Nội dung chính
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm phổ biến, dễ lây lan thành dịch thông qua vết cắn của muỗi Aedes. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau 7 - 10 ngày điều trị, tuy nhiên trong những trường hợp diễn biến nặng, sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có tình trạng giảm tiểu cầu. Vậy sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Có biểu hiện như thế nào? Người mắc sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu? Bài viết dưới đây của Papaya sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Tại sao người bệnh bị giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết?
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu quan trọng của cơ thể (gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) được sản sinh từ tủy xương. Tiểu cầu đóng vai trò chính trong quá trình cầm máu thông qua cơ chế hình thành cục máu đông, co cục máu đông và co mạch.
Thông thường lượng tiểu cầu trong máu dao động khoảng 150.000 - 450.000 đơn vị/microlit máu. Tuy nhiên khi mắc sốt xuất huyết, con số này có thể giảm xuống 5 - 6 lần so với bình thường. Nguyên nhân là vì khi virus sốt xuất huyết xâm nhập vào vòng tuần hoàn, chúng có xu hướng gắn vào các tiểu cầu rồi nhân lên làm gia tăng số lượng. Lúc này, kháng thể do cơ thể tạo ra sẽ tấn công các tiểu cầu bị nhiễm virus làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Bên cạnh đó, khi mắc sốt xuất huyết, trung tâm tủy xương cũng bị ức chế làm cản trở quá trình tạo mới tiểu cầu.
Người bệnh sốt xuất huyết thường xét nghiệm thấy lượng tiểu cầu giảm vào khoảng ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của bệnh. Đây là tình trạng nguy hiểm bởi nó tiềm ẩn những nguy cơ xuất huyết trong cơ thể. Do đó, trong giai đoạn này người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi đúng cách.
Người mắc sốt xuất huyết thường bị giảm tiểu cầu trong máu (Nguồn: Canva)
Người bị giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết có biểu hiện gì?
Các triệu chứng giảm tiểu cầu có thể xuất hiện với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh. Khi bị giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết, người bệnh có thể gặp những biểu hiện như sau:
- Phát ban xuất huyết chấm nhỏ dưới da
- Chảy máu cam
- Chảy máu chân răng
- Chảy máu kéo dài ở những vết thương nhỏ
- Lần máu trong phân
- Nếu đang có kinh nguyệt thì máu kinh nguyệt ra nhiều
- Da dễ bầm tím hoặc vàng nâu
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Trong trường hợp người bệnh bị thoát huyết tương, giảm tiểu cầu ở mức độ nặng, bệnh rất dễ dẫn đến biến chứng sốc giảm thể tích tuần hoàn. Lúc này, người bệnh có biểu hiện vật vã hoặc kích thích, huyết áp hạ, xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Do đó khi bị mắc sốt xuất huyết, bạn không nên chủ quan mà cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và đánh giá mức độ nguy cơ. Nếu bệnh ở mức nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà. Ngược lại, nếu số lượng tiểu cầu giảm sâu, bệnh tiến triển nặng thì sẽ được theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?
Để tăng lượng tiểu cầu cho người bệnh mắc sốt xuất huyết, bạn nên chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm sau:
Thực phẩm giàu sắt
Sắt là loại khoáng chất không thể thiếu trong quá trình hình thành và sản sinh tế bào máu ở tủy xương, trong đó bao gồm cả tiểu cầu. Việc tăng nạp các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt đỏ, gan, đậu lăng, hạt bí ngô,... sẽ giúp gia tăng lượng tiểu cầu trong cơ thể một cách tự nhiên.
Thịt đỏ là nguồn thực phẩm chứa nhiều sắt (Nguồn: Canva)
Thực phẩm giàu folate
Folate còn được biết đến với cái tên thông dụng là vitamin B9. Đây là dưỡng chất đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái tạo tế bào máu khỏe mạnh. Người bệnh mắc sốt xuất huyết có thể tăng số lượng tiểu cầu nói riêng và lượng tế bào máu nói chung bằng cách bổ sung những loại thực phẩm giàu folat như: bông cải xanh, rau bina, đậu phộng, đậu đen, măng tây, củ cải đỏ, nước dừa,...
Trái cây giàu vitamin C
Vitamin C là loại dưỡng chất có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường đề kháng cho cơ thể. Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, vitamin C giúp các tiểu cầu hoạt động một cách chính xác hơn, đẩy lùi sự tấn công của virus vào loại tế bào này.
Vitamin C có nhiều trong trái cây, đặc biệt là các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh,... Bên cạnh đó, các loại trái cây như ổi, kiwi, xoài, lựu,... cũng chứa một lượng đáng kể loại vitamin này. Các bạn có thể bổ sung bằng cách ăn trái cây tươi trực tiếp hoặc dùng dưới dạng nước ép, sinh tố.
Người bệnh sốt xuất huyết nên bổ sung nhiều trái cây giàu vitamin C (Nguồn: Canva)
Thực phẩm giàu vitamin K
Vitamin K thuộc nhóm vitamin tan trong dầu, là thành phần quan trọng trong hệ thống enzym gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin. Vitamin K cũng giúp điều chỉnh độ đông đặc của máu, từ đó cải thiện chức năng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Một số loại thực phẩm giàu vitamin K mà bạn có thể bổ sung khi điều trị sốt xuất huyết như: bắp cải, cải bó xôi, củ cải đường, quả bơ, dầu đậu nành, phomat, sữa nguyên chất, ngũ cốc,...
Thực phẩm giàu vitamin B12
Tình trạng giảm tiểu cầu ở người bệnh mắc sốt xuất huyết có một phần nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hụt vitamin B12. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh, bạn nên chủ động bổ sung loại vitamin này từ nguồn thực phẩm giàu B12 như: cá hồi, cá ngừ, thịt gà, hàu, trứng, sữa, các loại nấm, hạt, củ quả,...
Bổ sung thực phẩm giàu B12 giúp tăng lượng tiểu cầu trong máu (Nguồn: Canva)
Hy vọng rằng, những chia sẻ hữu ích của Papaya trong bài viết hôm này đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết, cũng như có được câu trả lời cho thắc mắc “Sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?”. Việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, K, B9 và sắt sẽ góp phần gia tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên, từ đó đưa các chỉ số cơ thể về mức bình thường, rút ngắn thời gian hồi phục sức khỏe.