Quay lạiQuay lại

Các mũi tiêm phòng trước mang thai mẹ bầu cần nắm

9/0/2023

Share

Nội dung chính

Tại sao phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai?
Các mũi tiêm phòng trước mang thai mẹ bầu cần biết
Tiêm phòng viêm gan B
Tiêm phòng thủy đậu
Tiêm phòng sởi, quai bị, rubella trước mang thai
Tiêm vắc-xin phòng cúm
Những lưu ý khi thực hiện các mũi tiêm phòng trước mang thai

Tiêm phòng trước mang thai là cách tốt nhất giúp bảo vệ người mẹ khỏi một số bệnh truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe thai kỳ. Vậy các mũi tiêm phòng trước mang thai nào là cần thiết? Hãy cùng Papaya tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

Trước khi mang thai cần tiêm phòng vắc-xin gì? <i>(Nguồn: Canva)</i>

Trước khi mang thai cần tiêm phòng vắc-xin gì? (Nguồn: Canva)

Tại sao phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai?

Trong quá trình mang thai, hệ thống miễn dịch của người phụ nữ hoạt động kém hơn so với bình thường. Do đó khả năng bị nhiễm bệnh và nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng của đối tượng này sẽ tăng lên. Các bệnh mắc phải không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp nghiêm trọng, đứa trẻ có thể bị sinh non, kém phát triển, thậm chí là dị tật, quái thai.

Một lý do khác cũng cần được nhắc đến chính là sự hạn chế trong điều trị bệnh cho đối tượng là phụ nữ mang thai. Việc lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp cho mẹ bầu là rất khó khăn bởi phần lớn các loại thuốc đưa vào cơ thể người mẹ đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến trẻ. Do đó một khi bị mắc bệnh, việc chữa trị thường khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với sự phát triển của y học hiện đại, các loại vắc-xin dành cho phụ nữ trước mang thai đều rất an toàn. Nó không chỉ đem lại khả năng phòng bệnh cho người mẹ mà còn tạo nên miễn dịch thụ động cho thai nhi. Loại miễn dịch này có thể kéo dài và bảo vệ trẻ cả trong những năm tháng đầu khi mới chào đời.

Từ những lý do kể trên, chị em phụ nữ cần chủ động tìm hiểu và tiến hành tiêm một số mũi vắc-xin phòng bệnh cần thiết trước khi có kế hoạch mang thai. Điều này giúp bạn có sự chuẩn bị tốt cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Các mũi tiêm phòng trước mang thai mẹ bầu cần biết

Tiêm phòng viêm gan B

Viêm gan B do virus HBV gây ra. Bệnh lý này có thể lây nhiễm thông qua đường máu, đường quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Do đó người mẹ cần tiêm phòng viêm gan B trước khi mang thai để hạn chế nguy cơ mắc và truyền virus gây bệnh qua trẻ trong giai đoạn thai kỳ.

Liệu trình tiêm vắc-xin phòng viêm gan B thường bao gồm 3 mũi, kéo dài trong 3 - 4 tháng. Trước khi tiêm loại vắc-xin này, người mẹ cần được xét nghiệm để xác định trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus gây viêm gan B hay chưa. Nếu đã có thì không cần thực hiện mũi tiêm phòng này nữa.

Tiêm phòng thủy đậu

Thủy đậu là bệnh lý có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường tự khỏi và không để lại biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai việc mắc thủy đậu lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lớn. Các bà bầu khi mắc thủy đậu thường có diễn biến bệnh nặng hơn so với người bình thường. Bên cạnh đó bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi và gây ra các hệ lụy như: hội chứng thủy đậu bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, teo thần kinh thị giác, tỷ lệ mắc zona cao,...

Liệu trình tiêm vắc-xin phòng thủy đậu thường gồm 2 mũi. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên tiêm loại vắc-xin này trước thời điểm mang thai ít nhất là 3 tháng. Vì thủy đậu có khả năng tạo miễn dịch chủ động, có nghĩa là người đã từng mắc bệnh sẽ có kháng thể tự nhiên và không bị tái mắc một lần nữa. Do đó những bà mẹ từng bị thủy đậu không cần tiêm loại vắc-xin này.

Tiêm phòng trước mang thai giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và bé <i>(Nguồn: Canva)</i>

Tiêm phòng trước mang thai giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và bé (Nguồn: Canva)

Tiêm phòng sởi, quai bị, rubella trước mang thai

Sởi, quai bị và rubella cũng là những bệnh lý có khả năng truyền nhiễm cao do virus gây ra. Nếu người phụ nữ không may mắc phải các bệnh này trong thời gian đang mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ thì mức độ ảnh hưởng đến thai nhi thường rất nghiêm trọng. Một số biến chứng nguy hiểm mà sởi, quai bị và rubella có thể gây ra cho trẻ gồm: sinh non, sảy thai, dị tật bào thai, thai lưu,...

Hiện nay chị em phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa 3 bệnh lý kể trên thông qua loại vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella kết hợp 3 trong 1. Mũi tiêm phòng này cần được thực hiện trước thời điểm mang thai ít nhất là 3 tháng để đảm bảo đủ thời gian cho cơ thể người mẹ tiếp nhận và sản sinh kháng thể.

Tiêm vắc-xin phòng cúm

Cúm là bệnh lý phổ biến ở mọi đối tượng, dễ lây lan và thường gặp theo mùa. Các virus gây cúm rất đa dạng, có khả năng biến đổi nhanh và ngày càng phức tạp. Phụ nữ mang thai rất dễ mắc cúm khi vào mùa, bệnh thường kéo dài dai dẳng và trở nặng, đôi khi tiến triển thành các bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng phổi, viêm đường hô hấp,... Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động trực tiếp đến thai nhi. Phụ nữ mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ bị sẩy thai, thai chậm phát triển, dị tật thai,... thường tăng cao. 

Việc tiêm vắc-xin phòng cúm được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc bệnh, hạn chế 50% nguy cơ biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và giảm 40% nguy cơ phải nhập viện do cúm. Chị em phụ nữ có thể tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai hoặc ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Tuy nhiên loại vắc-xin này không có tác dụng ngay mà phải mất từ 10 - 14 ngày để cơ thể tạo đáp ứng. Do đó theo các chuyên gia tốt nhất nên thực hiện tiêm phòng cúm khoảng 1 tháng trước khi mang thai.

Lợi ích của việc tiêm phòng trước mang thai <i>(Nguồn: Canva)</i>

Lợi ích của việc tiêm phòng trước mang thai (Nguồn: Canva)

Những lưu ý khi thực hiện các mũi tiêm phòng trước mang thai

Khi tiêm phòng trước mang thai, chị em phụ nữ cần lưu ý những điều sau:

  • Tìm hiểu kỹ khoảng thời gian thích hợp để thực hiện các mũi tiêm phòng
  • Giữ khoảng cách giữa các mũi tiêm phòng với thời điểm mang thai theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Sau khi tiêm xong cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi sức khỏe, đề phòng trường hợp phản ứng hoặc sốc thuốc có thể xảy ra
  • Thực hiện tiêm phòng ngay khi có thể, không nên trì hoãn đến sát thời điểm mang thai

Trên đây là những kiến thức về các mũi tiêm phòng trước mang thai mà chị em phụ nữ cần biết. Việc chủ động thực hiện tiêm phòng giúp bạn hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, tạo nền tảng sức khỏe tốt cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan