Quay lạiQuay lại

Bệnh truyền nhiễm là gì? Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp

26/1/2023

Share

Nội dung chính

1. Bệnh truyền nhiễm là gì? 
2. Phân loại các bệnh truyền nhiễm
Dựa vào đường lây nhiễm
Dựa vào mức độ nguy hiểm
3. Những đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm
4. Danh mục các bệnh truyền nhiễm thường gặp
Bệnh truyền nhiễm nhóm A
Bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bệnh truyền nhiễm nhóm C
5. Cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ
Giữ vệ sinh cơ thể
Giữ vệ sinh môi trường sống

Bệnh truyền nhiễm là nhóm bệnh phổ biến, có khả năng lây lan rộng trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau. Việc hiểu rõ về đặc điểm của bệnh truyền nhiễm sẽ giúp bạn có phương pháp phòng bệnh phù hợp, đúng cách, từ đó bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những mối nguy hại do bệnh truyền nhiễm gây ra.

1. Bệnh truyền nhiễm là gì? 

Bệnh truyền nhiễm được hiểu là những rối loạn gây ra bởi các vi sinh vật như: vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng. Bệnh dễ dàng lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc thông qua vật trung gian truyền bệnh, thường tạo thành các đợt dịch trong cộng đồng. 

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên tỷ lệ và nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những đối tượng có hệ miễn dịch hoạt động kém. Cụ thể như:

  • Người mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, vảy nến, viêm da cơ địa, viêm khớp dạng thấp,...
  • Bệnh nhân ung thư hoặc mắc các chứng rối loạn miễn dịch
  • Người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người mắc HIV/AIDS
  • Người bị suy dinh dưỡng
Bệnh truyền nhiễm do các vi sinh vật gây ra (Nguồn: Canva)

Bệnh truyền nhiễm do các vi sinh vật gây ra (Nguồn: Canva)

2. Phân loại các bệnh truyền nhiễm

Dựa vào đường lây nhiễm

Dựa vào đường lây nhiễm, bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm chính, gồm:

  • Bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu
  • Bệnh truyền nhiễm lây qua đường da và niêm mạc
  • Bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp
  • Bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa
  • Bệnh truyền nhiễm lây qua nhiều đường khác nhau

Dựa vào mức độ nguy hiểm

Dựa vào mức độ nguy hiểm của bệnh, các chuyên gia phân loại bệnh truyền nhiễm  thành 3 nhóm: 

  • Bệnh truyền nhiễm nhóm A: là những bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa xác định được tác nhân gây bệnh.
  • Bệnh truyền nhiễm nhóm B: gồm những bệnh có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
  • Bệnh truyền nhiễm nhóm C: gồm những bệnh ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Khi con người mắc bệnh truyền nhiễm, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể, tạo miễn dịch với tác nhân gây bệnh. Tùy theo loại bệnh và cơ địa mà các loại miễn dịch được hình thành có mức độ, khả năng bảo vệ và thời gian tồn tại khác nhau.

3. Những đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm đều mang những đặc điểm chung như sau:

- Bệnh có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành.

- Bệnh truyền nhiễm có thể lây qua một đường hoặc có thể lây qua nhiều đường khác nhau.

- Người mắc bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch với tác nhân gây bệnh.

- Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều trải qua 5 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Lúc này cơ thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa có biểu hiện hay triệu chứng gì.
  • Giai đoạn khởi phát: Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện nhưng chưa phải là thời điểm rầm rộ nhất. Bệnh truyền nhiễm có thể khởi phát một cách từ từ hoặc đột ngột.
  • Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn xuất hiện đầy đủ các triệu chứng của bệnh với mức độ rầm rộ nhất. Các biến chứng nguy hiểm nếu có cũng thường gặp trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn lui bệnh: Do sức đề kháng của cơ thể kết hợp với hiệu quả điều trị nên những tác nhân gây bệnh được đẩy lùi dần, các triệu chứng cũng giảm dần rồi biến mất.
  • Giai đoạn hồi phục: Mầm bệnh được loại bỏ khỏi cơ thể, các cơ quan bị tổn thương dần hồi phục. 
Các giai đoạn của bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Canva)

Các giai đoạn của bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Canva)

4. Danh mục các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, danh mục các bệnh truyền nhiễm thường gặp được phân loại theo mức độ nguy hiểm như sau:

Bệnh truyền nhiễm nhóm A

  • Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg
  • Bệnh tả
  • Bệnh dịch hạch
  • Bệnh đậu mùa
  • Bệnh bại liệt
  • Bệnh cúm A-H5N
  • Bệnh sốt Nile
  • Bệnh sốt vàng
  • Bệnh viêm đường hô hấp cấp do SAR-CoV2 gây ra (hay thường được gọi là Covid-19)
  • Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Bệnh truyền nhiễm nhóm B

  • Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
  • Bệnh bạch hầu
  • Bệnh cúm
  • Bệnh dại
  • Bệnh ho gà
  • Bệnh lao phổi
  • Bệnh lỵ amip, lỵ trực trùng
  • Bệnh quai bị
  • Bệnh sốt xuất huyết Dengue
  • Bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh viêm não vi rút
  • Bệnh sốt phát ban, bệnh sởi
  • Bệnh thủy đậu
  • Bệnh thương hàn
  • Bệnh uốn ván
  • Bệnh Rubella
  • Bệnh viêm gan vi rút
  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota
  • Bệnh do vi rút Zika 
  • Bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh truyền nhiễm nhóm C

  • Bệnh giang mai
  • Các bệnh do giun
  • Bệnh lậu
  • Bệnh mắt hột
  • Bệnh do Chlamydia
  • Bệnh phong
  • Bệnh do sán gây ra
  • Bệnh sốt mò
  • Bệnh viêm ruột do Vibrio Parahaemolyticus
  • Bệnh do nấm Candida albicans

5. Cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm

Bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh truyền nhiễm bằng các cách sau:

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ

Tiêm vắc xin phòng bệnh là cách tốt nhất giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Bạn và các thành viên trong gia đình cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch trình để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Giữ vệ sinh cơ thể

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ góp phần hạn chế sự tiếp xúc và lây nhiễm mầm bệnh. Bạn nên thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng giúp hạn chế các tác nhân gây bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm lây qua đường quan hệ tình dục, bạn cần giữ cho mình đời sống sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.

Giữ vệ sinh môi trường sống

Vi sinh vật gây bệnh tồn tại rất lâu trong môi trường không khí, đặt biệt là môi trường ẩm thấp. Do đó bạn cần giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng, tránh tạo điều kiện cho mầm bệnh trú ngụ và phát triển.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Canva)

Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Canva)

Hy vọng rằng, những thông tin hữu ích mà Papaya chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ bệnh truyền nhiễm là gì cũng như đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm. Đây là nhóm bệnh phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải, do đó bạn nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ bị lây nhiễm.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan