Nội dung chính
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ giúp dân văn phòng đảm bảo tài chính ổn định, không phải áp lực chuyện tiền bạc. Đồng thời có một khoản dư tiết kiệm để đầu tư cho mục đích lâu dài. Chắc chắn không có gì tuyệt vời hơn nếu bạn không bao giờ phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Nhưng để làm được điều đó, bạn phải biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Đặc biệt với dân văn phòng đang trong giai đoạn tích lũy tài sản cá nhân thì việc kiểm soát chi tiêu là vô cùng quan trọng.
1. Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Để hiểu được khái niệm về quản lý tài chính cá nhân, trước tiên bạn cần biết cụ thể khái niệm tài chính cá nhân là gì.
Theo định nghĩa của Investopedia – một trang web nổi tiếng chuyên cung cấp các khái niệm về tài chính thì Tài Chính Cá Nhân là thuật ngữ chỉ sự quản lý về dòng tiền của cá nhân, bao gồm tiết kiệm và đầu tư. Nó bao gồm tất cả những kế hoạch tài chính cá nhân của bạn như gửi tiết kiệm, vay ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, thuế & bất động sản.
Do đó Quản Lý Tài Chính Cá Nhân chính là việc quản lý dòng tiền cá nhân của mình để đạt được những mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thu nhập, chi tiêu cá nhân và những mục tiêu của bạn có phù hợp với tình hình tài chính hiện tại hay không. Cho dù mức thu nhập của bạn như thế nào, dù cao hay thấp, thì việc quản lý tài chính cá nhân đều rất quan trọng.
2. Vì sao dân công sở cần biết cách quản lý tài chính cá nhân?
Ai cũng cần phải biết quản lý tài chính cá nhân thông minh. Cũng như thể chất và tinh thần, tài chính cũng là một loại hình “sức khỏe” nhất định phải đặc biệt chú trọng. Khi tài chính của bạn vững vàng, bạn mới có thể an tâm làm việc và sống hạnh phúc mà không phải lo lắng áp lực tiền bạc. Để lên kế hoạch quản lý tài chính hiệu quả, bạn có thể kiểm tra sức khỏe tài chính cá nhân trước để biết được tình trạng hiện tại như thế nào.
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không chỉ ở việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý mà còn ở nhiều phương diện khác như xây dựng được những khoản tiền tiết kiệm, biết cách đầu tư đúng và đủ.
Đối với dân công sở, có một kế hoạch quản lý tài chính riêng là vô cùng cần thiết. Công việc văn phòng thường là công việc ổn định, cho thu nhập đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên công việc này cũng tồn tại không ít hạn chế, chẳng hạn như không có nhiều thời gian để làm thêm việc khác, không đa dạng nguồn thu.
Một rủi ro cao là khi xảy ra việc công ty bị giải thể dẫn đến thất nghiệp hoặc lương không thể thanh toán đúng hạn, người lao động sẽ khó có thể xoay sở chi tiêu sinh hoạt của mình. Nếu như bạn có một khoản tích lũy cho riêng mình, dẫu cho có lâm vào những hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy bạn vẫn có thể chủ động ứng phó trong thời gian chờ ổn định.
Quản lý tài chính cá nhân giúp dân văn phòng độc lập hơn trong tiền bạc
Bên cạnh đảm bảo tài chính ổn định, kiểm soát tiền bạc cá nhân sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu như mua nhà, mua xe. Đồng thời hạn chế tình trạng chi nhiều hơn thu dẫn đến nợ nần.
Ngoài ra khi bạn đạt đến ngưỡng tự do tài chính nhất định, bạn sẽ tự chủ được cuộc sống của mình và có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Bạn có thể thỏa mãn các sở thích cá nhân mà không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Hoặc bạn có thể ngưng công việc văn phòng nhiều áp lực mà tự mở kinh doanh riêng và làm chủ. Khi bạn không phải chịu gánh nặng cơm áo gạo tiền, được thoải mái làm những điều mình thích, chất lượng cuộc sống bạn sẽ được nâng cao lên rất nhiều.
Kiểm soát tốt thu nhập, chi tiêu của mình ngay từ bây giờ sẽ có tác động tích cực đến tương lai của bạn. Dưới đây là những kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân mà dân văn phòng nhất định không thể bỏ qua.
3. 10 cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dân văn phòng nên biết
Những kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân dưới đây không quá khó để thực hành. Chỉ cần kiên trì và tính toán kỹ lưỡng một chút, bạn sẽ tránh được các rủi ro về tiền bạc và có cuộc sống dễ dàng hơn trong tương lai.
