Nội dung chính
Sảy thai là nỗi lo lớn nhất của người phụ nữ khi làm mẹ. Đây là biến cố sản khoa tương đối phổ biến, chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca mang thai. Ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, tỷ lệ sảy thai sẽ khác nhau. Vậy khi mang thai, khoảng thời gian nào dễ bị sảy thai nhất? Hãy cùng Papaya tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Đâu là thời điểm dễ bị sảy thai nhất khi mang thai? (Nguồn: Canva)
1. Sảy thai là gì?
Sảy thai được định nghĩa là hiện tượng thai bị tống xuất ra khỏi tử cung, chấm dứt thai kỳ trước thời điểm tuổi thai có thể sống độc lập, ngay cả khi có sự can thiệp của y tế. Phần lớn các ca sảy thai đều diễn ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ và thai bị đẩy ra ngoài có khối lượng không quá 500 gam.
Sảy thai được phân thành 2 loại chính là:
- Sảy thai tự nhiên: là hiện tượng sảy thai đột ngột ở người có thai bình thường.
- Sảy thai liên tiếp: là hiện tượng bị sảy thai tự nhiên liên tiếp từ 3 lần trở lên.
2. Khi mang thai thời gian nào dễ bị sảy thai nhất?
Theo các chuyên gia, có đến 80% số ca sảy thai diễn ra vào thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất) và 20% còn lại diễn ra vào 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai). Tỷ lệ sảy thai có sự biến đổi qua các tuần tuổi, cụ thể được mô tả trong bảng sau:
Giai đoạn | Tỷ lệ sảy thai |
---|---|
Tuần 0 - 6 | Đây là giai đoạn có tỷ lệ sảy thai cao nhất, lên đến 85%. Trường hợp bị sảy thai trong những tuần đầu thai kỳ thường không có nhiều dấu hiệu đặc trưng, do đó người phụ nữ thậm chí còn không biết mình mang thai và sảy thai. |
Tuần 7 - 12 | Lúc này, tim thai đã xuất hiện. Tỷ lệ sảy thai trong giai đoạn này khoảng 10%. Khi tuổi thai càng lớn, tỷ lệ sảy thai càng giảm. |
Tuần 13 - 20 | Tỷ lệ sảy thai trong giai đoạn này khoảng 5%. Lúc này thai đã bám chắc vào tử cung, do đó người mẹ bị sảy thai ở thời điểm này thường phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như băng huyết, nhiễm trùng tử cung,... |
Tỷ lệ sảy thai (Nguồn: Canva)
3. Những dấu hiệu sảy thai theo tuần tuổi thai kỳ mẹ bầu cần biết
Các thời điểm sảy thai khác nhau sẽ mang những dấu hiệu khác nhau. Chị em phụ nữ có thể theo dõi các dấu hiệu sảy thai đặc trưng theo tuần tuổi thai kỳ được tổng hợp trong bảng dưới đây:
Giai đoạn | Dấu hiệu sảy thai |
---|---|
0 - 6 tuần tuổi | Sảy thai trong giai đoạn này còn được gọi là “sảy thai hóa học” bởi các dấu hiệu của chúng rất mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ. Các triệu chứng gồm: ra máu ở âm đạo, đau lưng, đau bụng, chuột rút,... Điều này khiến nhiều chị em phụ nữ không biết mình đã mang thai và bị sảy thai. |
7 - 12 tuần tuổi | Hầu hết ở giai đoạn này các chị em đã xác định được việc mình mang thai. Các dấu hiệu sảy thai từ tuần 7 - 12 gồm: ra máu hoặc dịch hồng ở âm đạo kèm theo cục máu đông nhỏ, đau quặn bụng dưới lan tỏa ra vùng lưng và chậu, sau sảy thai các dấu hiệu thai nghén (buồn nôn, căng tức ngực, mệt mỏi,...) đều biến mất. Thai càng lớn các dấu hiệu này càng rõ rệt. |
13 - 20 tuần tuổi | Sảy thai ở giai đoạn này người mẹ vẫn có các dấu hiệu sảy thai cơ bản nhưng ở mức độ nặng hơn: chảy máu âm đạo nhiều và thường kéo dài, đau quặn bụng dưới, có thể gặp tình trạng sảy thai không hoàn toàn do nhau thai đã bám chắc vào tử cung, nguy cơ nhiễm trùng cao,... |
4. 5 lời khuyên hữu ích giúp phòng ngừa sảy thai
Để giảm thiểu tỷ lệ sảy thai trong 3 tháng đầu và giữa thai kỳ, người mẹ nên tham khảo một số lời khuyên sau:
Có chế độ sống lành mạnh
Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh không chỉ giúp người mẹ có sức khỏe tốt mà còn quyết định đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Các chị em phụ nữ nên xây dựng và duy trì các thói quen như:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đúng bữa.
- Ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục và vận động với cường độ phù hợp.
- Không hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
- Lượng caffein tiêu thụ mỗi ngày không nên quá 300mg.
Duy trì chế độ sống lành mạnh giúp giảm tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ (Nguồn: Canva)
Bổ sung acid folic
Việc thiếu hụt acid folic có thể là nguyên nhân gây dị tật thai nhi và tăng tỷ lệ bị sảy thai. Do đó những chị em phụ nữ có kế hoạch mang thai nên chủ động bổ sung acid folic đầy đủ và duy trì trong suốt thai kỳ.
Kiểm soát các bệnh mãn tính
Tỷ lệ sảy thai có xu hướng tăng nếu người mẹ không kiểm soát tốt các bệnh lý nền mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, cao mỡ máu,... Trong trường hợp này, người phụ nữ cần tuân thủ chỉ định và lời khuyên của bác sĩ, đồng thời thay đổi lối sống để đảm bảo tình trạng bệnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Có đời sống tình dục lành mạnh
Các bệnh lây qua đường tính dục như: lậu, sùi mào gà, giang mai,... thường gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Do đó việc có một đời sống tình dục lành mạnh, một vợ một chồng và thực hiện thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ là điều mà các cặp vợ chồng cần lưu tâm.
Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai
Nếu người mẹ không may mắc phải các bệnh truyền nhiễm như: sởi, rubella, quai bị,... trong 3 tháng đầu mang thai thì tỷ lệ sảy thai thường rất cao. Cách tốt nhất để phòng ngừa và hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh truyền nhiễm gây ra là tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh. Các chị em phụ nữ nên chủ động tìm hiểu và tiêm phòng đầy đủ ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Hy vọng rằng bài chia sẻ trên đây của Papaya đã giúp bạn đọc hiểu được khoảng thời gian nào dễ bị sảy thai nhất trong thai kỳ. Việc trang bị những kiến thức hữu ích này giúp các chị em phụ nữ cẩn trọng hơn và có sự chuẩn bị tốt cho kế hoạch mang thai của mình.