Quay lạiQuay lại

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

26/1/2023

Share

Nội dung chính

Sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng gì?
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết
Chẩn đoán
Điều trị
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có tỷ lệ lây lan cao trong cộng đồng và thường tạo thành các đợt dịch. Trong những năm trở lại đây, sốt xuất huyết diễn biến ngày càng phức tạp khi số ca mắc không ngừng tăng cao, đặc biệt là vào mùa mưa ẩm. Vậy bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Hãy cùng Papaya tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus gây ra, dễ lây lan rộng thông qua vật truyền bệnh là muỗi. Có nhiều chủng virus gây sốt xuất huyết khác nhau nhưng phổ biến nhất ở Việt Nam là virus Dengue, hay còn gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bệnh thường bùng phát thành các đợt dịch vào mùa mưa ẩm, do đây là thời điểm thuận lợi cho sự sinh nở và phát triển của muỗi vằn. 

Đa số các ca mắc sốt xuất huyết đều có khả năng hồi phục hoàn toàn sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp gặp các biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết ổ bụng, sốc giảm thể tích tuần hoàn,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. 

Với tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như những năm gần đây, người bệnh cần phải nâng cao ý thức phòng bệnh và cảnh giác với các mối nguy hại do sốt xuất huyết gây ra.

Sốt xuất huyết lây lan qua sinh vật truyền bệnh là muỗi (Nguồn: Canva)

Sốt xuất huyết lây lan qua sinh vật truyền bệnh là muỗi (Nguồn: Canva)

Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng gì?

Bệnh sốt xuất huyết có các triệu chứng điển hình như:

  • Sốt cao từ 39 - 40 độ C
  • Đau đầu
  • Cơ thể mệt mỏi, li bì
  • Đau nhức cơ, xương
  • Xuất hiện ban da 
  • Buồn nôn
  • Mất vị giác, kém ăn
  • Đau vùng hốc mắt

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường khởi phát bằng triệu chứng sốt cao từ 39 - 40 độ C. Tình trạng này thường kéo dài trong 3 ngày và có xu hướng giảm sốt vào ngày thứ 4 của bệnh. Rất nhiều người nghĩ rằng, đây là thời điểm lui bệnh và hồi phục nên có tâm lý chủ quan, lơ là trong việc điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết Dengue. Phần lớn các biến chứng đều diễn ra vào giai đoạn này.

Sau 3 - 4 ngày nhiễm bệnh, virus tấn công khiến hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm đi đáng kể. Lúc này, mặc dù tình trạng sốt đã giảm nhưng bắt đầu có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch. Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn khiến bệnh nhân vật vã, li bì, huyết áp hạ, tiểu ít, mạch yếu. Bên cạnh đó, nguy cơ tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng cũng tăng lên. 

Các biểu hiện của xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc cũng xuất hiện vào giai đoạn này. Nếu tình trạng bệnh diễn biến xấu, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các biến chứng của sốt xuất huyết như xuất huyết ổ bụng, suy tạng gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Như vậy, sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý nguy hiểm, cần có sự tuân thủ và cảnh giác trong quá trình điều trị. Người bệnh không nên tự ý bỏ điều trị khi thấy hạ sốt vào ngày thứ 4 - 5 của bệnh. Bệnh chỉ thật sự đi vào giai đoạn hồi phục khi toàn trạng của người bệnh tốt lên, dứt sốt từ 48 - 72 giờ và các chỉ số xét nghiệm khác trở về mức bình thường.

Chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết Dengue, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm huyết thanh máu, gồm:

  • Xét nghiệm xác định kháng nguyên Dengue NS1: thường được chỉ định thực hiện vào ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 của bệnh.
  • Xét nghiệm ELISA xác định kháng thể IgG, IgM: thưởng được chỉ định thực hiện từ ngày thứ 5 của bệnh.
Người mắc sốt xuất huyết thường sốt cao từ 39 - 40 độ C (Nguồn: Canva)

Người mắc sốt xuất huyết thường sốt cao từ 39 - 40 độ C (Nguồn: Canva)

Điều trị

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của người bệnh khi mắc sốt xuất huyết mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà hoặc nhập viện để điều trị. Việc phân cấp bệnh nhân để điều trị được quy định như sau:

- Điều trị tại nhà đối với các trường hợp: Bệnh nhân bị sốt xuất huyết không có nhu cầu truyền dịch, không có chảy máu và có khả năng bù dịch bằng đường uống.

- Nhập viện điều trị trong thời gian ngắn (12 - 24 giờ) đối với các trường hợp: bệnh nhân cần bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch, không thể bù dịch qua đường uống, có dấu hiệu đau tức gan và kích thước gan lớn.

- Nhập viện điều trị trong thời gian dài (trên 24 giờ) đối với các trường hợp: bệnh nhân không đáp ứng khi truyền dịch trong thời gian ngắn, có chảy máu, có đi kèm các yếu tố cơ địa dễ chuyển thành biến chứng nặng như hen phế quản, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, dị ứng,...

Trong thời gian điều trị, người bệnh lưu ý nên hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, gió lạnh. Nguyên nhân là vì sức đề kháng của cơ thể lúc này đã suy yếu, rất dễ nhiễm lạnh khiến bệnh khó lành. Tốt hơn hết bệnh nhân chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng khăn ấm.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết?

Để hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết, mỗi người cần có ý thức phòng bệnh thông qua các biện pháp như:

  • Chủ động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy trong nhà và xung quanh nơi ở của mình.
  • Tránh để ao tù nước đọng trong các chum, vại, chai, lọ vì đây là môi trường thích hợp cho muỗi sinh sản và phát triển.
  • Thực hiện vệ sinh các dụng cụ chứa nước như bể, bình, giếng thường xuyên, đậy nắp kín các vật chứa nước.
  • Thực hiện phát quang bụi rậm, ẩm thấp xung quanh nhà.
  • Thay nước cho bình hoa thường xuyên
  • Mắc màn khi đi ngủ.
  • Sử dụng kem chống muỗi, xịt chống muỗi, đèn xông tinh dầu để hạn chế muỗi.
  • Tiến hành phun khử khuẩn nếu đang ở trong khu vực có dịch sốt xuất huyết.
Vệ sinh, khử khuẩn nơi ở là cách để phòng bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Vệ sinh, khử khuẩn nơi ở là cách để phòng bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Trên đây là những kiến thức hữu ích về sốt xuất huyết mà Papaya muốn chia sẻ đến các bạn đọc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?” Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có khả năng lây lan rộng mà bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Người bệnh không nên chủ quan mà cần thận trọng trong quá trình điều trị bởi những biến chứng nguy hiểm mà sốt xuất huyết gây ra. Tốt nhất bạn nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc sốt xuất huyết cho bản thân và cả gia đình.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan