Nội dung chính
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng — thậm chí gây tử vong — cho cả mẹ và bé. Theo dõi ngay bài viết sau để nhận biết các biểu hiện tiền sản giật kịp thời để có một thai kỳ khỏe mạnh mẹ nhé!
I. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể xảy ra sau 20 tuần mang thai. Nó thường gây ra huyết áp cao và có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể bao gồm gan, thận và não. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi.
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai sản nghiêm trọng phổ biến. Tiền sản giật nhẹ có thể xảy ra ở 1/10 ca mang thai và tiền sản giật nặng ở 1/100 ca mang thai. Phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các rủi ro đe dọa tính mạng.
II. 03 biểu hiện tiền sản giật nguy hiểm mẹ bầu cần lưu ý
Tăng huyết áp, tăng protein niệu và phù cơ thể là 3 biểu hiện tiền sản giật điển hình.
Tiền sản giật tương đối khó phát hiện vì các triệu chứng tiền sản giật thường không được chú ý. Các dấu hiệu đầu tiên thường được phát hiện trong các lần khám thai định kỳ vì nó gần giống với các triệu chứng của thai kỳ bình thường. Vì vậy, việc khám thai định kỳ và đầy đủ trong suốt thai kỳ là rất quan trọng.
3 biểu hiện tiền sản giật thường gặp bao gồm:
- Huyết áp cao là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy mẹ bầu đang bị tiền sản giật. Ngay cả khi bạn không bị tiền sản giật, huyết áp cao có thể cho thấy một vấn đề khác có thể đang xảy ra. Nếu bị huyết áp cao, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc và yêu cầu mẹ bầu theo dõi huyết áp tại nhà giữa các lần khám.
- Protein trong nước tiểu (protein niệu). Tiền sản giật có thể thay đổi cách thức hoạt động của thận, khiến protein tràn vào nước tiểu. Nồng độ protein làm cho nước tiểu có nhiều bọt. Nếu bạn có dấu hiệu tiền sản giật, mẹ bầu có thể được yêu cầu lấy nước tiểu trong 12 hoặc 24 giờ. Điều này sẽ giúp cho các bác sĩ kiểm tra lượng protein trong nước tiểu và chẩn đoán tiền sản giật chính xác hơn.
- Sưng (phù nề). Mặc dù sưng một chút là bình thường khi mang thai, nhưng sưng nhiều ở mặt, quanh mắt hoặc ở tay có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Một số triệu chứng tiền sản giật khác
Ngoài ba biểu hiện thường gặp trên mẹ bầu cũng có thể gặp một số triệu chứng tiền sản giật khác như:
- Đau lưng dưới liên quan đến suy giảm chức năng gan.
- Thay đổi thị lực, không thể chịu được ánh sáng chói hoặc dạng đèn nhấp nháy.
- Tăng cân đột ngột hơn 2kg trong một tuần.
- Khó thở.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa. Một số phụ nữ bị buồn nôn và nôn trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, đối với hầu hết phụ nữ, tình trạng ốm nghén sẽ hết sau tam cá nguyệt đầu tiên. Nếu buồn nôn và nôn trở lại sau giữa thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu tiền sản giật.
- Nhức đầu dữ dội không biến mất khi dùng thuốc giảm đau.
- Đau bụng, đặc biệt là ở phần trên bên phải của bụng hoặc trong dạ dày của bạn.
III. Biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật
Tiền sản giật có thể khiến bé bị sinh non và suy dinh dưỡng.
Tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Những biến chứng này có thể bao gồm:
- Sinh non: Cách duy nhất để chữa chứng tiền sản giật là sinh em bé, nhưng đôi khi việc sinh nở có thể được hoãn lại để em bé có thêm thời gian trưởng thành. Bác sĩ sẽ theo dõi các biểu hiện tiền sản giật để xác định thời điểm tốt nhất để sinh con nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và em bé.
- Tổn thương cơ quan thận, gan, phổi, tim hoặc mắt của.
- Thai nhi bị hạn chế tăng trưởng. Vì tiền sản giật ảnh hưởng đến lượng máu được vận chuyển đến nhau thai nên em bé có thể bị nhẹ cân.
- Hội chứng HELLP. Hội chứng HELLP (tan máu, tăng men gan và giảm số lượng tiểu cầu) là một dạng tiền sản giật nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của mẹ và em bé.
- Sản giật. Tiền sản giật không được kiểm soát có thể chuyển thành sản giật. Nó bao gồm tất cả các triệu chứng tiền sản giật, nhưng thai phụ cũng sẽ bị co giật. Sản giật có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Bệnh tim mạch trong tương lai. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch của người mẹ sẽ tăng lên nếu bị tiền sản giật nhiều lần hoặc sinh non.
- Nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi em bé chào đời. Nó gây chảy máu và có thể đe dọa tính mạng của mẹ và em bé.
IV. Cách phòng ngừa tiền sản giật
Duy trì lối sống khoa học và nhận biết kịp thời triệu chứng tiền sản giật là phương pháp giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Tiền sản giật không thể phòng ngừa được hoàn toàn, nhưng phụ nữ mang thai có thể duy trì huyết áp khỏe mạnh và giảm nguy cơ tiền sản giật nếu duy trì lối sống lành mạnh. Một số biện pháp có thể phòng ngừa tiền sản giật được các chuyên gia khuyến cáo bao gồm::
- Uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày
- Tránh thực phẩm chiên hoặc rán
- Ăn ít muối, tránh uống rượu và caffein
- Tập thể dục thường xuyên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ
- Mẹ bầu luôn cần được nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý
- Bổ sung đầy đủ lượng các chất DHA, EPA. Ngoài ra các nguồn thức ăn dồi dào Omega 3 cho bà bầu có thể kể đến như cá hồi, súp lơ, bắp cải, quả óc chó, hạt vừng...
- Bên cạnh đó người mẹ cần đáp ứng đủ lượng canxi cần thiết. Thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, bông cải xanh, đậu bắp, măng tây, rau diếp...
- Đặc biệt các chuyên gia cũng cho rằng nếu mẹ bầu được cung cấp đủ Vitamin D cho cơ thể giúp giảm 27% nguy cơ bị tiền sản giật. Vitamin D có nhiều trong các loại thực phẩm như dầu gan cá, nấm hương, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
V. Kết luận
Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm cho thai kỳ và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, để có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, ăn uống khoa học để phòng ngừa tiền sản giật. Đồng thời, việc khám thai định kỳ giúp tầm soát, phát hiện kịp thời các biểu hiện tiền sản giật để có hướng hỗ trợ phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Tham khảo thêm: