Nội dung chính
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường, do đó rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh sởi. Tiêm vắc-xin phòng sởi là cách tốt nhất giúp mẹ bầu phòng tránh bệnh. Tuy nhiên việc tiêm loại vắc-xin này nên được thực hiện vào thời điểm nào? Liệu mẹ bầu tiêm phòng sởi khi mang thai có được hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây các bạn nhé!
Tiêm phòng sởi khi đang mang thai có được không? (Nguồn: Canva)
Sởi là bệnh gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxovirus gây ra. Virus sởi truyền bệnh qua đường không khí, do đó bệnh rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Dịch bệnh sởi xuất hiện chủ yếu vào mùa đông - xuân. Đối tượng mắc bệnh bao gồm cả người lớn và trẻ em. Phụ nữ mang thai là đối tượng có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường, do đó nguy cơ mắc bệnh sởi cũng sẽ cao hơn.
Thời gian ủ bệnh sởi ở phụ nữ mang thai thường kéo dài từ 7 - 21 ngày, sau đó bệnh khởi phát và trải qua 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn khởi phát
Trong giai đoạn này, người mẹ có những biểu hiện như:
- Sốt cao từ 39 - 40 độ C
- Người mệt mỏi, chán ăn, đau đầu,...
- Hắt hơi, ngạt mũi, khàn tiếng
- Bề mặt niêm mạc má có thể xuất hiện các hạt màu xám hoặc trắng, kích thước từ 0.5 - 1 mm
Giai đoạn toàn phát bệnh
- Xuất hiện phát ban hồng trên da sau 3 - 4 ngày bị sốt
- Tình trạng sốt có xu hướng giảm dần khi ban mọc hết toàn thân
Giai đoạn hồi phục
- Các nốt ban nhạt màu dần rồi từ từ biến mất
- Tình trạng ho có thể tiếp tục kéo dài từ 1 - 2 tuần sau khi hết phát ban
Mẹ bầu bị mắc bệnh sợi có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Bệnh sởi không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ không may mắc sởi trong thời gian đang mang thai có thể gặp phải những biến chứng rất nguy hiểm.
Bà bầu bị sởi thường sốt cao trong nhiều ngày. Điều này làm tăng thân nhiệt và nhịp tim của người mẹ, dẫn đến tăng nhiệt độ buồng ối và tần số tim thai. Tim thai phải hoạt động quá mức, kết hợp với quá trình chuyển hóa của thai cũng bị rối loạn làm gia tăng nguy cơ bị thai lưu, sảy thai hoặc chuyển dạ sinh non. Trong đó, tỷ lệ sảy thai đặc biệt tăng cao khi người mẹ nhiễm sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Trong trường hợp người mẹ bị mắc sởi vào những tháng cuối thai kỳ, virus sởi có thể xâm nhập vào thai nhi thông qua rau thai khiến trẻ bị nhiễm sởi tiên phát. Tình trạng này thường dẫn đến biến chứng viêm màng não bán cấp có tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao.
Bệnh sởi gây ra biến chứng nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai (Nguồn: Canva)
Mẹ bầu tiêm phòng sởi khi mang thai có được không?
Tiêm vắc-xin phòng sởi là cách tốt nhất giúp hạn chế khả năng mắc bệnh và giảm thiểu các biến chứng nặng có thể xảy ra. Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết đâu là thời điểm thích hợp để tiêm phòng sởi và liệu có thể tiêm phòng sởi khi đang mang thai hay không?
Vắc-xin phòng sởi là loại vắc-xin sống giảm độc lực. Điều này có nghĩa là trong vắc-xin có chứa một lượng nhỏ virus sống đã được làm suy yếu nhưng vẫn đủ để kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo sự đề kháng.
Các chuyên gia khuyến cáo không nên tiêm vắc-xin sống giảm độc lực như vắc-xin phòng sởi cho phụ nữ đang mang thai bởi lượng virus trong vắc-xin có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng sởi là trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Khoảng thời gian này là vừa đủ để cơ thể sản sinh ra sự đề kháng cần thiết mà không ảnh hưởng đến thai nhi.
Phụ nữ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai (Nguồn: Canva)
Những lưu ý khi tiêm phòng sởi
Phụ nữ đi tiêm phòng sởi cần lưu ý những điều sau
- Trước khi tiêm phòng, phụ nữ cần kiểm tra xem có đang mang thai hay không, nếu đang mang thai thì không tiến hành tiêm vắc-xin phòng sởi.
- Trong trường hợp tiêm vắc-xin phòng sởi mà không biết bản thân có thai, người mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.
- Cần duy trì khoảng thời gian tối thiểu 3 tháng từ khi tiêm phòng sởi đến khi mang thai.
- Sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi sức khỏe, đề phòng trường hợp bị dị ứng hoặc sốc thuốc.
- Những người đã từng mắc sởi, trong huyết thanh có miễn dịch với virus gây sởi thì không cần tiêm vắc-xin phòng sởi nữa bởi loại miễn dịch này có thể kéo dài đến suốt đời.
Hiện nay trên thị trường đang phổ biến loại vắc-xin 3 trong 1 phòng sởi - quai bị -rubella. Chỉ cần thực hiện 1 mũi tiêm, bạn có thể phòng ngừa cả 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm kể trên.
Hy vọng rằng, những kiến thức hữu ích mà Papaya chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi “Mẹ bầu tiêm phòng sởi khi mang thai có được hay không?”. Vắc-xin phòng sởi là loại vắc-xin giảm độc lực, do đó người phụ nữ nên chủ động tiêm phòng trước thời điểm dự định mang thai ít nhất 3 tháng. Việc tiêm vắc-xin phòng sởi là rất cần thiết bởi đây là cách tốt nhất giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi những biến chứng nguy hiểm do bệnh sởi gây ra.