Quay lạiQuay lại

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung cần được nhận biết sớm

31/11/2022

Share

Nội dung chính

1. Những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
2. Xét nghiệm và chẩn đoán mang thai ngoài tử cung
3. Phương pháp điều trị có thai ngoài tử cung
Điều trị bằng thuốc
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật khẩn cấp
4. Khả năng mang thai lại sau khi điều trị thai ngoài tử cung
Kết luận

Thai ngoài tử cung là bệnh lý sản khoa rất nguy hiểm đối với chị em phụ nữ, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung là rất quan trọng để nhanh chóng ngăn ngừa biến chứng và có biện pháp xử lý phù hợp. Dưới đây là những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung mà chị em có thể tham khảo để chuẩn bị cho hành trình mang thai an toàn và khỏe mạnh.

1. Những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung thường gặp nhất là tình trạng chảy máu âm đạo bất thường.

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung thường gặp nhất là tình trạng chảy máu âm đạo bất thường.

Các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung phát triển giữa tuần thứ 4 và 12 của thai kỳ (hoặc khoảng 2 đến 10 tuần sau khi thụ tinh). Tuy nhiên, thai ngoài tử cung có thể khó chẩn đoán vì nhiều dấu hiệu - bao gồm căng ngực, buồn nôn và mệt mỏi - tương tự như các triệu chứng mang thai sớm bình thường. Thỉnh thoảng bị chuột rút và ra máu nhẹ ở âm đạo không phải là điều đáng lo ngại khi mang thai.

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu gặp các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sau đây, đặc biệt nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trầm trọng hơn:

  • Chảy máu nhẹ bất thường hoặc đốm nâu sau khi có kết quả thử thai dương tính.
  • Chảy máu âm đạo khác thường không xảy ra vào chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau bụng dữ dội, quặn thắt, thường ở vùng bụng dưới. Nó thường bắt đầu như một cơn đau âm ỉ tiến triển thành co thắt và chuột rút. Cơn đau có thể liên tục hoặc không liên tục và có thể trầm trọng hơn khi di chuyển, đi đại tiện hoặc ho.
  • Đau thắt lưng dưới.

Nếu mang thai ngoài tử cung không được phát hiện sớm dẫn đến việc vỡ ống dẫn trứng, bạn có thể gặp các dấu hiệu như:

  • Tình trạng chảy máu âm đạo nặng hơn
  • Đau bụng dữ dội và/hoặc tăng dần
  • Cảm giác muốn ngất xỉu, suy nhược hoặc chóng mặt do mất máu
  • Đau vai do tích tụ máu dưới cơ hoành
  • Gặp các vấn đề về bàng quang hoặc ruột: Vùng trực tràng bị khó chịu; Tiêu chảy, Đau khi đi đại tiện;

2. Xét nghiệm và chẩn đoán mang thai ngoài tử cung

Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán có thai ngoài tử cung để có biện pháp điều trị phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán có thai ngoài tử cung để có biện pháp điều trị phù hợp.

Mang thai ngoài tử cung thường được chẩn đoán vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ. Các xét nghiệm và chẩn đoán thai ngoài tử cung thường bao gồm:

  • Khám vùng chậu.
  • Siêu âm qua âm đạo, có thể phát hiện có thai ngoài tử cung sớm nhất là năm tuần sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn. Bác sĩ sẽ đưa một đầu dò vào bên trong âm đạo để kiểm tra tình trạng và vị trí phôi làm tổ.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone hCG được tạo ra bởi nhau thai trong thai kỳ. Nồng độ hCG tăng thấp do thai không phát triển bình thường. Tuy nhiên nồng độ hCG thấp không phản ánh chính xác hiện tượng thai ngoài tử cung.
  • Các xét nghiệm máu khác để kiểm tra các dấu hiệu mất máu trong trường hợp nghi ngờ vị trí phôi thai đậu bị vỡ.

3. Phương pháp điều trị có thai ngoài tử cung

Thật không may, không có cách nào để thai ngoài tử cung tiếp tục phát triển. Số ít trường hợp thai ngoài tử cung có thể tự tiêu, nhưng đa phần biến chứng này cần phải có sự can thiệp y khoa để loại bỏ. Có một số lựa chọn để điều trị, tất cả đều cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận để mức hCG giảm xuống bằng không.

