Nội dung chính
Tiền sản giật là một tình trạng bệnh lý có thể xảy ra trong giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu sức khỏe của bà bầu có vấn đề hoặc cách chăm sóc không đúng cách thì nguy cơ bị tiền sản giật sẽ cao hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Các triệu chứng tiền sản giật có thể gặp như tăng huyết áp thai kỳ, phù mặt và tay, tăng cân nhanh, khó thở, đau bụng trên, hạn chế tầm nhìn, tiểu ít… Tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ để có biện pháp dự phòng tiền sản giật hiệu quả.
I. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Nếu chưa bao giờ bị huyết áp cao nhưng huyết áp lại tăng cao hơn 140/90 mm Hg sau tuần thứ 20 của thai kỳ, thai phụ có thể bị tiền sản giật. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Nếu không được điều trị, nó có thể gây hại cho não, thận và gan của thai phụ. Thậm chí có thể dẫn đến sản giật, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả hai.
Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì có thể dự phòng tiền sản giật và giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh bằng cách thăm khám thai định kỳ. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ mang thai bị tiền sản giật đều sinh con khỏe mạnh.
Xem thêm: 3 biểu hiện tiền sản giật nguy hiểm mẹ bầu cần lưu ý
II. Các yếu tố tăng nguy cơ mắc tiền sản giật
Khoảng 6-8% phụ nữ mang thai gặp phải các tình trạng: tiền sản giật khi mang thai, tiền sản giật trước khi sinh, tiền sản giật sau sinh. Tuy nhiên, những người sau đây có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật cao hơn, nếu:
- Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình tiền sản giật có nguy cơ cao hơn.
- Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính.
- Phụ nữ mang thai lần đầu
- Phụ nữ sinh đôi, sinh ba
- Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần (dưới 2 năm) hoặc quá xa (trên 10 năm).
- Bà bầu béo phì có nguy cơ bị tiền sản giật cao.
- Phụ nữ trước khi mang thai mắc các bệnh: đau nửa đầu, đái tháo đường, cao huyết áp mãn tính, bệnh thận,…
- Nếu thụ thai bằng IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), bạn có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật cao hơn.
III. Tôi có thể phòng ngừa tiền sản giật không?
Thăm khám thai định kỳ để dự phòng tiền sản giật hiệu quả.
Để phòng ngừa tiền sản giật trước và sau khi sinh, phụ nữ mang thai có thể thực hiện 4 biện pháp phòng ngừa sau:
1. Thăm khám trước và sau sinh định kỳ
Theo dõi các lần thăm khám trước và sau khi sinh là rất quan trọng khi nói đến việc dự phòng tiền sản giật. Trong khi một số phụ nữ sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng bên ngoài, nhiều người thì không, và dấu hiệu đầu tiên thường là chỉ số huyết áp cao hơn bình thường trong những lần khám thai. Chính vì vậy, ngay cả khi đang cảm thấy ổn, hoặc đang bận rộn với công việc, bạn đừng bỏ lỡ bất kỳ buổi khám thai định kỳ nào nhé.
2. Kiểm soát cân nặng
Hai yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc tiền sản giật ở thai phụ là béo phì (cụ thể là có chỉ số BMI trên 30) và tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, nếu đang lo lắng về việc phát triển chứng tiền sản giật khi mang thai, hoặc đặc biệt nếu đã từng bị tiền sản giật trong lần mang thai trước, thì bạn hãy cố gắng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn đang muốn mang thai, hãy cố gắng đạt chỉ số BMI ở mức trung bình. Và nếu bạn đã mang thai, hãy cố gắng chú ý ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Đừng thêm quá nhiều muối vào thức ăn, uống nhiều nước trong ngày, tránh uống rượu và cố gắng tránh xa đồ chiên rán và đồ ăn vặt càng nhiều càng tốt.
3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi bạn đang mang thai. Việc tập thể dục thường xuyên khi mang thai có thể làm giảm sự khó chịu, cải thiện tâm trạng của bạn, xây dựng sức chịu đựng khi chuyển dạ và thậm chí giúp bạn ngủ ngon hơn. Nó có thể ngăn ngừa tăng cân quá mức, cũng như giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao ở một số phụ nữ. Bạn có thể lựa chọn một số bài tập nhẹ như đi bộ, bơi lội hoặc yoga. Tuy nhiên, đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ về những bài tập an toàn và phù hợp với tình trạng sức khoẻ hiện tại.
4. Thuốc và thực phẩm bổ sung
Đây chắc chắn là vấn đề cần thảo luận trực tiếp với bác sĩ. Nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ tiền sản giật, dùng aspirin liều thấp và bổ sung canxi vào chế độ ăn uống. Tất nhiên, bạn nên thảo luận về những ưu và nhược điểm của phương pháp dự phòng tiền sản giật này với bác sĩ. Lưu ý, bạn không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc vitamin nào mà không có sự chấp thuận cụ thể từ bác sĩ.
IV. Phòng bệnh tiền sản giật như thế nào trong chế độ dinh dưỡng?
1. Chế độ ăn phòng ngừa tiền sản giật
Chế độ ăn uống khoa học là một trong các yếu tố giúp phòng ngừa tiền sản giật.
Không có chế độ ăn kiêng nào có thể dự phòng tiền sản giật. Tuy nhiên, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein luôn là một sự lựa chọn lý tưởng, cho dù bạn có thai hay không. Vì cân nặng và chỉ số BMI là hai trong số các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật có thể được kiểm soát để giúp giảm nguy cơ mắc tiền sản giật.
Chính vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu bạn biết những chất dinh dưỡng nào là phù hợp để kiểm soát cân nặng, giữ gìn sức khỏe lành mạnh và hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé trong suốt quá trình mang thai.
2. Các khoáng chất hỗ trợ phòng ngừa tiền sản giật
Để phòng ngừa tiền sản giật, Viện Nghiên cứu Brigham Health (Hoa Kỳ) khuyến nghị nên bổ sung các chất dinh dưỡng sau đây:
- Axít folic: Axit folic có tác dụng ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và giảm nguy cơ sinh non, axit folic có thể được tìm thấy trong rau củ màu xanh, trái cây họ cam quýt, đậu khô và ngũ cốc
- Canxi: Canxi có trong mọi thứ từ sữa và sữa chua đến phô mai, cá hồi và rau bina. Bổ sung đầy đủ canxi có nghĩa là mẹ bầu và thai nhi sẽ có xương và răng chắc khỏe.
- Vitamin D: Các loại cá béo, như cá hồi, là một nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời giúp hình thành răng và xương của thai nhi.
- Sắt: Phụ nữ mang thai cần gấp đôi lượng sắt so với phụ nữ không mang thai, vì vậy điều quan trọng là thai phụ phải đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm có nhiều chất sắt như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, đậu và rau bina.
Để dự phòng tiền sản giật khi mang thai cũng như có quá trình sinh nở an toàn, thai phụ cần có chế độ ăn uống điều độ, luyện tập thể dục thể thao kết hợp với việc khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe tốt nhất.
Tham khảo thêm: Bị tiền sản giật có đẻ thường được không?