Nội dung chính
Mang thai ngoài tử cung có thể khó chẩn đoán dựa trên các triệu chứng vì các triệu chứng có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chính vì vậy, việc chẩn đoán với sự hỗ trợ của phương pháp siêu âm thai ngoài tử cung là điều hết sức cần thiết. Vì thai ngoài tử cung không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến vỡ ống dẫn trứng và gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ.
1. Mang thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Hầu hết (90%- 95%) trường hợp mang thai ngoài tử cung làm tổ trong ống dẫn trứng. Trong khi đó, thai ngoài tử cung không thuộc vòi trứng chiếm tỷ lệ ít hơn, bao gồm các vị trí như cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng và sẹo mổ lấy thai.
Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung là 1% - 2%. Khi thai ngoài tử cung phát triển quá lâu mà không được phát hiện, nó có thể đe dọa tính mạng của người mang thai. Nguy cơ chính là ống dẫn trứng có thể bị vỡ, gây chảy máu trong nghiêm trọng. Chính vì vậy, bất kể ở vị trí nào thì việc chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định phương pháp điều trị cũng như có thể giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ trong một số trường hợp.
Xem thêm: Thai ngoài tử cung có sinh được không hay phải phá bỏ?
2. Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Đau vùng lưng dưới là một trong những triệu chứng của thai ngoài tử cung.
Các triệu chứng của thai ngoài tử cung thường giống với các dấu hiệu mang thai sớm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể nghi ngờ mang thai ngoài tử cung nếu phát hiện một khối u bất thường ở khu vực ống dẫn trứng hoặc nếu sản phụ bị đau bụng bất thường.
Các triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung có thể bao gồm:
- Chảy máu âm đạo
- Chuột rút
- Đau lưng dưới
- Đau bụng hoặc vùng chậu nhẹ
Các triệu chứng có khả năng bị vỡ có thể bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu đột ngột và dữ dội
- Đau vai
- Chóng mặt, ngất xỉu
Vỡ ống dẫn trứng là một trường hợp cấp cứu y tế. Nếu phụ nữ mang thai bị đau dữ dội ở vùng bụng hoặc vùng chậu, đau vai hoặc chóng mặt, thì hãy đến phòng cấp cứu hoặc gọi ngay cho chuyên gia y tế.
3. Siêu âm có phát hiện thai ngoài tử cung không?
Hình ảnh siêu âm thai ngoài tử cung bị vỡ ống dẫn trứng ở tuần thai thứ 15.
Ở giai đoạn đầu, thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không? Thai ngoài tử cung thường được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ nhất (trước tuần thai thứ 13). Thai ngoài tử cung có thể được phát hiện sớm nhất bằng siêu âm phụ thuộc một phần vào kích thước của phôi.
Khi thai được 6 tuần, phôi thai đủ lớn để được xác định bằng siêu âm. Trong khi đó, siêu âm thai ngoài tử cung trước 6 tuần thì khó phát hiện hơn. Ở giai đoạn đầu, có thể không nhìn thấy phôi thai hoặc túi noãn hoàng và sự tích tụ chất lỏng có thể bị nhầm lẫn với thai ngoài tử cung (hoặc mang thai bình thường bên trong tử cung).
Tuy nhiên, thai ngoài tử cung có thể đe dọa đến khả năng sinh sản trong tương lai và thậm chí là tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, để tránh những trường hợp đáng tiếc, việc chẩn đoán sớm là rất cần thiết. Nếu bị đau vùng chậu đột ngột hoặc dữ dội hoặc xuất hiện các triệu chứng khác của thai ngoài tử cung, sản phụ nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chăm sóc y tế ngay lập tức.
4. Siêu âm thai ngoài tử cung được thực hiện như thế nào?
Thực hiện siêu âm thai ngoài tử cung để quan sát vị trí phôi thai làm tổ trong hoặc ngoài tử cung.
Nếu nghi ngờ thai phụ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để xác nhận hoặc loại trừ. Chẩn đoán bao gồm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hCG và siêu âm thai ngoài tử cung.
