảo hiểm thai sản, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội và nằm trong những trường hợp sau sẽ được hưởng chế độ thai sản 2023:
- Nữ lao động trong thời kì mang thai;
- Nữ lao động sinh con;
- Nữ lao động thực hiện mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động không sinh con nhưng nhận con nuôi dưới 6 tháng;
- Nữ lao động áp dụng biện pháp tránh thai như triệt sản, đặt vòng;
- Nam lao động đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải thỏa mãn các điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm như sau:
- Người lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên và liên tục trong 12 tháng để được hưởng chế độ bảo hiểm khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
- Nếu người lao động nữ được bác sĩ chỉ định nghỉ việc để dưỡng thai, họ phải đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng trở lên và đóng đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
- Để được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản này, người lao động phải thỏa mãn tất cả các điều kiện trên, ngay cả khi hợp đồng lao động đã kết thúc trước thời hạn sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi.
Những điều kiện nào mà người lao động nam phải đáp ứng để hưởng trợ cấp bảo hiểm thai sản?
- Để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thai sản, cha cần phải đóng bảo hiểm xã hội từ ít nhất 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
- Trong trường hợp người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ, họ cũng cần đóng bảo hiểm xã hội từ ít nhất 6 tháng trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
Xem thêm: Chế độ bảo hiểm thai sản: Quyền lợi cần biết khi sinh con
2. Thời gian hưởng chế độ nghỉ thai sản
Thời gian hưởng chế độ nghỉ thai sản được quy định như thế nào? (Nguồn: Canva)
2.1 Đối với lao động nữ
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tại điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37: mỗi giai đoạn thai kỳ của lao động nữ sẽ có số ngày nghỉ khác nhau. Chi tiết như sau:
Thời gian nghỉ để khám thai
- Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ có quyền nghỉ phép để đi khám thai trong suốt thai kỳ, với số lần là 5 và mỗi lần là 1 ngày. Trong trường hợp thai phụ bị bệnh hoặc thai nhi không bình thường, hoặc cơ sở y tế quá xa, lao động nữ sẽ được nghỉ 2 ngày mỗi lần khám thai.
- Nghỉ phép để khám thai không bao gồm ngày nghỉ hàng tuần hoặc lễ, Tết.
Thời gian nghỉ khi thai chết lưu, sẩy thai, nạo/hút thai hoặc phá thai bệnh lý
Trong trường hợp thai chết lưu, sẩy thai, nạo/hút thai hoặc phá thai bệnh lý có chỉ định của bác sĩ hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền, lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ phép bảo hiểm thai sản như sau:
- 10 ngày nghỉ trong trường hợp thai dưới 5 tuần
- 20 ngày nghỉ trong trường hợp thai từ 5 đến 13 tuần
- 40 ngày nghỉ trong trường hợp thai từ 13 đến 25 tuần
- 50 ngày nghỉ trong trường hợp thai từ 25 tuần trở lên.
Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm thai sản đã bao gồm cả ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ Tết.
Thời gian nghỉ khi sinh con
- Theo luật bảo hiểm thai sản, lao động nữ được nghỉ 6 tháng sau khi sinh con.
- Nếu sinh đôi hoặc nhiều con, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 1 tháng cho mỗi con từ con thứ 2 trở đi.
Lưu ý quan trọng:
- Nếu em bé dưới 2 tháng tuổi chết, mẹ sẽ nhận được 4 tháng nghỉ việc tính từ ngày sinh.
- Nếu em bé từ 2 tháng tuổi trở lên chết, mẹ sẽ nhận được 2 tháng nghỉ việc tính từ ngày em bé chết. Thời gian nghỉ việc này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.