Điều trị bằng thuốc

Những trường hợp mang thai ngoài tử cung được phát hiện sớm - không có tim thai và ống dẫn trứng chưa bị vỡ - thì có thể được điều trị bằng cách tiêm methotrexate. Thuốc sẽ ức chế sự phát triển của tế bào, vì vậy quá trình mang thai kết thúc và được cơ thể tái hấp thu trong vòng 4 đến 6 tuần.

Sau khi tiêm thuốc, bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm máu tiếp theo để đảm bảo mức hCG trong máy đang giảm về mức thích hợp. Nếu nồng độ hCG không giảm ít nhất 15 phần trăm trong khoảng thời gian từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy sau khi điều trị thì cần phải tiêm liều thứ hai.

Đặc biệt, bệnh nhân cần tránh uống rượu; sử dụng vitamin hoặc thực phẩm (rau củ có màu xanh đậm, trứng, họ nhà cam quýt, các loại quả mọng,...) có chứa axit folic; thuốc giảm đau, chống viêm như ibuprofen để đảm bảo thuốc hoạt động bình thường, cũng như tập thể dục nặng và quan hệ tình dục (trong ít nhất hai tuần). Trong quá trình này, thai ngoài tử cung vẫn có thể bị vỡ. Đó là lý do bạn phải tuân thủ lịch tái khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc theo dõi.

Phẫu thuật nội soi

Mở thông vòi trứng và cắt ống dẫn trứng là hai phẫu thuật nội soi được sử dụng để điều trị một số trường hợp mang thai ngoài tử cung. Trong thủ tục này, một vết rạch nhỏ được thực hiện ở bụng, gần hoặc ở rốn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng được trang bị ống kính máy ảnh và ánh sáng (nội soi) để xem kiểm tra tình trạng ống dẫn trứng.

Trong phẫu thuật mở thông vòi trứng, thai ngoài tử cung được loại bỏ và để ống dẫn trứng tự lành. Trong phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng, cả thai ngoài tử cung và ống đều được loại bỏ.

Quy trình thực hiện tùy thuộc vào lượng máu chảy, tình trạng ống có bị vỡ hay không. Ngoài ra, một yếu tố là liệu ống dẫn trứng còn lại có bình thường hay có dấu hiệu tổn thương trước đó hay không.

Phẫu thuật khẩn cấp

Nếu có hiện tượng thai ngoài tử cung chảy máu nhiều, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật khẩn cấp. Điều này có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi hoặc thông qua một vết rạch ở bụng (phẫu thuật mở bụng). Trong một số trường hợp, ống dẫn trứng có thể được giữ lại. Tuy nhiên, thông thường một ống bị vỡ phải được loại bỏ.

Xem thêm: Biến chứng sau mổ thai ngoài tử cung chị em cần lưu ý

4. Khả năng mang thai lại sau khi điều trị thai ngoài tử cung

Nếu tình trạng sức khoẻ ổn định, phụ nữ mang thai ngoài tử cung có thể mang thai lại sau 3 – 4 tháng điều trị.

Nếu tình trạng sức khoẻ ổn định, phụ nữ mang thai ngoài tử cung có thể mang thai lại sau 3 – 4 tháng điều trị.

Mang thai ngoài tử cung sẽ ảnh hưởng rất ít đến khả năng sinh sản sau này của bạn. Ngay cả khi bạn bị mất một ống dẫn trứng, ống còn vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ di chuyển trứng đã thụ tinh về làm tổ và phát triển tại tử cung.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 2/3 phụ nữ được điều trị thai ngoài tử cung đã thụ thai và sinh con bình thường trong vòng hai năm. Trong khi đó, trung bình khoảng 85% các cặp vợ chồng chưa từng mang thai ngoài tử cung sẽ thụ thai thành công trong vòng một năm.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng, việc có một lần mang thai ngoài tử cung sẽ làm tăng nguy cơ mang thai lần thứ hai và các yếu tố tương tự dẫn đến điều này ngay từ đầu có thể vẫn còn tồn tại. Vì vậy, nếu bạn muốn thử mang thai lần nữa, trước tiên hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và theo dõi các xét nghiệm máu để đảm bảo rằng hormone thai kỳ hCG đã giảm xuống mức thấp nhất. Tốt nhất bạn nên đợi từ ba đến sáu chu kỳ kinh nguyệt trước khi thử mang thai lần nữa.

Kết luận

Có thai ngoài tử cung là nguy cơ rất thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là chảy máu trong do khối thai bị vỡ. Vì vậy, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên trang bị cho mình các kiến thức về dấu hiệu mang thai ngoài tử cung để có một thai kỳ an toàn, khoẻ mạnh trong tương lai.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan