Nội dung chính
Ốm nghén trong 3 tháng đầu là hiện tượng gặp phải ở hầu hết các phụ nữ khi mang thai. Tuy nhiên, ốm nghén của một số chị em có thể kéo dài và nặng hơn là nghén hết thai kỳ. Chính vì vậy, lúc này phụ nữ phải trải qua thời gian chịu đựng không những về thể chất mà còn tâm lý dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Vậy cách giảm nghén bà bầu nhanh và hiệu quả là gì? Nội dung bài viết này sẽ giúp các mẹ tìm hiểu về những biện pháp tốt nhằm giúp các mẹ cải thiện về sức khoẻ hơn.
Ốm nghén là hiện tượng gặp phải ở hầu hết các phụ nữ khi mang thai - Nguồn ảnh: Canva
I. Vì sao mẹ bầu bị ốm nghén?
Cách giảm ốm nghén là điều mà chị em phụ nữ khi mang thai quan tâm hàng đầu để giải quyết được cảm giác khó chịu trong cơ thể. Tuy nhiên, để tìm ra phương pháp phù hợp thì các mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao gây ốm nghén để có thể hiểu cơ thể mình hơn. Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ốm nghén.
1. Do hormone HCG tăng lên
Hormone chorionic gonadotropin (HCG) là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ốm nghén ở các mẹ bầu. Trong quá trình mang thai, nồng độ HCG trong cơ thể mẹ bầu sẽ tăng gấp đôi dẫn đến tình trạng buồn nôn và ói trầm trọng. Ngoài ra, nồng độ HCG cao hay thấp còn là dấu hiệu nhận biết tuổi thai và những vấn đề về sức khỏe của thai nhi.
2. Khứu giác của các mẹ nhạy cảm hơn
Nhiều mẹ bầu cho rằng khứu giác của họ trở nên nhạy cảm hơn mỗi khi ngửi thấy mùi nước hoa, khói thuốc lá hay thực phẩm khiến họ buồn nôn. Hiện tượng này được giải thích rằng khi mức độ estrogen tăng lên ở 3 tháng đầu thì khứu giác sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các mùi lạ.
3. Do hệ tiêu hoá bị thay đổi
Những biến đổi của hệ tiêu hoá trong thời gian mang thai cũng có thể khiến tình trạng ốm nghén của các mẹ bầu trở nên nặng hơn. Trong khoảng thời gian đầu, mức độ progesterone tăng lên tác động đến tử cung để hỗ trợ sự phát triển của phôi thai. Tuy nhiên, progesterone còn tác động tới dạ dày, ruột và thực quản gây ra triệu chứng chậm tiêu hoá. Điều này khiến cho các mẹ bị tích tụ thức ăn trong dạ dày gây cảm giác buồn nôn.
Nguyên nhân gây nên ra hiện tượng ốm nghén cho mẹ bầu - Nguồn ảnh: Canva
II. Những biểu hiện ốm nghén ở bà bầu
Triệu chứng ốm nghén rất dễ nhận thấy ở các mẹ bầu chính là buồn nôn. Cảm giác này có thể tấn công mẹ bầu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng nhiều nhất là vào buổi sáng. Ngoài ra, ốm nghén thường đi với các biểu hiện ở mẹ bầu như:
- Mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
- Luôn nhạy cảm với các mùi như thuốc lá, mùi nước hoa, chất tẩy rửa, rượu hay cà phê.
- Mẹ bầu bỗng dưng chán ghét đồ ăn - đây là biểu hiện ốm nghén rất phổ biến ở các chị em phụ nữ mang thai.
- Ngoài ra, thai phụ có thể gặp những triệu chứng như: đau sưng vùng ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn vui thất thường, rối loạn tiêu hoá hay bị xáo trộn giấc ngủ,...
Tuy nhiên, trước khi nhận biết cách giảm nghén bà bầu, các mẹ nên lưu tâm những trường hợp thai phụ mắc chứng ốm nghén nặng bởi điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé. Một số những biểu hiện của ốm nghén nặng như:
- Nôn ói dữ dội (nhiều hơn 3 lần/ngày) và đôi lúc ói ra máu.
- Ốm nghén tới tuần thai thứ 12 hoặc tuần thứ 16 của thai kỳ.
- Mẹ bầu sụt 5% trọng lượng cơ thể và thường xuyên bị ngất xỉu.
- Ăn bất cứ thứ gì cũng nôn, không thể giữ thức ăn trong dạ dày.
- Mẹ bầu bị tăng nhịp tim, hạ huyết áp và mất nước nghiêm trọng.
Nếu gặp những triệu chứng ốm nghén nặng trên thì các mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay từ đó có thể được tư vấn và điều trị bằng phương pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
III. Cách giảm ốm nghén bà bầu nhanh và hiệu quả
Ốm nghén là một tình trạng rất phổ biến và khó chịu trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Dưới đây là một số cách giảm nghén thai 3 tháng đầu:
1. Bổ sung vitamin B6
Vitamin B6 có tác dụng làm giảm các triệu chứng của ốm nghén hiệu quả. Thông thường, liều lượng uống vitamin B6 trong thai kỳ là khoảng 10 - 25mg và uống 3 lần một ngày. Với liều lượng này thì mẹ bầu có thể giảm triệu chứng ốm nghén và cải thiện sức khoẻ hơn.