- Nếu mẹ chết sau khi sinh em bé, người nuôi dưỡng em bé trực tiếp sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận nuôi em bé dưới 6 tháng tuổi, người lao động vẫn có quyền nghỉ việc và hưởng chế độ cho đến khi em bé đạt đủ 6 tháng tuổi. Nếu vợ và chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội và đạt đủ điều kiện hưởng thì chỉ có 1 người được nghỉ việc và hưởng chế độ theo quy định.
Thời gian nghỉ khi thực hiện các biện pháp phòng tránh thai
- Đặt vòng tránh thai sẽ được nghỉ 7 ngày
- Triệt sản sẽ được nghỉ 15 ngày
2.2 Đối với lao động nam
Thời gian nghỉ khi triệt sản
Nam lao động có thể nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ và cơ sở y tế khi thực hiện triệt sản. Thời gian nghỉ tối đa là 15 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và Tết.
Thời gian nghỉ khi vợ sinh con
Theo quy định của Điều 25 và Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu vợ sinh con, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội có quyền hưởng chế độ thai sản 2023 với thời gian nghỉ tương ứng:
- Chồng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh bình thường
- Chồng được nghỉ 7 ngày khi vợ sinh con dưới 32 tuần hoặc phải phẫu thuật
- Chồng được nghỉ 10 ngày khi vợ sinh đôi. Từ sinh ba trở lên, mỗi con thêm chồng được nghỉ 3 ngày thêm
- Chồng được nghỉ 14 ngày khi vợ sinh từ 2 con trở lên theo phương pháp phẫu thuật
Thời gian nghỉ việc không bao gồm ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ Tết.
3. Mức nhận trợ cấp khi có bảo hiểm thai sản
Mức nhận trợ cấp khi có bảo hiểm thai sản là bao nhiêu? (Nguồn: Canva)
Căn cứ theo Thông tư sửa đổi của BLĐTBXH số 06/2021, mức trợ cấp bảo hiểm thai sản được tính dựa trên công thức quy định trong Khoản 3 Điều 9 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
3.1. Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con
Những người có quyền hưởng trợ cấp thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 Điều 38, bao gồm những người đang sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi, sẽ được tính tiền trợ cấp theo công thức quy định như sau:
Mức trợ cấp 1 lần/con = 2 x mức lương cơ sở
Ví dụ: Nếu mức lương cơ sở là 1,49 triệu/tháng, trợ cấp 1 lần khi sinh con sẽ là 2 x 1,49 triệu = 2,98 triệu.
Chú ý: Khi vợ sinh con, các lao động nam thuộc các trường hợp sau sẽ được nhận trợ cấp 1 lần:
- Chỉ có cha tham gia Bảo hiểm xã hội: Phải đóng tiền bảo hiểm từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
- Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ: Phải đóng bảo hiểm tối thiểu 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng tính từ lúc nhận con.
- Nếu người mẹ đã tham gia bảo hiểm nhưng không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con, người cha sẽ phải đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
3.2. Tiền chế độ thai sản
Chế độ trợ cấp thai sản cho nữ lao động khi sinh con:
Mức trợ cấp thai sản khi nữ lao động sinh con = 100% số tiền lương trung bình hàng tháng của 6 tháng đóng Bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ x 6 tháng.
Chú ý: Nếu chưa đóng tối thiểu 6 tháng, mức hưởng bảo hiểm thai sản sẽ được tính dựa trên mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng.
3.3. Tiền trợ cấp trong những trường hợp khác
Mức hưởng = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ / 24 x số ngày nghỉ.
Hiểu rõ các thông tin về điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản sẽ giúp cha mẹ có thể yên tâm hơn trong quá trình chào đón thành viên mới của gia đình. Ngoài BHXH, các bậc cha mẹ còn có thể tham gia vào các loại hình bảo hiểm khác như gói bảo hiểm thai sản (nếu có điều kiện) để được chăm sóc và hỗ trợ tốt hơn. Bảo hiểm chính là người bạn đồng hành quý giá với mỗi chúng ta trong mọi thời điểm!
Tham khảo thêm: Mẹ bầu nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản không?