3.1 Xác định mục tiêu khi quản lý tài chính
Khi bắt tay vào quản lý tài chính cá nhân, bạn phải có một mục tiêu rõ ràng và thực tế. Bởi nếu không biết lý do mình phải kiểm soát tiền bạc là gì, bạn sẽ rất nhanh chóng bỏ cuộc và rơi vào rủi ro tài chính.
Một số mục tiêu cụ thể bạn có thể hướng tới đó là thanh toán sớm các khoản nợ, sớm độc lập tài chính, có khoản dư tiết kiệm cho đầu tư hoặc các tình huống ngặt nghèo. Hiểu được mình cần gì, bạn mới có thể lên kế hoạch chi tiết và có động lực thực hiện tốt được.
3.2 Phân chia chi phí hằng tháng rõ ràng
Phân chia chi phí hàng tháng kỹ lưỡng là cách quản lý tài chính cá nhân thông minh. Theo tư vấn từ các chuyên gia, bạn nên chia thu nhập hàng tháng của bạn theo 4 danh mục: khoản chi cố định, khoản chi đầu tư, khoản chi tiết kiệm, khoản chi tự do.
Tùy theo mục đích và độ quan trọng của từng khoản mà bạn chi phần trăm trong thu nhập bạn nhận được. Bạn có thể chia theo cách sau: 50-60% cho khoản cố định, 10% cho khoản đầu tư, 5-10% cho khoản tiết kiệm, 20-30% cho khoản tự do. Như vậy bạn sẽ biết được mình chi bao nhiêu, dành dụm được bao nhiêu, khoản nào cần chi và khoản nào không cần chi.
Phân chia thu nhập hàng tháng đảm bảo bạn không tiêu tiền quá mức
3.3 Kiểm tra tài chính hàng ngày
Một cách quản lý tài chính cá nhân mà những người giàu thường làm đó là kiểm tra tài chính hàng ngày. Không mất quá nhiều thời gian, 15 phút hằng ngày sẽ giúp bạn biết được hôm đó mình đã tiêu bao nhiêu tiền, có vượt mức dự định đề ra hay không. Kiểm tra tài chính hàng ngày sẽ giúp bạn đảm bảo không chi tiêu quá mức và biết mình có thể dành dụm được bao nhiêu tiền.
Hiện nay, công nghệ hiện đại đã cho ra những ứng dụng giúp bạn kiểm soát chi tiêu hàng ngày tiện lợi. Bạn có thể dùng đến Money Lover, ứng dụng do người Việt sáng tạo giúp bạn theo dõi các khoản thu và chi trong ngày. Hoặc Money Helper, ứng dụng rà soát tài chính cá nhân, phù hợp cho mọi đối tượng.
Sử dụng các ứng dụng theo dõi thu chi giúp bạn kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn
3.4 Cắt giảm chi tiêu không cần thiết
Hãy lên danh sách những khoản tiền bạn cần chi ra trong tháng, như thế bạn có thể dễ dàng quyết định chi tiền một cách đúng đắn. Gạch bỏ ngay những khoản chi cho những thú vui không cần thiết, chẳng hạn mua sắm những bộ quần áo mới, đi ăn một nhà hàng sang trọng, đi xem phim.
Như thế mỗi tháng, bạn đã dành ra được một khoản tiền nhỏ có thể dành tiết kiệm cho tương lai và sớm đạt được ngưỡng an toàn tài chính.
Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều dân văn phòng có nguy cơ cao bị cắt giảm tiền lương. Chính vì thế thay đổi hành vi và thói quen mua sắm sẽ giúp bạn không phải quá chật vật khi xoay sở tiền sinh hoạt hàng ngày.
3.5 Tự nấu ăn thay vì ăn ngoài
Ăn uống là danh mục thiết yếu và chiếm nhiều nhất trong chi tiêu hàng tháng. Nhiều dân công sở thường lựa chọn mua các đồ ăn sẵn vì tiện lợi. Nhưng bạn cần biết mua thức ăn bán bên ngoài sẽ tốn nhiều tiền hơn bạn nấu ăn sẵn tại nhà.
Ngoài ra thức ăn ngoài các hàng quán cũng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bạn sẽ phải dành ra một khoản chi cho sức khỏe nếu như cơ thể bạn gặp trục trặc nào đó (ngộ độc thực phẩm, …)
Bạn hãy lên thực đơn ăn uống hàng tuần, tự lựa chọn thực phẩm và tự nấu ăn. Như vậy không mất quá nhiều thời gian, và bạn vẫn đảm bảo ăn uống đủ chất mà không tốn quá nhiều tiền bạc.
Nấu ăn tại nhà giúp bạn tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe
3.6 Đa dạng nguồn thu nhập
Nếu bạn còn trẻ và chưa lập gia đình thì đây là thời điểm vàng để bạn xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc. Sau khi đã đảm bảo được nguồn thu nhập chính, hãy tìm thêm những công việc ngoài giờ hành chính để đa dạng hóa nguồn thu của mình.