Xét nghiệm máu
HCG là một loại hormone được tìm thấy trong máu và nước tiểu của người mang thai. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ bình thường, nồng độ hCG thường tăng gấp đôi sau mỗi vài ngày. Tuy nhiên, nồng độ hCG trong máu người mang thai ngoài tử cung thường tăng chậm hơn bình thường, nghĩa là chúng sẽ không tăng gấp đôi sau mỗi hai đến ba ngày trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Nồng độ hCG tăng chậm có thể là dấu hiệu đầu tiên giúp bác sĩ chẩn đoán khả năng mang thai ngoài tử cung.
HCG tăng chậm trong ba tháng đầu đôi khi cũng có thể xảy ra trong một thai kỳ bình thường, tuy nhiên đây là dấu hiệu phôi thai kém phát triển, khả năng giữ thai thấp. Do đó, xét nghiệm nồng độ hCG không thể phản ảnh chính xác tình trạng mang thai ngoài tử cung.
Siêu âm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, siêu âm là một công cụ chẩn đoán thai ngoài tử cung đáng tin cậy và chính xác. Siêu âm thai ngoài tử cung có thể được thực hiện qua âm đạo hoặc qua bụng (hoặc đôi khi cả hai).
- Siêu âm qua âm đạo
Siêu âm qua âm đạo được thực hiện bằng cách đưa một đầu dò vào trong âm đạo. Đầu dò sử dụng công nghệ sóng âm thanh để chụp ảnh vùng xương chậu, bao gồm tử cung, ống dẫn trứng, cổ tử cung, buồng trứng và bàng quang. Siêu âm thai ngoài tử cung qua âm đạo cho phép bác sĩ quan sát kỹ các cơ quan liên quan đến thai kỳ. Do đó, phương pháp này có thể phát hiện chính xác vị trí phôi đã làm tổ - như trên ống dẫn trứng, trong cổ tử cung hoặc thậm chí trong vết sẹo từ ca sinh mổ trước đó.
- Siêu âm qua ngã bụng
Ngoài siêu âm qua âm đạo, bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm thai ngoài tử cung qua ngã bụng. Siêu âm qua bụng giúp bác sĩ có một cái nhìn tổng quan hơn về những gì đang xảy ra trong ổ bụng. Nó đặc biệt hữu ích cho khả năng xác định tình trạng xuất huyết trong trường hợp cơ quan phôi thai làm tổ bị vỡ.
5. Điều trị thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không? Siêu âm để phát hiện kịp thời và lựa chọn phương pháp điều trị thai ngoài tử cung phù hợp.
Siêu âm có phát hiện thai ngoài tử cung không? Đối với phụ nữ mang thai, việc siêu âm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vị trí thai để chẩn đoán tình trạng phát triển của thai nhi. Trong trường hợp được chẩn đoán thai ngoài tử cung, bác sĩ khuyến nghị phương pháp điều trị dựa vào một số yếu tố, bao gồm nguy cơ vỡ và kích thước thai.
Một số trường hợp, thai ngoài tử cung có thể thoái triển tự nhiên và không cần can thiệp. Nếu xác nhận thai ngoài tử cung không có dấu hiệu vỡ, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc gọi là methotrexate. Methotrexate ngăn tế bào phát triển, từ đó kết thúc thai kỳ. Sau đó, cơ thể sẽ hấp thụ các tế bào trong một tháng rưỡi tới.
Xem thêm: Dấu hiệu cho thấy thai ngoài tử cung tự tiêu
Tuy nhiên, nếu thai có kích thước lớn hoặc có nguy cơ làm vỡ ống dẫn trứng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể loại bỏ thai mà không cần cắt bỏ ống dẫn trứng. Tuy nhiên, nếu ống dẫn trứng bị vỡ, bác sĩ sẽ tiến hành loại phần bị tổn thương.
Kết luận
Thực hiện siêu âm thai ngoài tử cung và các xét nghiệm khác để xác định chính xác tình trạng mang thai ngoài tử cung và có biện pháp điều trị kịp thời. Phát hiện ra mang thai ngoài tử cung không bao giờ là một tin tốt. Tuy nhiên, việc chẩn đoán càng sớm giúp bạn chủ động bảo vệ sức khoẻ, hạn chế được các biến chứng không mong muốn và tăng khả năng mang thai thành công trong tương lai.