Mặc dù vitamin B6 là một loại vitamin an toàn và cần thiết cho cơ thể, nhưng không phải tất cả các mẹ đều phù hợp với cách giảm nghén bà bầu bằng việc bổ sung vitamin B6, đặc biệt là trong trường hợp có những vấn đề sức khỏe liên quan.
Một số trường hợp mẹ bầu không nên sử dụng vitamin B6 để giảm nghén bao gồm:
- Mẹ bầu có tiền sử dị ứng với vitamin B6 hoặc các thành phần khác trong sản phẩm bổ sung.
- Mẹ bầu đang sử dụng các loại thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOIs) - được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh và các bệnh lý khác; thuốc tránh thai; hoặc các loại thuốc khác có thể tương tác với vitamin B6.
- Mẹ bầu có tiền sử đột quỵ hoặc bệnh gan nặng.
- Mẹ bầu đang bị một số vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh về tim mạch cần phải được điều trị đặc biệt.
Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào trong thai kỳ, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
2. Không nuốt quá nhiều nước bọt
Việc nuốt quá nhiều nước bọt khi mang thai có thể làm tăng cảm giác ứ đọng và khó chịu trong dạ dày, từ đó dẫn đến các triệu chứng của ốm nghén. Nếu bị tiết quá nhiều nước bọt, mẹ bầu có thể súc miệng thường xuyên với nước sạch hoặc nước muối sinh lý để giúp giảm cảm giác khó chịu trong miệng và giảm triệu chứng của ốm nghén.
Lưu ý, không nên sử dụng soda để súc miệng thường xuyên khi mang thai, vì đây là chất acid có thể gây hại cho răng và dẫn đến các vấn đề về răng miệng.
Nếu gặp các triệu chứng ốm nghén nghiêm trọng hoặc kéo dài trong thời gian dài, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cách giảm nghén bà bầu và điều trị kịp thời nhé.
Một mẹo giảm hiện tượng nghén cho mẹ bầu - Nguồn ảnh: Canva
3. Sử dụng các loại thực phẩm giảm nghén thai 3 tháng đầu
a. Nước mía
Mẹ bầu bị nghén nặng cần chuẩn bị 300g mía tím và 5g gừng tươi. Sau đó, đem mía tím đi nướng cho nóng, bỏ bỏ và ép lấy nước. Song song đó là giã gừng thật nhỏ, cho vào nước mía và khuấy đều, tiếp theo hãy chắt lấy nước và bỏ bã. Các mẹ nên chia thành 3 cốc để uống 3 lần trong ngày. Hãy nhớ là uống trước khi ăn 30 phút và uống liên tục từ 3 đến 5 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất nhé!
b. Nước ô mai
Mẹ bầu cần chuẩn bị 20 quả ô mai, 5g gừng tươi và 30g đường đỏ. Cho tất cả những nguyên liệu vừa rồi bỏ vào nồi, thêm 400ml nước và đun sôi. Sau đó, hãy chắt lấy nước thuốc đặc và chia làm 3 cốc để uống 3 lần trong ngày. Uống trước khi ăn 20 phút và nếu mẹ bầu bị nghén nặng thì nên uống liên tục từ 3 đến 5 ngày.
c. Me, sấu ngâm gừng
Các bà bầu cần chuẩn bị 200g me, 200g sấu, 10g gừng và 30g đường trắng. Đối với me và sấu, các mẹ cạo bỏ vỏ và đem nấu chín. Gừng rửa, cạo vỏ sạch, giã nhỏ trộn với đường rồi sau đó cho vào nồi cùng với me và sấu đến khi đường tan hết là có thể uống.
Tham khảo thêm: Cách uống trà gừng giảm nghén dành cho các mẹ bầu
4. Nghỉ ngơi và tập thể dục đầy đủ
Stress hay mệt mỏi là yếu tố khiến cho những triệu chứng ốm nghén của mẹ bầu trở nên nặng hơn. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng này đồng thời giúp cho thai nhi phát triển tốt nhất thì các mẹ hãy cố gắng gác lại công việc để nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đủ giấc. Mẹ bầu có thể tập cho mình thói quen đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc cũng có thể tập những bài tập nhẹ cho bà bầu như yoga, thiền,...
Có rất nhiều trường hợp nghén nặng không được điều trị kịp thời dẫn đến ngộ độc thai nghén gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Bởi vậy, các mẹ cần lưu tâm các biểu hiện nghén nặng và cách giảm ốm nghén bà bầu nhằm đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Trong 3 tháng đầu, nếu có bất kỳ sự bất thường nào thì các mẹ nên đi khám thai để tránh những tình huống không đáng có nhé!