Bạn có thể sử dụng những kỹ năng mình đã học được như viết content, thiết kế, bán hàng online, chơi chứng khoán, … để tăng thu nhập hàng tháng. Ngoài ra nếu công việc văn phòng của bạn rơi vào khó khăn thì bạn cũng có một khoản tiền nhất định để trang trải cuộc sống.
Có rất nhiều công việc làm thêm cho dân công sở, bạn hoàn toàn có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để kiếm thêm thu nhập nhé.
Hãy tận dụng những điểm mạnh của mình để kiếm tiền, mục tiêu an toàn và tự do tài chính của bạn sẽ mau chóng thành hiện thực thôi.
3.7 Mua bảo hiểm
Mua bảo hiểm là một cách quản lý tài chính cá nhân đúng đắn cho tương lai xa. Khi ứng tuyển vào bất kì công ty nào, người lao động nào cũng phải đặc biệt quan tâm đến các phúc lợi đó là bảo hiểm sức khỏe, tai nạn, thất nghiệp.
Khoản tiền đóng cho bảo hiểm có thể không nhiều, nhưng cho đến khi có bất trắc xảy ra chúng sẽ mang lại cho bạn lợi ích rất lớn. Chẳng hạn với bảo hiểm sức khỏe, bạn có thể giảm gánh nặng tài chính khi đi khám chữa bệnh.
Hoặc khi bạn chấm dứt hợp đồng làm việc, bạn có thể nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp để trang trải trong khi chờ tìm việc làm mới.
3.8 Đầu tư hiệu quả
Một cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả mà nhiều người vẫn áp dụng đó là đầu tư đúng đắn. Bạn có biết những người giàu phần lớn là do họ biết cách đầu tư và kiếm được tiền kể cả khi ăn, khi ngủ không?
Nếu bạn đã dành ra được một khoản tiền tiết kiệm, đừng đem gửi ngân hàng vì lãi suất bạn nhận được không được bao nhiêu cả. Thay vào đó đầu tư vào những hạng mục như bất động sản, chứng khoán, học thêm các kỹ năng cần thiết, khoản tiền gốc ban đầu của bạn sẽ sinh lời lớn sớm thôi.
Đầu tư đúng cách sẽ giúp số tiền gốc của bạn tăng cao
3.9 Lên kế hoạch trả hết các khoản nợ
Khi mới bắt đầu đi làm, nhiều dân văn phòng sẽ không tránh khỏi việc tiêu tiền quá mức và rơi vào nợ nần. Nhưng nợ nần không đáng sợ, đáng sợ là khi bạn không có một kế hoạch thanh toán các khoản vay.
Nếu bạn không nhanh chóng giải quyết nợ nần, nó sẽ trở thành một gánh nặng tài chính ảnh hưởng đến tiền bạc hiện tại và cả ngân sách trong tương lai. Hãy xem xét các cách hay để có thể hoàn trả các khoản nợ và chọn cách phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình.
Đây là một vài cách hay mà bạn có thể áp dụng để trả hết các khoản nợ. Chẳng hạn trả nợ đúng hạn để tránh các khoản tiền phạt khi bạn thanh toán trễ. Hoặc xem xét các khoản nợ nào cần phải thanh toán sớm, theo đó, bạn nên ưu tiên nợ thẻ tín dụng vì có lãi suất cao hơn.
3.10 Thiết lập khoản chi khẩn cấp
Sẽ có những lúc bạn rơi vào những tình huống ngặt nghèo như công ty giải thể dẫn đến thất nghiệp, hoặc như tình hình dịch bệnh hiện tại khiến bạn bị giảm lương, lâm vào bệnh hiểm nghèo,…Khi ấy nếu bạn có sẵn một khoản tiền để chi cho những trường hợp khẩn cấp như vậy, bạn sẽ dễ dàng vượt qua để ổn định cuộc sống. Trái lại nếu không lường trước những rủi ro này, bạn sẽ phải đi vay mượn và rơi vào cảnh nợ nần.
Khoản chi khẩn cấp bạn có thể thiết lập từ khoản chi tự do. Thay vì dùng toàn bộ khoản chi tự do cho mục đích vui chơi giải trí, bạn hãy dùng một phần để dành cho các tình huống khẩn cấp.
Lời kết
Việc học cách quản lý tài chính hiệu quả sẽ giúp ngăn ngừa các rủi ro tài chính và đảm bảo các mục tiêu tiết kiệm. Tuy nhiên thực tế là vẫn có không ít nhân viên văn phòng chưa biết làm thế nào để quản lý tài chính riêng một cách hiệu quả nhất.