Nội dung chính
Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp khi đã nghỉ việc nhưng công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm. Điều này đem lại rất nhiều rắc rối cho người lao động, nhất là khi phải làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đóng BHXH ở công ty mới... Vậy nếu nghỉ việc công ty không chốt sổ bảo hiểm, người lao động nên làm như thế nào? Hãy cùng Papaya đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!
I. Có bắt buộc phải chốt sổ cho người lao động đã nghỉ việc không?
Sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động vì nhiều lý do.
Trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm thuộc về ai? Căn cứ tại Khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 47 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Do đó, kể cả khi người lao động nghỉ ngang hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan bảo hiểm xã hội để hoàn thành thủ tục trả sổ bảo hiểm xã hội và xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động. Đây là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.
II. Nghỉ việc công ty không chốt sổ bảo hiểm phải làm sao?
Hướng giải quyết đề nghị công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội càng sớm càng tốt.
Hiện nay, có rất nhiều người lao động còn lúng túng không biết phải làm gì khi doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm xã hội. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể lựa chọn thực hiện một trong những cách dưới đây:
1. Khiếu nại với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Căn cứ trên quy định tại Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu rõ, người lao động có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại hành vi của tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Theo đó, đối với khiếu nại lần đầu, người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết, trong khoản thời gian không quá 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp đặc biệt).
Như vậy, nếu nghỉ việc nhưng bạn chưa được công ty cũ chốt trả sổ BHXH thì người lao động có quyền liên hệ đến công ty yêu cầu hoàn thành hết thủ tục chốt sổ cho bạn.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với hướng giải quyết từ phía người sử dụng lao động, người lao động có thể gửi khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở lao động - thương binh và xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 đối với các trường hợp thông thường là không quá 45 ngày (hoặc không quá 90 ngày đối với trường hợp đặc biệt).
2. Đề nghị xử lý hành chính
Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với các hành vi người sử dụng lao động không thực hiện thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
Do đó, nếu công ty không thực hiện trách nhiệm xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1 - 20 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm.
III. Chưa chốt sổ BHXH có được đóng ở công ty mới không?
Người lao động vẫn có thể đóng BHXH khi làm việc tại chỗ làm mới.
Theo quy định hiện hành, chưa có văn bản pháp lý nào quy định việc chưa chốt sổ BHXH tại công ty cũ thì không được đóng bảo hiểm xã hội ở công ty mới.
Do đó, nếu người lao động ký kết hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc ở công ty mới thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì vẫn sẽ được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau để được thuận lợi đóng BHXH tại công ty mới:
- Phải ký kết hợp đồng lao động tại công ty mới vì để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì hợp đồng lao động phải có thời hạn từ ít nhất 1 tháng trở lên.
- Nếu công ty cũ chưa báo giảm lao động thì người lao động cũng chưa thể đóng BHXH ở công ty mới vì được xác định là có đồng thời 02 hợp đồng lao động tại các đơn vị khác nhau. Nếu gặp vấn đề do điều này, hãy liên hệ ngay đến công ty cũ của bạn để giải quyết nhé!
Tạm kết
Nghỉ việc công ty không chốt sổ bảo hiểm không phải là trường hợp xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng đã biết cách giải quyết trường hợp này để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin giá trị để yêu cầu được chốt sổ bảo hiểm xã hội càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo quyền lợi của mình nhé.