Nội dung chính
Sảy thai là một biến cố mà bất kỳ bà mẹ nào cũng có thể gặp phải. Sảy thai không chỉ đem lại nỗi mất mát lớn cho các cặp vợ chồng mà còn gây ra những biến chứng hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ. Hãy cùng Papaya tìm hiểu những biến chứng sau sảy thai phổ biến nhất thông qua bài viết dưới đây.
Những biến chứng sau sảy thai thường gặp là gì?
I. 3 biến chứng sau sảy thai thường gặp
Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo là triệu chứng thường gặp nhất khi sảy thai. Nó xuất phát từ việc bào thai bị tách rời ra khỏi niêm mạc tử cung. Thông thường xuất huyết âm đạo diễn ra trong vòng từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, tình trạng này kéo dài trong nhiều tuần và được coi như một biến chứng sau sảy thai.
Xuất huyết âm đạo được cảnh báo là nguy hiểm khi nó kéo dài quá 15 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc máu có mùi hôi, khó đông lại. Tình trạng này không chỉ khiến các bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất sức mà còn dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu và nhiễm trùng cao. Do đó, nếu không may gặp biến chứng sau sảy thai nguy hiểm như trên, các thai phụ nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đau bụng dưới
Cùng với xuất huyết âm đạo, đau vùng bụng dưới cũng là một triệu chứng tương đối phổ biến khi phụ nữ bị sảy thai. Sự co bóp mạnh của tử cung để tổng bào thai ra ngoài là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Thông thường các cơn đau quặn bụng dưới xuất hiện dày đặc với cường độ mạnh vào thời điểm thai bị sảy, sau đó giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên đối với những thai phụ bị sảy thai không hoàn toàn, cổ tử cung có xu hướng tiếp tục co bóp mạnh để tống các mảnh nhau thai còn sót lại. Điều này gây ra những cơn đau quặn bụng kéo dài nhiều tuần sau đó.
Để xử trí biến chứng sau sảy thai nói trên, thai phụ thường cần đến các thủ thuật can thiệp y tế chuyên khoa nhằm loại bỏ hết phần nhau thai còn sót lại. Tuy nhiên, nếu các thủ thuật xâm lấn này diễn ra không đúng kỹ thuật hoặc không đảm bảo vệ sinh thì rất dễ gây nhiễm trùng cho bà mẹ. Do đó, tốt hơn hết hãy lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới sau sảy thai
Nhiễm trùng
Sau khi sảy thai, tử cung đang bị tổn thương kết hợp với môi trường nhiều dịch tiết ở âm đạo là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn xâm lấn, phát triển. Nếu người mẹ không vệ sinh vùng kín đúng cách hoặc quan hệ tình dục ngay sau khi sảy thai thì nguy cơ bị nhiễm trùng là rất cao.
Theo các chuyên gia, nhiễm trùng là biến chứng sau sảy thai nguy hiểm nhất mà các mẹ có thể gặp phải. Nó không chỉ diễn biến nhanh mà còn gây nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Một khi vi khuẩn phát triển lan tỏa, người mẹ sẽ đối mặt với những biến chứng như: nhiễm trùng phúc mạc, nhiễm trùng nội mạc, nhiễm trùng máu,...
Các triệu chứng giúp nhận biết cơ thể bà mẹ đang bị nhiễm khuẩn bao gồm: sốt, đau bụng dữ dội, máu hoặc dịch âm đạo ra nhiều và có mùi hôi. Nếu có các dấu hiệu kể trên, thai phụ nên đi thăm khám ngay tại các cơ sở y tế đủ chuyên môn để được điều trị kịp thời.
II. Cách phục hồi tử cung sau sảy thai
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng sau sảy thai, bà mẹ có thể tham khảo những cách phục hồi tử cung sau sảy thai như sau:
Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh
Một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ dinh dưỡng đầy đủ kết hợp vận động và nghỉ ngơi hợp lý chính là điều kiện cần cho một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, nếu có một sức khỏe tốt thì quá trình phục hồi sẽ nhanh hơn, tỷ lệ gặp các biến chứng sau sảy thai nguy hiểm cũng giảm đi.
Chị em nên tập trung bổ sung các nhóm dưỡng chất như: protein, canxi, magie, kẽm,... tăng cường rau xanh và hoa quả tươi, hạn chế dầu mỡ, chất béo, chất kích thích. Chế độ vận động nhẹ nhàng sau sảy thai cũng rất quan trọng. Các bài tập như yoga hay đi bộ nhẹ nhàng là những lựa chọn phù hợp trong giai đoạn này.
Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách
Sau sảy thai, mẹ sẽ tiếp tục bị chảy máu khoảng 7 – 10 ngày. Khi đó âm đạo là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, việc vệ sinh vùng kín đúng cách giúp các chị em phụ nữ giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chức năng của cơ quan sinh sản. Tốt hơn hết, chị em nên sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, chú ý thay băng vệ sinh 4 - 5 tiếng/lần để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Để phục hồi tử cung sau sảy thai, chị em nên chú ý giữ vệ sinh vùng kín đúng cách.
Kiêng quan hệ tình dục
Việc quan hệ tình dục khi vừa sảy thai không chỉ gây ảnh hưởng đến tử cung đang bị tổn thương nghiêm trọng mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho người mẹ.
Các cặp vợ chồng không may bị sảy thai cần kiêng quan hệ trong vòng từ 4 - 6 tuần. Tuy nhiên, thời gian này có thể kéo dài hơn trong trường hợp thế chất và tinh thần người phụ nữ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Theo dõi thân nhiệt thường xuyên
Sau khi sảy thai, người mẹ nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra thân nhiệt của mình. Những bất thường trong nhiệt độ cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo về biến chứng sau sảy thai nguy hiểm. Nếu nhận thấy bản thân bị sốt, tốt hơn hết thai phụ nên đi thăm khám để được chẩn đoán kịp thời.
Xem thêm: Phụ nữ sảy thai uống gì cho sạch tử cung để sớm hồi phục?
III. Sảy thai bao lâu thì có thai lại được?
Sảy thai bao lâu thì có thai lại được phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khoẻ của người mẹ và điều này có thể khác nhau ở mỗi người. Tốt nhất bạn nên đợi 2 hoặc thậm chí 3 chu kỳ kinh trước khi cố gắng có con lần nữa để tinh thần và thể chất được hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cơ thể đã khỏe mạnh và sẵn sàng, bạn có thể mang thai lại ngay sau kỳ kinh đầu tiên.
Kết luận
Trên đây là những kiến thức hữu ích về biến chứng sau sảy thai mà bất cứ bà mẹ nào cũng nên biết. Biết cách hồi phục tử cung đúng cách không chỉ giúp chị em giảm thiểu các biến chứng không mong muốn, mà còn nhanh chóng hồi phục sức khỏe và sẵn sàng cho kế hoạch mang thai tiếp theo trong tương lai.