Nội dung chính
Thuyên tắc ối là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Nếu thai phụ bị thuyên tắc ối và không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa thuyên tắc ối là vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
1. Thuyên tắc ối là gì?
Thuyên tắc ối là tình trạng hiếm gặp, nhưng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. (Ảnh: Shutterstock)
Thuyên tắc nước ối, còn được gọi là hội chứng phản vệ thai kỳ, là một tình trạng hiếm gặp và đe dọa tính mạng có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh. Tình trạng này xảy ra khi nước ối hoặc tế bào của thai nhi vượt qua hàng rào nhau thai, đi vào máu của người mẹ và bắt đầu di chuyển khắp hệ thống tuần hoàn. Nguyên nhân cơ bản của thuyên tắc ối vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng nó có thể xuất phát từ việc hàng rào nhau thai bị phá vỡ trong quá trình chuyển dạ.
Khi vật chất của thai nhi đi vào máu của người mẹ, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra đó là một chất lạ trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm cấp tính. Phản ứng miễn dịch này kích hoạt quá trình đông máu bất thường trong phổi và mạch máu của người mẹ. Từ đó, dẫn đến tình trạng đông máu nghiêm trọng được gọi là đông máu nội mạch lan tỏa. Mặc dù tình trạng này hiếm gặp nhưng nước ối xâm nhập vào máu không phải là hiếm. Nhiều bà mẹ trong quá trình chuyển dạ sẽ hút một lượng nhỏ nước ối mà không gặp biến chứng gì. Thế nhưng, vẫn có một số lại có phản ứng miễn dịch cực đoan với nước ối.
2. Dấu hiệu nhận biết thuyên tắc ối
Thuyên tắc ối thường xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước vào thời điểm chuyển dạ, hoặc ngay lập tức sau sinh. (Ảnh: Pinterest)
Thuyên tắc nước ối thường xảy ra khi chuyển dạ hoặc trong vòng 30 phút sau khi sinh. Các dấu hiệu và triệu chứng của thuyên tắc ối thường xảy ra đột ngột và nhanh chóng. Chúng tương tự như các triệu chứng của các biến chứng thai sản khác, do đó rất khó để phát hiện và phòng ngừa thuyên tắc ối. Bác sĩ sẽ chẩn đoán sản phụ bị thuyên tắc ối nếu có các triệu chứng như:
- Thở gấp hoặc khó thở.
- Hạ huyết áp đột ngột.
- Phù phổi.
- Nhịp tim bất thường.
- Chảy máu tử cung, vết rạch ở vị trí mổ lấy thai hoặc vị trí tiêm tĩnh mạch.
- Suy thai.
- Kích động, nhầm lẫn hoặc lo lắng đột ngột.
- Ớn lạnh.
3. Các biện pháp phòng ngừa thuyên tắc ối
Để phòng ngừa thuyên tắc ối, thai phụ cần được theo dõi tình trạng sức khoẻ trước, trong và sau khi sinh. (Ảnh: Getty Images)
Hiện tại không có cách nào để phòng ngừa thuyên tắc ối. Việc xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm, chẳng hạn như các dấu hiệu sinh tồn bất thường và suy thai, có thể giúp đội ngũ y tế bắt đầu các biện pháp điều trị sớm để giúp ngăn chặn sự tiến triển của thuyên tắc ối. Hoặc xác định các yếu tố rủi ro có thể giúp phòng ngừa thuyên tắc ối, chẳng hạn như:
- Thai phụ tuổi cao: Những bà mẹ từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị biến chứng khi mang thai và chuyển dạ, bao gồm cả thuyên tắc ối.
- Các vấn đề về nhau thai - Dị tật ở nhau thai (cơ quan phát triển trong tử cung khi mang thai) cũng làm tăng nguy cơ thuyên tắc nước ối. Những bất thường như nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung (phần dưới, hẹp cửa tử cung) và nhau thai bong ra khỏi tử cung trước khi sinh có thể làm hỏng hàng rào ngăn cách giữa mẹ và bé.
- Tiền sản giật: Huyết áp cao khi mang thai và chuyển dạ có liên quan đến việc tăng nguy cơ thuyên tắc ối.
- Kích thích chuyển dạ về mặt y tế: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có một số phương pháp kích thích chuyển dạ nhất định có thể góp phần vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Dùng lực quá mạnh trong khi sinh: Sinh mổ, sử dụng kẹp sản khoa hoặc phương pháp giác hút chân không để sinh em bé đều có thể gây tổn thương cho hàng rào vật lý ngăn cách em bé với cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định chắc chắn rằng đây có thể là nguyên nhân trực tiếp hay không. Vì các quy trình này được thực hiện sau khi các bác sĩ đánh giá tổng thể tình trạng nhằm tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.
- Đa ối: Nước ối quá nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc ối.
- Các cơn co thắt dữ dội khi chuyển dạ.
- Vở hoặc rách tử cung trong quá trình mang thai.
- Suy thai.
Những thai phụ có yếu tố nguy cơ cần được theo dõi chặt chẽ trước, trong và sau khi sinh để có biện pháp phòng ngừa thuyên tắc ối và hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Trường hợp thuyên tắc ối gây tai biến chuyển dạ, phải tiến hành hồi sức cấp cứu ngay để chấm dứt tình trạng ngừng tuần hoàn và hô hấp. Do đó, phòng ngừa thuyên tắc ối và phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng để có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời. Trong tình huống nguy kịch, có thể cần phải cắt bỏ tử cung để cứu sống người mẹ.
Kết luận
Thuyên tắc ối là biến chứng thai sản rất khó dự đoán, do đó rất khó để xác định chính xác biện pháp phòng ngừa thuyên tắc ối. Tuy nhiên, theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nếu trước đây đã từng bị thuyên tắc nước ối, chị em nên trao đổi với bác sĩ trước khi mang thai lần nữa để có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.